Mẹ chăm con bại não đau đớn khi nghe người khác chê con là em bé xấu hoắc
Có ai sinh con ra mà lại không mong con được mạnh khỏe, khôn lớn chứ. Thế nhưng, không phải người mẹ nào cũng may mắn có được niềm hạnh phúc nho nhỏ ấy!
Niềm hy vọng bị dập tắt
Trò chuyện với PV, chị Đỗ Thị Tươi (29 tuổi, quê gốc Lâm Đồng), hiện đang sinh sống tại xã Tân Lập, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang không giấu nổi những giọt nước mắt khi nói về người con còn thơ dại nhưng đang mang trong mình căn bệnh bẩm sinh mang tên bại não.
Chị Tươi kể, sau khi tốt nghiệp lớp 12 vì không có điều kiện học lên cao, vì thế chị đã theo anh trai đi làm tại một công ty ở Đồng Nai. Tại đây chị gặp chồng của chị hiện tại. Sau thời gian tìm hiểu, yêu nhau được gần 3 năm, cả hai tiến tới hôn nhân trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Theo lời của chị Tươi, khi yêu nhau cả hai đã gặp phải muôn vàn khó khăn. Nhất là sự phản đối của gia đình hai bên vì khoảng cách địa lý quá xa và văn hóa địa phương khác nhau. Mặc dù bị phản đối, vượt qua tất cả, chị Tươi cùng chồng đã đến bên nhau.
Nhớ lại về quãng thời gian quyết định tiến tới hôn nhân, chị Tươi cho biết: “Vì tình yêu, vợ chồng tôi đã thuyết phục được gia đình để kết hôn. Đầu năm 2013 đám cưới được diễn ra và cuối năm đó chúng tôi đón bé gái đầu lòng khỏe mạnh, bụ bẫm. Vì muốn sinh thêm một bé nữa cho có chị có em, vợ chồng tôi đã lên kế hoạch sinh tiếp một em bé nữa”.
Những tưởng cuộc sống của gia đình chồng làm thợ xây, vợ ở nhà chăm con sẽ êm đềm trôi qua, nhưng kể từ sau khi sinh con thứ 2, gia đình chị Tươi lao đao vì căn bệnh mà con trai mắc phải.
Chị Tươi kể lại ngày sinh bé thứ 2: “Trong thời gian mang bầu, tôi cũng theo dõi và đi khám định kỳ. Bác sĩ cho biết em bé phát triển bình thường nhưng hơi nhỏ. Về nhà tôi cũng cố gắng ăn uống nhiều, tới gần ngày sinh tôi đi siêu âm lại thì bác sĩ nói tim thai chậm, tôi không biết tim thai chậm lại nguy hiểm như thế nào. Cho nên tới ngày dự sinh lại không thấy dấu hiệu gì tôi cũng mặc và sinh bé chậm hơn ngày dự sinh đến 6 ngày”.
Với vợ chồng chị Tươi, khi mang thai biết là con trai nên họ cảm thấy rất vui. Thế nhưng không ngờ mới lọt lòng mẹ, con đã bị dị tật ở chân. Bé không khóc được, hơi thở rất yếu nên vợ chồng chị đã đưa con đi bệnh viện tuyến trên khám, điều trị.
“Mới lọt lòng con tôi đã có biểu hiện không khóc được, hơi thở yếu nên sau khi sinh xong một mình tôi nằm viện và chồng đưa con tôi lên bệnh viện tuyến trên để thăm khám. Khi ấy, tôi chỉ biết cầu nguyện mong con không sao”, chị Tươi nhớ lại giây phút đau đớn đã qua.
Phút vợ chồng khóc nấc lên khi nghe con bị bệnh và nỗi đau đớn tủi thân khi nghe bé khác chê con xấu
Sau khi đưa con lên bệnh viện tuyến trên khám, con trai chị Tươi phải nằm cấp cứu 5 ngày: “Từ khi nhìn thấy con, tôi đã biết con có gì đó bất thường. Bé không bao giờ khóc, chỉ suốt ngày ngủ. Có thắc mắc bác sĩ nhưng họ cũng không nói”, chị Tươi tâm sự.
