Những câu chuyện có thật về LUẬT NHÂN QUẢ, khiến người nghe rùng mình
Trong cuộc sống đầy xô bồ hiện nay, ai cũng cần những khoảng lặng để suy ngẫm những gì đã và đang xảy ra xung quanh mình. Con người đôi lúc phải trải qua “hỉ nộ ái ố”, phải chứng kiến những điều tưởng chừng rất khó lí giải.
Cuộc đời có những quy luật khó tin nhưng có thật, đó là luật nhân quả và những câu chuyện quả báo tưởng chừng như chỉ có thể xảy ra trong truyện, nhưng lại diễn ra và tồn tại như một lời cảnh tỉnh với bất cứ ai.
Hãy cùng nhau tìm hiểu những câu chuyện về luật nhân quả hoàn toàn có thật này để hiểu rõ thêm và tự rút ra cho mình những bài học cần thiết trong cuộc sống bạn nhé!
1) Gia đình trả nghiệp về việc sát sinh động vật
Có một sư thầy tên gọi là thầy Giác Liên, trụ trì tại chùa Phước Hải, Tỉnh Vĩnh Long đã từng kể về những câu chuyện nhân quả mà chính thầy đã chứng kiến trong kiếp tu hành của mình.
Một trong nhiều câu chuyện hay được nhắc đến nhất đó là câu chuyện về một cậu bé tên Hiền, sống ngày qua ngày bằng việc xin ăn tại chợ Trà Vinh với hình dáng và thân thể giống như thân thể của một con bò.
Hiền được sinh ra và lớn lên trong một gia đình với nghề mổ bò truyền thống ở Trà Vinh. Ông nội của Hiền cũng nhờ nghề này mà đã trở nên khấm khá, giàu có. Một ngày nọ, trước khi chuẩn bị làm thịt một con bò cái, bỗng nhiên ông liền nằm thấy chiêm bao, trong giấc mơ có một người đàn bà đi đến bên ông và nhìn ông khóc lóc, van xin rằng: “Tôi van xin ông, ông làm ơn đừng giết tôi, hãy để tôi sinh con xong rồi thì ông có thể giết”.
Điều lạ là trong một đêm, không những ông chỉ mơ thấy một lần mà tới 3 lần cùng một giấc mơ. Ông bèn mang câu chuyện này đi kể cho vợ nghe thì người vợ có khuyên ông rằng không nên mổ thịt con bò này mà hãy tiếp tục nuôi nó để cho nó đẻ. Suy đi tính lại, không hiểu sao cuối cùng ông vẫn quyết định làm thịt nó để bán.
Sáng sớm hôm sau, con bò này kêu la to và khủng khiếp hơn so với nhiều con bò khác mà ông đã từng thịt, nó lăn lộn, giãy giụa tới mức bứt cả sợi dây trói. Cuối cùng thì nó vẫn phải chết, cái cảnh tượng của con bò khi đó khiến ông nội Hiền nhớ mãi cho đến sau này vẫn không thể quên được, chính là cái đầu nó cứ lắc lư qua lại mãi như thể nó vẫn đang còn sống.
Điều trùng hợp ở đây là một thời gian sau khi ông giết con bò đó thì con dâu ông trở dạ sinh đứa cháu nội đầu tiên – cháu đích tôn của ông. Sẽ không có gì đáng nói nếu như cháu của ông khi sinh ra không mang trên người những dị tật rất giống với hình dáng của một con bò. Đó là con vật môi thì bị sứt, mắt thì lồi chân tay thì cong queo không đi được, phải bò, riêng cái đầu thì cứ lắc lư qua lại không thôi.
Đứa trẻ đó chính là Hiền. Khi nhìn hình ảnh của cháu mình, người ông không thể nào không liên tưởng đến cái chết của con bò cái mà ông đã giết, đặc biệt là về động tác lắc lư cái đầu. Nhìn hình ảnh cháu và những chuyện đã qua, ông như đã hiểu nguyên nhân sâu xa vì sao mà cháu mình khi mới sinh ra đã bị như vậy.
