Nghẹn ngào lễ khai giảng ở vùng rốn lũ đau thương

Vượt qua muôn vàn khó khăn sau trận lũ lịch sử cách đây một tháng, thầy trò Nặm Păm (Mường La, Sơn La) vẫn cố gắng để có được buổi lễ khai giảng năm học mới vui tươi, hào hứng, sáng 3/9.

lễ khai giảng

Đường vào xã Nặm Păm (Mường La, Sơn La) một tháng sau trận lũ lịch sử suốt 70 năm vẫn còn ngổn ngang đá hộc, có tảng to bằng cả cái tủ. Nơi con đường nhựa uốn lượn nhẹ nhàng trước kia giờ phủ đầy đất đá, trơn trượt khi trời mưa, đòi hỏi người cầm lái phải thật vững tay.

Sau cơn lũ
Ổ điện bị hỏng
Nhà cửa bị hỏng nghiêm trọng
Cận cảnh sau lũ

Cảnh tắc đường vốn tưởng chỉ thấy ở nơi thành thị giờ cũng xảy ra ở xã Nặm Păm vào sáng 2/9, bởi người đi đường có lúc phải dừng lại chờ 20-30 phút để máy xúc san đường mới có thể tiếp tục hành trình.

Nhìn cảnh tượng hoang tàn, hai bên không nhà cửa, ít ai tưởng tượng nổi nơi đây từng là bản làng yên bình với những nếp nhà sàn cạnh ruộng nước, ruộng bậc thang xanh tốt. Chịu nhiều thiệt hại sau lũ, thầy trò trường Mầm non, Tiểu học và THCS Nặm Păm tạm gác lại khó khăn, vất vả chồng chất để đón năm học mới.

Tan hoang sau lũ

Trường Tiểu học Nặm Păm (thuộc bản Piệng, xã Nặm Păm) là một trong những công trình gần như bị cuốn trôi toàn bộ sau cơn lũ đổ bộ vào đêm 2/8, rạng sáng 3/8. Ngôi trường từng rất khang trang hiện chỉ còn trơ trọi 4 phòng học chờ sập.

Cô Trần Thị Thúy – Hiệu trưởng trường Tiểu học Nặm Păm – giọng buồn nói với Zing.vn rằng trước trận lũ lịch sử, trường có 21 phòng học, 3 phòng làm việc, 3 phòng ở của học sinh bán trú, một phòng bếp, một phòng ăn, một phòng bảo vệ và khu khuôn viên cây xanh.

Cô Thúy như đứt từng khúc ruột khi nhìn ngôi trường gắn bó suốt 30 năm bị xóa sổ. Sau khi tách khỏi trường THCS, trường Tiểu học Nặm Păm được xây dựng khang trang và chuẩn bị lên chuẩn thì gặp tai họa này.

“Trong số 476 học sinh của trường (thuộc 4 dân tộc Mông, La Ha, Kháng, Thái), 145 em gia đình bị thiệt hại nặng nề sau lũ, 89 em học bán trú”, cô Thúy tâm sự.

lễ khai giảng cho năm học mới


Trước ngày tựu trường

Theo kế hoạch, cụm xã Nặm Păm sẽ khai giảng ngày 3/9. Trước sự quan tâm, hỗ trợ của nhiều ban ngành, đơn vị, nỗi lo âu về năm học mới được thay thế bằng sự phấn khởi của thầy trò Tiểu học Nặm Păm.

Cô hiệu trưởng Trần Thị Thúy cho hay trước thềm khai giảng các em học sinh được hỗ trợ toàn bộ sách vở, bút thước, quần áo đồng phục, cặp sách, mũ nón, giày dép mới. Bộ Công an tặng nhà trường 3 dãy nhà lắp ghép gồm 11 phòng học khang trang, đầy đủ trang thiết bị dạy học, được dựng lên ở khu vực sân trường THCS Nặm Păm.

Những hình ảnh của buổi lễ khai giảng: 


Từ ngày 21/8, 89 học sinh bán trú cấp tiểu học, cùng 55 học sinh THCS yên tâm ở lại dãy nhà bán trú lắp ghép cũng do Bộ Công an trao tặng.

Ngôi nhà ở bản Bâu của gia đình Hà Thị Mai (lớp 3A2) cùng toàn bộ trâu bò, ruộng đều bị cuốn trôi trong trận lũ vừa qua. Giờ được hỏi em gật đầu bảo sợ nước lũ lắm. 6h mỗi sáng, Mai cùng anh trai Hà Văn Lệnh (học lớp 8) và chị gái Hà Thị Nguyệt (lớp 7) đi bộ hơn một tiếng trên con đường đầy đá để tới trường.

“Nhà em ở bản Hoạch Sói, muốn kịp giờ học phải đi bộ từ 5h sáng. Trước ngày khai giảng em thấy vui. Bố mẹ nghèo lắm nên không mua cho quần áo mới”, Hà Thị Diễm (lớp 5, dân tộc Thái) nói.

Học sinh Nặm Păm hào hứng dự khai giảng sớm Tròn một tháng sau trận lũ quét gây thiệt hại cả về người và của, vượt qua đống đổ nát vẫn còn ngổn ngang, thầy trò Nặm Păm, Sơn La đã tổ chức lễ khai giảng sớm.

Theo anh Lường Văn Quang (25 tuổi, quản lý học sinh bán trú khối THCS), trong số 55 học sinh bán trú, các em ở xa nhất thuộc các bản Hua Piệng (cách trường 17 km), Nong Bẩu (14 km) và Huổi Có. Suốt 3 năm gắn bó công việc, anh chia sẻ khó khăn lớn nhất là tập cho các em bỏ lối sống tự do, rèn thói quen sinh hoạt nề nếp.