Nhớ lại về những tháng ngày phát hiện ra biểu hiện bất thường của con, chị Tươi ngậm ngùi: “Về nhà bé vẫn cứ ngủ ngày đêm, không đòi ăn, không khóc bao giờ và cũng không biết giật mình là gì. Với kinh nghiệm làm mẹ tôi biết con bị bệnh gì đó khác thường nhưng không dám nói ra. Tôi rất sợ”.
Sau sinh 1 tháng, con trai có biểu hiện ốm mệt, chị Tươi và chồng đưa xuống bệnh viện trong TP.HCM khám. Khi bác sĩ nhìn thấy con đã chẩn đoán là bé bị não. Khi đó, chị Tươi và chồng đã không giữ được bình tĩnh, khóc nấc lên trong phòng bệnh cố hỏi chi tiết về bệnh tình của con.
“Một lần nữa người làm mẹ như tôi rơi xuống vực sâu. Ôm con trong tay ra gặp chồng mà chỉ biết khóc. Cũng may chồng là người cứng rắn nên làm chỗ dựa cho mẹ con. Rồi tôi ôm con đi làm xét nghiệm, siêu âm, lòng vẫn cầu nguyện cho con không bị làm sao, chỉ là bác sĩ nói sai mà thôi. Nhưng kết quả đúng là con bị bại não”, chị Tươi nói trong nước mắt.
Hiện con trai chị Tươi đã được 21 tháng nhưng chỉ nặng 6,2kg. Suốt ngày, con chỉ nằm chơi và không biết làm gì. Những ngày đầu biết bệnh tình của con, chị Tươi suy sụp tinh thần vô cùng nhưng chị tự nhủ phải cố gắng vì các con, nếu những người mẹ khác cố gắng 1 thì chị phải cố gắng gấp 10 lần.
“Tôi cũng lên mạng tìm kiếm thông tin chăm sóc trẻ bại não, tôi chỉ biết cố gắng tập luyện cho bé. Hồi nhỏ thì đặt đâu con nằm đó, nhưng giờ bé đã biết nhận ra mẹ, biết cười, biết khóc và biết trêu đùa với chị gái nữa. Với tôi như vậy là đủ rồi. Chỉ cần nhìn thấy bé cười là mọi cực nhọc tan biến hết”, chị Tươi chia sẻ.
Chia sẻ về cách chăm sóc con bại não, chị Tươi không giấu nổi nỗi buồn. Bởi chị cho hay chăm sóc con bại não vất vả gấp bội phần so với đứa trẻ bình thường: “Chăm sóc bé rất khó, bởi bé nuốt khó nên dễ bị nôn trớ. Bé chỉ ăn cơm xay và cháo thôi, nếu ăn gì lạ là lại bị đầy bụng. Vì vậy đồ ăn của bé cũng phải chuẩn bị thật kỹ lưỡng”.
Vì có con bại não, đôi khi chị Tươi cũng gặp phải những ánh mắt tò mò của mọi người và những dị nghị của người xung quanh.
Bà mẹ này kể lại: “Mỗi khi đi đâu là những ánh mắt tò mò cứ chăm chăm vào mẹ con tôi, tôi cũng hơi ngại nhưng kệ. Nếu có hỏi về con, tôi cũng không ngần ngại nói về bệnh tình của con. Còn nhớ, có lần tôi cho bé ra ngoài chơi, có bé gái kia khoảng chừng 5,6 tuổi gì đó, cứ đi theo mẹ con tôi và nói “Em bé xấu hoắc, em bé xấu quá”. Thực sự lúc ấy tôi bị tổn thương và thương con vô cùng”.
Vì quá nhiều người dò xét về con nên lòng của người mẹ vẫn luôn dành tình yêu thương vô bờ bến cho con trai nhỏ thiệt thòi: “Con sinh ra đã bị thua thiệt mà còn sinh đúng vào nhà cha mẹ nghèo nên không được đầy đủ, dù tình yêu thương của cha mẹ cho con mênh mông lắm.
Nhìn những đứa trẻ cùng tuổi với bé lớn lên khỏe mạnh, đôi khi tôi cũng chạnh lòng. Nhìn con mà đứt ruột nhưng chẳng làm được gì. Nhưng tôi nghĩ đơn giản chỉ cần luôn nhìn thấy con khỏe mạnh, cười tươi là tôi vui rồi. Nếu có một điều ước, tôi chỉ ước gì nếu như có thể hy sinh mạng sống này để đổi lấy thân hình bình thường cho con mà thôi”.