Ông vô cùng hối hận và muốn sửa sai, muốn chuộc lại lỗi lầm của mình, ông quyết định bỏ cái nghề đã tồn lại từ lâu đời và là nguồn làm giàu của gia đình từ xưa đến nay. Ông bỏ hẳn việc sát sinh bò. Bên cạnh đó, vì lo chữa trị cho cháu, có bao nhiêu của cải, tiền bạc ông đều dốc hết. Tuy nhiên cậu bé vẫn phải sống và mang trên mình những dị tật như vậy.
Không những thế, cay đắng hơn, khi lên 10, Hiền đã phải lần lượt mất đi những người thân của mình vì ai cũng mang trọng bệnh và chết bất thình lình, em phải bò lê la ra chợ để xin ăn. Cứ mỗi lần xin ăn, không hiểu như có ai đó xui khiến, Hiền vừa lết vừa kêu gào, khóc lóc rất thảm thiết: “Xin mọi người, xin các chú các bác, các cô các dì đừng giết con, con là con bò…”.
Đây là một câu chuyện về luật nhân quả, về quả báo mà đối với mỗi người dân Vĩnh Long, câu chuyện này của sư thầy dường như in sâu vào tâm trí họ như những bài học về đạo lý, để biết cách sống và định hướng sống sao cho không đi theo vết xe đổ của những người được kể trong những câu chuyện của sư thầy.
2) Kiếp trước làm kiếp này chịu
Tại phủ Hà Giang xưa, có một người tên là Phùng Thụ Nam, ông là người rất thông minh và rất có tài, đặc biệt là tài viết lách. Mười mấy năm ông phiêu du tại kinh thành nhưng mãi mà vẫn chưa thành danh. Ông cũng hay gặp cơ hội, nắm bắt lấy nhưng không hiểu sao cuối cùng lại cũng thất bại. Cuộc sống của ông cứ tiếp diễn nghèo khổ, trong thâm tâm chất chứa nhiều nỗi buồn.
Một hôm nọ, ông tới miếu thờ và thỉnh cầu thần linh cho ông biết tại sao số mệnh của ông lại hẩm hiu như vậy. Và ngay đêm hôm đó, ông mơ thấy có người đến là nói với ông rằng:
“Vận mệnh đời này của ngươi là do ngươi tạo thành, vì thế ngươi không nên oán hận về những khổ nạn cũng như những thăng trầm trong cuộc sống mà bản thân đã gặp phải. Kiếp trước, để đạt được danh tiếng mà ngươi đã sẵn sàng dùng mọi lời lẽ giả dối, lừa gạt mọi người. Khi gặp những kẻ phạm pháp, mặc dù biết rõ rằng tội của người đó không thể nào dung tha được, hết lần này đến lượt khác, ngươi tìm cách biện giải giúp người đó, chỉ để được nhận lại sự cảm kích.
Để làm ra vẻ là người tốt mà ngươi đã đem oán hận quy kết cho người khác. Ngươi quả là người quá xảo quyệt! Ngoài ra, khi làm những hành vi này, ngươi đều điều khiển mình ở ngoài cuộc, là người giật dây, cho dù là có công hay có tội đi chăng nữa thì cũng đều do người khác gánh chịu. Hễ cứ thấy có ai động chạm hay để ý tới lợi ích của ngươi, ngươi liền tìm cách nhanh chóng lẩn tránh.
Có những chuyện ngươi chỉ cần bỏ một chút công sức ra là có thể cứu được người khác thoát khỏi cái cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng ngươi lại chỉ đứng nhìn vì sợ bị phiền phức. Người khác nhìn ngươi có vẻ thân mật, nhưng thực sự lại là không hề thân, thực ra bên trong rất thờ ơ nhưng lại tỏ vẻ rất ân cần và chu đáo bên ngoài. Ngươi là người giả tạo, đạo đức giả, làm mọi việc chỉ để tốt cho lợi ích của bản thân mình.
Một người nếu ai đã lỡ làm chuyện gì sai trái thì có thể bù đắp lại bằng những việc thiện, việc tốt. Nhưng nếu người nào đã có tâm địa xấu xa thì dù có thiên lý, luật lệ cũng không thể nào dung thứ được. Vậy nhìn vận mệnh của ngươi ở kiếp này như vậy ngươi thấy có đáng hay không?”