Con em của các gia đình khó khăn, cách trường xa mà không có xe máy, phải đi bộ, thường nghỉ học tự do. Anh Quang từng nhiều lần cùng thầy cô không ngại trèo đèo, vượt suối tới tận nhà vận động các em tới trường.

Gần một tháng nay, anh Quang và vợ là chị Hằng (công tác ở bộ phận y tế học đường) gửi con trai 3 tuổi ở nhà nội ở Mường Chùm để lên bám trường.

“Đêm 1/9 mưa to ở bản Hốc, nước chảy rất mạnh, hai vợ chồng không dám ngủ mà 12h đêm ra suối soi đèn pin kiểm tra. Nếu tình huống xấu, chúng tôi sẽ sơ tán học sinh ngay. Trận lũ vừa qua, trường đã mất mát quá nhiều rồi”, anh Quang tâm sự.

Một ngôi trường mới đã kịp hoàn thành để đón các em vào năm học mới

Khu nhà bán trú lắp ghép có 6 phòng, mỗi phòng được bố trí 12 giường tầng. Các em là anh chị em ruột được sắp xếp ngủ cùng giường để chăm sóc lẫn nhau.

Sau 3 năm ở bán trú, Sùng A Tra (lớp 9) không còn khóc nhè như ngày đầu mới đi học xa nhà. Cậu bé người Mông có vóc dáng nhỏ, ánh mắt nhanh nhẹn và nói tiếng phổ thông khá sõi.

“Nhà em ở bản Hua Piềng, cách trường hơn một tiếng đi bộ đường rừng. Em là con thứ tư, 4 anh chị em của em đều được tới trường học. Chị gái cả đi lấy chồng rồi, còn em gái Sùng Thị Kia đang học lớp 8. Ngày đầu tiên trở lại trường bố mẹ đưa, còn bình thường hai anh em tự đi bộ”, A Tra cho biết.

Đúng 21h, quản lý khu bán trú tới từng phòng nhắc các em mắc màn, tắt đèn và đóng cửa đi ngủ. Nhiều em tuân thủ rất tốt, nhưng cũng không ít cô, cậu bé ngủ lăn lóc từ lâu và không mắc màn.

Lễ khai giảng đặc biệt

6h ngày 3/9, tất cả học sinh bán trú ngồi vào bàn ăn. Các em tiểu học còn nhỏ nên thầy cô tới tận nơi bóc mì tôm và đổ nước nóng vào bát úp. Học sinh THCS thì tự cầm bát múc trong nồi mì lớn được nấu sẵn, ăn xong tự mang bát đi rửa.

Lễ khai giảng diễn ra vào 8h45 sáng, nhưng ngay từ 7h, các em THCS đã hào hứng mặc bộ đồng phục, đeo giày mới chạy đi chơi. Thầy cô, cùng phụ huynh của học sinh tiểu học giúp các em mặc đồng phục. Nhiều bé phải dùng kim băng gài cạp quần cho đỡ rộng. Niềm háo hức, phấn khởi hiện rõ trên từng gương mặt.

Lễ khai giảng năm học 2017-2018 rất đặc biệt bởi đây là lần đầu tiên 3 trường Mầm non, Tiểu học và THCS Nặm Păm tổ chức chung tại sân UBND xã Nặm Păm.

“Khai giảng được gặp lại thầy cô, bạn bè em rất vui. Em được nhận quần áo, giày dép, sách vở, cặp sách mới. Đây là lần đầu tiên em được cho nhiều thứ như vậy. Em sẽ cố gắng học thật tốt để sau này trở thành chú công an tốt”, Đường Văn Trường (học sinh lớp 5, dân tộc Thái) chia sẻ.
Đúng 9h, lễ khai giảng bắt đầu bằng nghi thức chào cờ. Lời bài hát Quốc ca vang lên xúc động và hùng hồn giữa không gian tan hoang như tiếp thêm sức mạnh cho thầy trò, người dân vùng rốn lũ vượt qua mọi khó khăn.

Sau phần đọc thư chúc mừng khai giảng năm học mới của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, ông Hoàng Văn Chất – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La phát biểu động viên thầy trò, người dân Nặm Păm và đánh hồi trống khai giảng năm học mới.

Ông tin tưởng với sự quan tâm của cấp ủy Đảng, sự chung tay của cả nước, chính quyền huyện Mường La, các thầy, cô giáo và gần 1.100 em học sinh sẽ phát huy tinh thần đoàn kết, gặt hái nhiều thành công mới.

Buổi lễ khai giảng diễn ra ngắn gọn, trang trọng trong 30 phút, đem lại niềm vui trọn vẹn cho thầy trò xã Nặm Păm.

Khu nhà ăn của trường học

Cũng trong sáng 3/9, một tập đoàn chính thức khởi công xây dựng trường Tiểu học Nặm Păm với tổng kinh phí 40 tỷ đồng, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2018.

Con đường đất đá gồ ghề dẫn vào trường Mầm non, Tiểu học và THCS Nặm Păm dần lùi lại phía sau khi chiếc xe hướng về TP Sơn La bắt đầu chuyển bánh. Với sự quyết tâm của những con người nơi đây, nhiều niềm hy vọng mảnh đất Nặm Păm sẽ sớm được hồi sinh.

Các em đã có một buổi lễ khai giảng tròn đầy

Theo Zing