Trên đời có 4 điều Phật nói rằng sẽ không tồn tại vĩnh cửu
Đạo Phật nói cuộc đời là biển khổ mênh mông không có ngày thôi dứt, vì nhân loại lúc nào cũng đấu tranh giành giựt, chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên để rồi giết hại lẫn nhau, lớn hiếp nhỏ, mạnh hiếp yếu. Con người đau khổ bởi sinh già bệnh chết, tâm đau khổ vì phiền não tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến.
Trong gia đình khổ vì phải làm việc vất vả, nhọc nhằn để lo cơm áo gạo tiền, rồi thương yêu xa lìa khổ, oán ghét mà gặp nhau hoài lại càng khổ hơn, mong cầu mà không được cũng khổ, thân ốm yếu hoặc sung mãn quá cũng khổ.
Nghèo cùng với bao nỗi thiếu thốn, khó khăn, khổ là lẽ đương nhiên nhưng người giàu sang phú quý vẫn có những nỗi khổ niềm đau riêng. Ngoài xã hội lại khổ vì đấu tranh, giành giựt, hơn thua, phải trái, cứ như thế oán giận thù hằn ngày càng thêm chồng chất. Với hoàn cảnh thì phải khổ về thiên tai, sóng thần, động đất, bão lụt, hạn hán, mất mùa, dịch bệnh tràn lan vì sự ngu si mê muội của con người.
Thứ nhất
“Hữu thường giả tất vô thường” (Tạm dịch: Điều gì cũng luôn thay đổi) chính là nói rằng, phàm là bất luận thứ gì tồn tại thì đều thay đổi, không thể tiếp tục bảo trì trạng thái ban đầu mãi được. Nó thời thời khắc khắc đều ở trong sự biến đổi, bản chất sẽ từ từ cải biến và cuối cùng là biến mất hẳn. Ví dụ như thân thể của chúng ta, ở thời khắc nào cũng là đang ở trong quá trình trao đổi chất, trải qua sinh lão bệnh tử và cuối cùng là biến mất khỏi thế gian này. Núi sông, mặt đất, địa cầu, vũ trụ…cũng đều là thời thời khắc khắc ở trong quá trình “thành, trụ, hoại, diệt”.
Thứ hai
“Phú quý giả tất bất cửu” (Tạm dịch: Giàu có là không thể vĩnh cửu) là nói rằng, cho dù con người có giàu có đến thế nào đi nữa thì cuối cùng cũng sẽ suy thoái. Tục ngữ có câu: “Giàu không quá ba đời”, trừ khi họ đời đời làm việc thiện, tích đức thì mới có thể bảo trì được vinh hoa phú quý cho đời con cháu. Nhưng người thường chúng ta đều có lòng tham, có rồi lại muốn có nhiều hơn nữa, có nhiều rồi lại muốn có mãi mãi. Cho nên, thường sẽ không muốn quyên tặng, bố thí đi, vì vậy, giàu có là không thể kéo dài mãi được.
Thứ ba
“Hội hợp giả tất biệt ly” (Tạm dịch: Tụ hợp thì tất sẽ có biệt ly) là có ý nói rằng: Lục thân (cha, mẹ, vợ, chồng, anh, em) ở cùng một chỗ hoặc là bạn bè người thân đến thăm, đến chơi thì đều sẽ có ngày phải ly tán. Nói sâu xa hơn, tức là cho dù cha mẹ và con cái có sinh sống cùng nhau thì đến một ngày cũng phải “sinh ly tử biệt”.
Thứ tư
“Cường kiện giả tất quy tử” (Tạm dịch: Dù có khỏe mạnh đi nữa thì cuối cùng cũng quy về cái chết) ý nói rằng, cho dù là tuổi trẻ, sức khỏe mạnh mẽ đến thế nào đi nữa thì cũng có thời điểm ra đi, cho dù là sống thọ đi nữa thì cuối cùng cũng quy về cái chết.
Cho nên, cho dù là ai đi nữa đều phải sử dụng chính xác từng giây phút khi còn sống thì sống cũng an bình mà chết cũng an bình giống như Khổng Tử đã nói: “Triêu văn đạo, tịch tử khả hĩ!” (Tạm dịch: Buổi sáng được nghe đạo, buổi chiều chết cũng được.”
Cuối cùng, Phật Thích Ca Mâu Ni nói 4 câu kệ (Kệ là chỉ bài thơ của Phật):“Thường giả giai tẫn, cao giả diệc đọa, hợp hội hữu ly, sinh giả tất tử.”(Tạm dịch: Điều gì cũng có tận cùng, cao rồi cũng rơi xuống thấp, hợp rồi sẽ có ly, sống ắt sẽ có chết)
(Theo Taman)