Phùng Thụ Nam nghe xong vô cùng hối hận, không bao lâu sau thì đổ bệnh mà chết. Đây chính là cái nghiệp mà ông đã gây ra ở kiếp trước mà ở kiếp này ông phải gánh chịu.
3) Bị quả báo vì đập phá miếu thờ, làm ô nhục tổ tiên
Xưa kia, có một ngôi làng nọ, ngôi làng mà mọi người dân ở đó đều mang họ Lưu nằm tại một dãy núi phía Bắc thuộc huyện Cử, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc). Trong thời kỳ “Cách mạng văn hóa” diễn ra trên khắp cả nước thì ngay cả khu làng nhỏ này cũng không thể nào tránh khỏi.
Trong suốt quá trình mở rộng cuộc vận động, chính quyền ép buộc người dân phải phá hủy vô số đồ cổ, đền thờ. Tuy nhiên chỉ có duy nhất một ngôi miếu nhỏ và bài vị tổ tiên ở trong miếu đó là không một ai dám động đến. Nhưng có hai thanh niên trẻ trong làng thuộc dạng phá phách, hay vỗ ngực xưng tên, thẳng thừng tuyên bố rằng hai người họ sẽ đập tan cái miếu đó nếu không có ai dám đập.
Cuối cùng, ngôi miếu bị đập phá, bài vị tổ tiên còn bị 2 thanh niên kia dùng chân giẫm nát sau đó đem đến con sông ở trước thôn vứt đi. Sau khi đập phá xong, một người thì trở về nhà, người còn lại thì ngồi hóng mát và nghỉ ngơi ở ven sông.
Thanh niên trở về nhà, sau khi vừa về đến nhà bỗng dưng bị đau bụng quằn quại, khóc thét lăn lộn khắp nhà. Người mẹ của thanh niên này là một người vốn tin vào đạo Phật, chứng kiến cảnh con trai sau khi đập phá miếu thờ trở về nhà lại đột nhiên bị bạo bệnh, biết tính mạng con trai mình khó giữ nên bà đã thành tâm quỳ gối lê lết từ nhà đến tận ngôi miếu nhỏ vừa bị đập phá kia để thay con trai nhận tội và cầu xin thánh thần.
Riêng người thanh niên này sau khi bị đau bụng dữ dội cũng đã nhận ra mình đã bị quả báo, trong lòng anh ta cảm thấy vô cùng hối hận, ăn năn tự phát tâm kính trọng Phật. Sau đó kết quả thật khó tin, anh ta cảm thấy bụng mình giảm đau dần dần và sau đó hết hẳn. Biết mình được tha thứ, ngày đêm thành tâm đọc kinh thỉnh Phật.
Còn người thanh niên ngồi bên bờ sông nghỉ ngơi thì lại không được gặp may như vậy. Sau khi hóng mát và nghỉ ngơi xong, anh ta chuẩn bị đi về, ngay lúc anh ta vừa đứng dậy dù không vấp phải thứ gì nhưng đột nhiên lại bị ngã nhào xuống mặt đất. Anh ta luống cuống đứng dậy một cách cố gắng, thì bỗng nhiên phát hiện hai chân của mình bị uốn cong lại một cách vô lí, cho dù dùng hết sức lực như thế nào thì anh ta cũng không thể nào đứng thẳng dậy được.
Không những thế, hai chân của anh ta còn bị dính chập vào nhau ở một chỗ, không thể nào mở tách ra được. Chưa dừng lại ở đó, lưng của anh ta tự nhiên cũng bị gì và gập xuống, một cách khó tin, cứ thế đầu anh ta cứ áp sát, cắm xuống mặt đất mặc dù anh ta cũng đã cố hết sức để đứng thẳng lưng dậy nhưng bất lực.
Trên đường đi về, cứ như thế vừa đi anh ta phải dùng cả hai tay để chống xuống đất. Kể từ đó về sau, anh ta đều phải đi với tư thế này trong suốt quãng đời còn lại của mình, một cách vô cùng thống khổ. Động tác và dáng đi này của anh ta làm người khác liên tưởng tới động tác vừa đi vừa dập đầu vái Phật.
