Đau lòng: Nhiều lao động Việt Nam tại Trung Quốc tử vong, thi thể không còn nguyên vẹn
Không khí tang thương bao trùm lên những mái nhà ấy. Vì cái nghèo, cái đói, họ đành phải đi tha hương cầu thực, làm “lao động chụi” để rồi…mất nơi đất khách quê người!
Một ngày sau, không khí tang thương vẫn bao trùm xóm nhỏ, người dân ở đây vẫn chưa hết bàng hoàng và tiếc thương cho số phận người gặp nạn nơi đất khách quê người.
Tử vong do tai nạn trên biển
Trước đó ngày 30/6, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc) có công điện gửi Bộ Ngoại giao, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, Hải quan cửa khẩu quốc tế Nội Bài về việc cấp phép nhập cảnh tro cốt người gặp nạn ở nước ngoài.
Theo Tổng lãnh sự quán, cơ quan này nhận được đơn thư đề nghị của gia đình ông Đào Hữu Thiên (55 tuổi, trú xã Kỳ Giang), về việc xin cấp phép nhập cảnh tro cốt anh con trai Đào Sỹ Hùng (28 tuổi). Công điện nêu rõ thi thể anh Hùng được phát hiện ngày 18/4 tại TP Chu Hải, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Nạn nhân tử vong được xác định do tai nạn trên biển.
Chị Hồ Thị Tiếp (28 tuổi) vợ anh Hùng cho biết cuối tháng 2/2017, chồng chị qua Đài Loan xuất khẩu lao động qua một người môi giới ở Bắc Giang. Sau khi ra Hà Nội làm thủ tục và đưa số tiền 40 triệu đồng cho người này, chồng chị lên Bắc Giang bắt đầu chuyến “vượt biên” sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch rồi đi tàu qua Đài Loan làm việc.
Khi đến Trung Quốc, anh Hùng gọi điện thông báo đã qua biên giới và đang chờ lên tàu qua Đài Loan vào ngày 31/3. Theo chị Tiệp, lúc lên tàu anh Hùng điện về và cho biết cùng đi với anh có thêm 20 người Việt Nam khác.
Nhiều ngày sau đó, chị không nhận thêm được thông tin hay liên lạc từ chồng mình. Lo lắng có điều chẳng lành xảy ra nhưng không thể liên lạc được.
Tháng 4/2017, hơn một tháng sau ngày chồng chị vượt biên vẫn không có liên lạc về. Giữa tháng 6/2017, một người dân ở Quảng Bình sang Trung Quốc nhận thi thể con và có chụp ảnh các nạn nhân gặp nạn cùng con của họ. Người này sau đó đăng hình ảnh các nạn nhân lên mạng xã hội Facebook để người thân nhận biết.
Nhận ra có chồng mình trong bức ảnh qua hai chiếc áo, gia đình đã liên hệ với Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao xin trợ giúp. Tuy nhiên, các thi thể khi phát hiện không còn nguyên vẹn nên cơ quan chức năng thông báo lấy mẫu ADN người thân đối chiếu. Nhận được kết quả trùng khớp, gia đình chị đã làm đơn kiến nghị xin đón tro cốt anh Hùng về nước mai táng.
Ông Đào Hữu Thiên (55 tuổi) bố anh Hùng cho biết một người đi trên chuyến tàu từng nói với gia đình họ rằng chuyến tàu gặp nạn lúc ấy có 21 người. Lúc ông sang nhận thi thể con thì nhà chức trách nước này thông tin chỉ tìm 13 thi thể và đều không còn nguyên vẹn, khó nhận dạng.
Trong 13 thi thể này, hiện còn 6 người chưa được thân nhân đón về vì thiếu giấy tờ cá nhân. Phần lớn họ ở Nghệ An, Quảng Bình.
Theo ông Thiên, để đi xuất khẩu lao động, Hùng (con trai ông) được một người tên Minh “Đen” cùng người tên Thuận ở Bắc Giang dẫn đi. Sau khi vượt biên sang Trung Quốc sẽ có tàu chở theo đường biển qua Đài Loan làm việc. Ngày nhận hung tin, ông và một số người khác ở Hải Dương có người thân đi xuất khẩu lao động đã tìm gặp người tên Minh.
“Người này bảo họ cũng đi theo đoàn lao động sang bên Trung Quốc. Lúc ra đến bến tàu qua Đài Loan do không có tiền nên họ không cho lên và phải trở về nước” ông Thiên nhớ lại.
4 lao động Nghệ An thiệt mạng ở Trung Quốc
Trong căn nhà nhỏ ở cuối làng, bà Trần Thị Trâm (45 tuổi), ở xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn ngồi ủ rũ ở góc nhà, xung quanh làng xóm tập trung đến động viên, an ủi. Gần hai tháng nay, bà như người mất hồn.
Người mẹ này cho biết sau khi học xong cao đẳng, Hoàng về đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan. Tuy nhiên, do công việc làm ăn không thuận lợi nên sau ba năm làm thuê nơi xứ người, năm 2016, Hoàng trở về quê nhà.
Cách đây hơn 3 tháng, bạn bè rủ nên Hoàng tiếp tục đi chui sang Trung Quốc làm thuê.
Ngày 31/3, Hoàng có điện về cho gia đình nói đang ở Trung Quốc, chuẩn bị lên tàu để vượt biển. Từ đó đến ngày nhận được tin báo, gia đình không nhận được tin tức gì của Hoàng. Nghĩ con đi lao động chui rồi bị bắt giữ ở Trung Quốc nên gia đình không lo lắng.
“Vợ chồng bà Trâm cứ nghĩ nếu bị bắt thì sau sẽ được thả ra. Ai ngờ, đến ngày 31/5 thì họ nhận được hung tin”, hàng xóm của bà Trâm chia sẻ.
Hiện ông Báu đang ở Trung Quốc để làm thủ tục nhận xác con. “Sáng 7/7, ông ấy điện về báo đang chờ kết quả xét nghiệm ADN, chiều có kết quả. Sau đó, gia đình sẽ sang Quảng Đông nhận xác con để đưa về nước. Bộ Ngoại giao thông báo xác các nạn nhân đang được để ở nhà xác ở tỉnh Quảng Đông”, bà Trâm buồn rầu nói.
Sở Ngoại vụ Nghệ An cho biết thông tin ban đầu có 4 lao động quê Nghệ An bị thiệt mạng ở Trung Quốc gồm Lưu Xuân Hoàng (xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn), Lê Đình Hiếu (xã Tràng Sơn, Đô Lương), Nguyễn Phúc Toàn (xã Văn Thành, Yên Thành) và Hồ Đức Tiến (xã Quỳnh Long, Quỳnh Lưu). Hiện Sở Ngoại vụ Nghệ An đang phối hợp cơ quan chức năng giải quyết sự việc đau lòng trên.
Hơn 20 lao động Việt Nam mất tích khi đang trên đường từ Trung Quốc sang Đài Loan theo con đường xuất khẩu lao động “chui”.
Nguồn: zing.vn