Vu Lan báo hiếu: Cảm động cụ già 80 tuổi ăn cơm trắng muối vừng tỏ lòng hiếu kính cha mẹ
Tại nhiều ngôi chùa ở khắp cả nước đều tổ chức lễ Vu Lan và những nghi lễ tâm linh Phật pháp. Nghi lễ được nhiều người biết đến nhất chính là “bông hồng cài áo”, thắp đèn hoa đăng cầu nguyện, thể hiện lòng hiếu kính cha mẹ.
Mùa Vu Lan báo hiếu là thời điểm hàng ngàn người cùng nhau thể hiện lòng hiếu kính cha mẹ, cho dù là những bậc sinh thành đang còn hay đã khuất.
Những ngày này, tại nhiều ngôi chùa lớn nhỏ ở khắp cả nước đều tổ chức lễ Vu lan và những nghi lễ tâm linh như cúng Phật, tụng kinh cầu siêu, cúng thí thực cô hồn, niệm phật cầu gia bị, dâng y cúng dường chư tăng… Và nghi lễ được nhiều người biết đến nhất chính là “bông hồng cài áo”, thắp đèn hoa đăng cầu nguyện.
Tại đại lễ Vu lan được tổ chức ở những ngôi chùa, mọi người đều có thể đến tham dự, không phân biệt tuổi tác hay địa vị, chỉ cần có lòng thành kính khi đón nhận bông hoa hồng cài áo trên ngực.
Những ai còn cha, còn mẹ sẽ cài lên ngực áo một đóa hoa hồng màu đỏ tượng trưng cho hạnh phúc vì “còn cha còn mẹ là còn tất cả”, còn đoá hồng màu trắng thể hiện nỗi buồn, sự thiếu vắng tình thương và niềm nhớ nhung của người đã bậc sinh thành.
Khi thực hiện nghi lễ này, nhà chùa cùng các phật tử sẽ tụng kinh Vu lan, cầu phúc cho cha mẹ, cầu cho các vong linh được siêu sinh.
Trong những ngày đầu tháng 9 vừa qua, chùa Đức Hậu (Vinh, Nghệ An) đã tổ chức tuần lễ Vu lan báo hiếu, thu hút sự tham gia và quan tâm của hàng ngàn người.
Bất cứ ai cũng được cài trên áo mình một bông hồng để nhắc nhở đến công lao dưỡng dục, sinh thành của cha mẹ. Rất nhiều trong số những người đến tham dự là những cụ già đã có tuổi. Mặc kệ thời tiết nắng nóng, các cụ vẫn sẵn sàng hướng Phật tụng kinh Vu Lan, cầu cho tổ tiên, cha mẹ đã khuất được siêu thoát.
Tại đại lễ Vu lan, những người tham gia còn được phát một nắm cơm trắng – đại diện cho bát cơm của Đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát đã dâng lên cho mẹ ăn khi đang chịu đày đọa nơi địa ngục.
Nhiều người khi hiểu ý nghĩa của nắm cơm trắng thì nâng niu chúng như báu vật, hi vọng sự hiếu kính của mình có thể được như Mục Kiền Liên Bồ Tát, giúp cha mẹ đã khuất của mình được giải thoát.
Cụ Nguyễn Châu Ngọc – một phật tử tham gia đại lễ Vu lan cho biết, bà đã lặn lội 20km để được đến tham dự đại lễ Vu lan tại chùa Đức Hậu.
“Cha mẹ tôi đã mất từ khi tôi còn nhỏ, nhưng trong lòng tôi chưa bao giờ hết sự yêu thương và hiếu kính cha mẹ mình. Nhận nắm cơm Mục Kiền Liên Bồ Tát, tôi hi vọng cha mẹ mình sẽ được không phải chịu đói, chịu khổ mà được sớm giải thoát” – cụ Ngọc năm nay đã gần 70 tuổi nhưng vẫn cố gắng ăn bằng hết nắm cơm trắng muối vừng để bày tỏ sự hiếu kính với cha mẹ.
Bạn Phạm Thị Lưu – sinh viên trường ĐH Vinh cũng tham dự đại lễ Vu Lan từ rất sớm, khi nhận nắm cơm Mục Kiền Liên, Lưu chỉ dám ăn một nửa, nửa còn lại gói mang về: “Bố mình đã mất từ khi mình còn nhỏ, giờ chỉ có hai mẹ con ở với nhau suốt hơn 10 năm qua.
Mẹ mình đang ốm nên không thể đến dự lễ Vu Lan. Hôm nay mình đi nhận cơm hiếu đạo Mục Kiền Liên, mình muốn phần về cho mẹ. Qua đại lễ Vu Lan, mình càng thấm thía hơn tình yêu thương của mẹ. Mình tự nhủ sẽ không bao giờ làm mẹ buồn”.
Mỗi người đến đây đều có tâm hướng Phật, mong muốn có thể giúp cha mẹ, ông bà được hưởng phúc đức, từ bi từ đức Phật.
Nghi lễ thắp đèn hoa đăng thể hiện mong muốn những vong hồn có thể theo ánh sáng hoa đăng tìm đến sự từ bi của đức Phật, có thể được giải thoát khỏi khổ ải địa ngục
Theo emdep