Mọi người trong thôn này đều cho rằng vì đập phá miếu, làm nhục và vứt bài vị tổ tiên mà đã bị báo ứng như thế. Anh ta phải chịu tư thế đi này trong suốt quãng đời còn lại của mình.
4) Ở hiền thì ắt sẽ gặp lành
Ở Quảng Nam có một sư cụ mang pháp danh là Huyền Quang, trụ trì tại chùa Bích Liên, tuy đã 90 tuổi nhưng thần thái rất tốt. Trước khi xuất gia, cụ là một người lính. Lúc Pháp mới qua xâm lăng, nước ta không được yên ổn, sư cụ Huyền Quang (tạm gọi là “ông”) lúc này là lính trong nhóm với một toán quân do hai viên quan người Pháp chỉ huy.
Gần đồn mà ông đóng đô, có một bà già đã ngoài 60 lại góa chồng, vô cùng nghèo nàn, mưu sinh bằng việc buôn bán nhỏ kiếm từng hào, từng đồng. Trong đồn của ông, có một người lính có tên là Lợi, tính tình rất điêu ngoa. Thông thường, cứ mỗi khi bà già ấy bán đồ thì ông cùng các người lính khác trong đồn vẫn thường hay ra mua, thành ra là khách quen, là chỗ thân thuộc, đồng tiền cũng thành ra vay qua mượn lại lẫn nhau, nhưng những đồng vốn cũng chủ yếu là vay góp.
Hôm nọ, khi nghe tin bất ngờ là có lệnh di quân, bà liền tới đồn để đòi những đồng tiền bà đã cho vay mượn nhằm trả lại cho thân chủ của mình. Lúc ấy, ông thì đi đâu không có tại đồn, còn Lợi thì mãi tới tối mới đem một đồng bạc về trả cho bà. Bà liền cầm để đến trả cho người bà đã vay góp, nhưng than thay đồng bạc bà được Lợi trả lại là đồng bạc giả. Bà bị người chủ nợ chửi rủa thâm tệ và còn hăm dọa bắt bà đi báo quan.
Lúc đó thì cũng đã muộn, Lợi cũng đã dời đồn đi xa, bà vừa tức vừa uất, không biết lấy tiền đâu ra để trả cho người ta. Bà cũng tính đến chuyện bán hết tất cả các đồ đạc trong nhà để trả nợ nhưng tính đi tính lại cũng không thể nào đủ được, bà đã nghĩ mình chỉ còn nước chết. Nghĩ quẫn một hồi, bà vội lấy dây lưng treo lên cây rồi treo cổ tự tử, bỗng nhiên lúc này từ đâu ông (sư Huyền Quang) liền xuất hiện và lật đật cứu bà.
Bà nhìn ông vừa khóc vừa nói không nên lời. Ông mới hỏi nguyên do thì được bà kể lại đầu đuôi câu chuyện cho ông nghe. Nghe xong xuôi câu chuyện, ông động lòng trắc ẩn liền móc túi ra một đồng với mấy xu đưa hết cho bà và nói rằng : “ Bây giờ tôi đưa đồng bạc của tôi cho bà, còn đồng bạc của anh Lợi bà đưa cho tôi, tôi tìm ảnh tôi đổi lại”. Vậy là bà ấy thoát khỏi ngưỡng cửa của thần chết.
Thế là đoàn lính cứ tiếp tục kéo ra mặt trận khác. Không may, lại bị quân địch bắn đột kích khi đang men theo con đường sát chân núi. Người đầu tiên bị bắn ngã nhào ra trước là Lợi, ông cũng bị trúng đạn. Lúc ấy hên là có cứu viện tới kịp thời đánh lại được bọn giặc và đưa những người bị thương về lại trại.
Một điều lạ là, ông từ từ tỉnh dậy, Bác sĩ của quân đội xem xét khắp nơi trên cơ thể ông nhưng lại không tìm thấy một vết thương nào cả. Khi xem xét tới túi áo của ông thì rõ ràng thấy dấu đạn, thì ra chính đồng bạc của bà già đưa cho ông lúc nãy chính là cái bia đỡ cho ông, đồng bạc bị lõm một lỗ sâu hoáy. Từ sau ông thôi lính và xin về chùa quy y theo Phật.
