Nghẹn ngào với mong mỏi được trở lại trường của cậu bé 15 tuổi mắc ung thư máu
Đang học lớp 8 thì phát bệnh, đã hơn 1 năm nay cuộc sống của em gắn với bệnh viện. Mỗi lần để có tiền cho con lên viện chữa trị, đôi vợ chồng thuần nông nghèo khó phải vay mượn khắp nơi cũng chỉ đủ cầm cự được mấy hôm… “Nhà nghèo bệnh trọng” khiến cho ước mơ được trở lai trường của cậu bé 15 tuổi mắc ung thư máu đang ngày càng xa vời …
Ngồi trước mặt tôi đây là cậu bé Bùi Tiến Mạnh(15 tuổi), em vừa trải qua đợt hóa trị chưa lâu, nên tóc mới mọc lại lơ thơ vài cái. Cặp kính cận dày cộp cũng chẳng thể che được nét u ám trên gương mặt khôi ngô. Nhìn con trai không chớp mắt chị Mai Thị Thúy không giấu được nỗi đau đớn, khóc nức nở: “ Ngày bác sĩ thông báo cháu mắc ung thư máu, chị nghe mà như đất sụp dưới chân. Lúc đó cháu nó mới được 14 tuổi, nó còn nói với chị là cố gắng điều trị để mấy nữa còn về ôn thi hết kỳ rồi mấy nữa còn thi cấp 3. Vậy mà giờ đây cháu nó phải vật vã đau đớn thế này, còn việc học thì đành dở dang…Ông trời sao lại nỡ bắt tội thằng bé chứ!… ”
Một hồi lâu, cảm xúc dần nguôi ngoai, chị Thúy bùi ngùi tâm sự, lúc đầu Mạnh xuất hiện liên tiếp các cơn đau các khớp xương , và được các bác sĩ tuyến huyện và tỉnh chuẩn đoán là viêm đa khớp, nhưng uống thuốc mãi vẫn không khỏi. Tháng 9/2016 Mạnh được chuyển lên bệnh viện Bạch Mai chữa trị tiếp. Sau gần 2 tháng nằm viện điều trị mà bệnh vẫn không thuyên giảm. Một dấu hiệu chẳng lành cho sức khỏe của em, sau khi được chỉ định hàng loạt các xét nghiệm, Mạnh được xác định mắc ung thư máu (Lơ xê mi cấp dòng lympho thể L2), lập tức em được chuyển sang bệnh viện Huyết học truyền máu TƯ điều trị.
Từ đó là những chuỗi ngày cùng cực, cùng con trai “chiến đấu” với căn bệnh quái ác. Để chăm con ở viện, chị Thúy phải bỏ cả việc đồng áng, gửi 2 đứa con còn lại cho bà nội. Anh Khang chồng chị Thúy vốn mắc bệnh đau thần kinh tọa và thoái hóa đốt sống lưng nhưng vẫn phải đi làm phụ hồ theo nhóm thợ xây trong làng, bôn ba khắp các nơi những mong kiếm được chút tiền còm cõi. Những ngày ở viện huyết học, để có được suất cơm cho 2 mẹ con, chị Thúy phải xuống căng tin của viện phụ rửa bát thuê.
Ôm ghì đứa cháu tội nghiệp vào lòng, bác Nguyễn Thị Khuyên bà nội của Mạnh không ngăn được dòng nước mắt: “ Từ ngày cháu Mạnh nó đổ bệnh, cả nhà ai cũng như người mất hồn, bố mẹ cháu vốn đã khó khăn, giờ thì kiệt quệ hẳn. Phải vay nhiều lắm, vay hết ngân hàng đến vay lãi ngoài của người ta. Lần nào cho cháu nó lên viện là phải đi vay lần ấy… Cứ thế này thì bố mẹ cháu lo sao nổi đây? Mà không đến viện thì cháu nó chết mất, cháu tôi mới có 15 tuổi đầu…Trời ơi sao người bị bệnh không phải là tôi!…”
Là người đã nhiều lần trực tiếp kêu gọi quyên góp giúp đỡ gia đình chị Thúy, anh Trần Văn Quyến, phó chủ tịch UBND xã Trực Cường, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, ái ngại cho biết: “ Hoàn cảnh gia đình chị Thúy là hoàn cảnh khó khăn đặc biệt ở địa phương, nhiều năm qua là hộ nghèo. Cháu Mạnh mắc bệnh hiểm nghèo cần được chữa trị liên tục nên lại càng thêm bội phần khó khăn. Địa phương cũng vận động mọi người quyên góp giúp đỡ, nhưng ở vùng quê nghèo nên cũng không được nhiều. Thay mặt chính quyền địa phương tôi xin tha thiết nhờ quý báo cùng các nhà hảo tâm giúp đỡ cho gia đình, cho cháu Mạnh được tiếp tục chạy chữa …”
Sau khi uống thuốc giảm đau, có lẽ cơn đau vừa hành hạ em đã tạm lui, Mạnh lần sang chiếc bàn học cũ kỹ kê gần giường. Trên bàn những tập sách vở được xếp ngay ngắn. Khẽ khàng lấy một cuốn, em nhẹ nhàng lật mở, hý hoáy, …đọc một cách khó nhọc, hẳn em đang rất mệt. Thấy tôi trân trối nhìn em, ngước cặp mắt đầy ám ảnh, Mạnh thẽ thọt : “ Phải nghỉ học mất một thời gian, cháu tiếc lắm, cháu biết bệnh của cháu nặng lắm, không biết sau này thế nào! Nhưng những lúc nào khỏe cháu lại ôn bài để sau này nếu được đi học lại thì không bị tụt cô ạ…Cháu ước sớm lại được đến trường cùng các bạn!….”. Tôi không dám nhìn thẳng vào mắt em, vội quay mặt mà thấy khóe mắt cay sè. Mong ước của em thật giản dị! Nhưng sao mà quá xa vời !?….
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Chị Mai Thị Thúy, xóm Thái Học, xã Trực Cường, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. ĐT 0168 929 4175
Theo Dân trí