Đây chính là câu chuyện kể về luật nhân quả, là trường hợp gặp may mắn, ở hiền gặp lành, còn ở ác lại gặp dữ.
5) Câu chuyện về việc bị báo ứng vì phá vỡ tượng Phật
Tại chùa Hưng Quốc thuộc huyện Bác Hưng, thành phố Tân Châu, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) có một bức tượng Phật được gia công bằng đá vô cùng nổi tiếng. Bức tượng này cao đến một trượng tám (tức 8.5 mét) nên được người dân quanh đây đặt tên là “Tượng Phật Trượng Bát”.
Liên quan đến bức tượng này còn có một câu chuyện thật như sau:
Trong thời kỳ “Cách mạng Văn hóa”, hàng loạt các đền thờ, tượng Phật, chùa chiềng, miếu thờ,… đều bị phá hủy và ngay cả bức tượng Phật nổi danh này cũng không phải ngoại lệ. Người đứng đầu của nhóm người thực hiện cuộc cách mạng tại nơi đây thông qua việc đập phá tượng Phật, ông ta đã mượn việc đó để lập nên thành tích, lập nên uy nghi cho mình. Đến tượng nào ông ta cũng vừa đập vừa bắn phá điên cuồng.
Tới bức tượng Phật Trượng Bát này, ông ta ra lệnh bắn vào 2 con mắt của bức tượng Phật đầu tiên. Vẫn chưa cảm thấy đủ “uy”, ông ta huy động nguyên cả một nhóm người đến ra lệnh vừa đập vừa nện, ra tay vô cùng quyết liệt, tuy nhiên bức tượng Phật này vẫn hiên ngang không bị đổ.
Thấy bức tượng vẫn không xoay chuyển, người này liền dùng dây cột vào cổ của bức tượng Phật rồi kêu máy kéo tới, cho máy kéo chuyển động với động cơ hết cỡ, cuối cùng đầu của bức tượng bị lìa ra và bị văng xuống mặt đất. Chưa dừng lại tại đó, ông ta tiếp tục dùng súng bắn liên tiếp vào mắt của bức tượng như để hả hê.
Sau đó không lâu. Trong một lần ngồi bên cạnh ghế lái của chiếc máy kéo, vì bất cẩn người này đã bị ngã ra khỏi xe, ngã xuống đất và ngay lập tức bị bánh sau của xe máy kéo cán qua ngay cổ khiến đầu bị nghiền nát và rớt ra ngoài, chết tại chỗ.
Đây chính là luật nhân quả, quả báo nhãn tiền, gieo nhân nào thì gặt quả ấy, người này đã gặp báo ứng lớn.
6) Con cái và cha mẹ có mối nhân duyên như thế nào
Ngày xưa, ở một ngôi làng nọ có một cặp vợ chồng bị hiếm muộn, mãi họ mới có được một đứa con gái. Tuy nhiên, cô con gái này lại mang rất nhiều bệnh tật ngay khi vừa mới được sinh ra, cô ốm đau liên miên. Vì là con một lại hay thường xuyên bệnh tật, nên cô con gái được ba mẹ nuông chiều vô cùng.
Vì cô thường xuyên ốm đau nên để chạy chữa cho con gái, bao nhiêu tiền tài và của cải trong nhà đều lần lượt ra đi. Đến khi cô con gái vừa tròn 18 tuổi thì con ngựa là gia tài duy nhất còn lại trong nhà. Một ngày nọ, bỗng dưng cô gái chỉ vào con ngựa và nói với ba mẹ cô rằng cô muốn ăn thịt con ngựa đó và muốn ba mẹ cô làm thịt ngựa cho cô.
Vì thương con, nhìn con gái ngày ngày nằm trên giường bệnh nên hai vợ chồng đã quyết định làm theo lời cô gái dù không nỡ lòng nào giết con ngựa kia vì nó là của cải cuối cùng trong nhà và rất có ích. Đang phân vân không biết như thế nào thì cô con gái kia vội vàng nhắc ba mẹ cô thêm một lần nữa rằng đang rất muốn ăn thịt con ngựa đó, nếu họ không giết con ngựa cho cô thì cô sẽ chết.
Nghe con gái nói thế, cả hai vợ chồng liền vội vàng đem con ngựa kia ra làm thịt cho cô con gái ăn, không ngờ khi ăn xong khoảng nửa canh giờ, cô gái liền lăn ra chết.
Khi chứng kiến cảnh đó, ba mẹ cô kêu khóc vang trời, bà con chòm xóm đến thăm và an ủi nhưng vẫn không thể nào xoa đi được vết đau của họ. Con gái chết đi là một sự mất mát rất lớn đối với hai vợ chồng tội nghiệp, mặc dù biết kể từ ngày cô con gái được sinh ra cho đến nay, cô gái đã mang đến rất nhiều điều không hay, họan nạn, của cải tiêu tan, ngay cả tiền ma chay cũng không có.
Nhưng vì thương con, vợ chồng họ rất đau khổ. Thấy như vậy, một người trong làng đã mách cho họ, khuyên và chỉ đường đến một vị hòa thượng, ông ấy có thể lí giải được rất nhiều câu chuyện ly kỳ khó tin nhưng có thật.
Vậy là, qua bao chặng đường trèo non lội biển, cuối cùng hai vợ chồng cũng đã tìm đến nơi ở của vị hòa thượng kia.
Khi đã kể rất rõ ràng và chi tiết chuyện của cô con gái, người chồng mới hỏi vị hòa thượng rằng nhân duyên giữa cô con gái và vợ chồng ông ở kiếp trước là như thế nào. Nghe xong vị hòa thượng chẳng nói chẳng rằng mà chỉ ngồi thiền suốt nửa ngày, sau đó ông đã nói với hai vợ chồng kia rằng kiếp trước hai vợ chồng người nông dân vẫn còn nợ cô con gái một khoản nợ lớn mà kiếp này cần phải trả. Sau đó ông đã giải thích chi tiết và rõ ràng về món nợ mà ông nói đến.
Ông nói rằng vào kiếp trước, cô con con gái của hai vợ chồng người nông dân này là một tiểu thư đài cát của một gia đình vô cùng khá giả. Vào năm cô tiểu thư này tròn 18 tuổi, cô cùng cha mẹ mình đi thăm bà con, trên đường đi bất ngờ gặp một đoàn cướp. Đứng đầu nhóm cướp đó chính là con ngựa của hai vợ chồng nông dân ở kiếp này.
Còn hai vợ chồng người nông dân khi đó là một trong những thuộc hạ còn lại nằm trong nhóm cướp. Nhóm cướp đã cướp sạch sẽ mọi tài sản của gia đình cô tiểu thư, giết chết cha mẹ cô, không những thế cô còn bị tên cầm đầu cưỡng hiếp. Kết cuộc, cô tiểu thư này đã đứng hiên ngang trên vách núi và đã thề rằng vào kiếp sau cô sẽ lấy đầu tên cầm đầu tướng cướp để trả thù, sau đó cô nhảy xuống núi và tự tử.
Vì những nghiệp mà mình đã gây nên trong kiếp trước nên tên cầm đầu nhóm cướp khi mất đi đã bị đầu thai thành súc sinh, còn hai vợ chồng người nông dân kia do về sau đã cải tính hướng thiện nên khi chết đi vẫn tiếp tục được đầu thai làm người. Về vị tiểu thư kia được đầu thai làm con gái của hai vợ chồng nông dân nhằm để đòi những món nợ lúc trước bị cướp.
Sau khi nghe vị hòa thượng nói xong, hai vợ chồng người nông dân mới ngẫm nghĩ và nhận ra đúng là mọi việc đều giống khớp với những gì vị hòa thượng đã nói từ đó hai người hướng đến cái thiện, chăm bố thí, làm công quả với mong muốn giải hết được nghiệp ác mình đã gây ra ở kiếp trước cũng như tạo phước cho kiếp sau.
(Theo Lalung)