Tâm sự của người phụ nữ 2 đời chồng hàng ngày gạt nước mắt làm chỗ dựa cho chồng con
Sau 5 năm li hôn với người chồng thứ nhất, chị Lan quyết định đi thêm bước nữa với thanh niên ít hơn 6 tuổi. Thế nhưng, khi sinh con được hai tháng tuổi thì chồng chị bị tai nạn lao động, sống đời thực vật. Cuộc đời chị sau đó là chuỗi ngày dài bất hạnh, chăm chồng, nuôi con.
Đó là số phận đẫm nước mắt của chị Ngô Trúc Lan (31 tuổi, đường Trịnh Quang Nghị, phường 7, quận 8, TP HCM).
Bất hạnh trong hôn nhân
Căn phòng trọ rộng khoảng chừng 10m2 của gia đình chị Lan nằm sâu trong một con hẻm nhỏ. Anh Tô Văn Quốc Duy (24 tuổi, chồng chị Lan) trần truồng, dáng người gầy gò, hai chân thẳng đuột, nằm bất động trên chiếc giường xếp. Chị Lan ngồi bên cạnh, cố gắng lấy vật dụng y tế tự khoét các lớp thịt bị hoại tử trên cơ thể chồng.
Phía bên cạnh, cậu con trai 11 tháng tuổi đang ngồi chơi một cách ngoan ngoãn. Thỉnh thoảng, đứa trẻ lại nhìn lên, nhoẻn miệng cười với cha mẹ. Nhắc đến hoàn cảnh của mình, chị Lan gạt nước mắt chia sẻ.
Chị Lan quê ở Bến Tre, từng trải qua một đời chồng và có một cậu con trai riêng. Sau gần 3 năm chung sống, chị quyết định li hôn vì không thể chịu đựng được thói cờ bạc của chồng. Sau li hôn, chị Lan giành quyền nuôi con trai (khi đó con trai mới 2 tuổi). Căn nhà nhỏ cũng bị chồng bán mang tiền đi dự đoán nên chị chẳng còn gì ngoài hai bàn tay trắng.
Ôm con trai lên Sài Gòn với ý định làm thuê kiếm sống, nuôi con. Mẹ con chị Lan ở nhờ nhà trọ của mẹ đẻ. Hàng ngày, chị gửi con cho một điểm trông giữ trẻ tư nhân để đi làm công nhân may.
5 năm sau, chị Lan gặp anh Duy, một nam thanh niên chưa từng trải qua hôn nhân. Dù biết chị Lan từng trải qua một đời chồng, lớn hơn 6 tuổi nhưng anh Duy vẫn đem lòng yêu thương, theo đuổi và nguyện che chở cho mẹ con chị suốt cuộc đời.
“Rồi chúng tôi về chung một nhà. Hàng ngày tôi đi làm công nhân, anh Duy làm phụ hồ. Cậu con trai riêng của tôi đến tuổi đi học nên gửi về cho bà ngoại chăm sóc, cho học hành ở quê. Sau đó không lâu thì tôi sinh tiếp. Cứ ngỡ cuộc đời của mẹ con tôi từ đây sẽ được bình yên, nào ngờ“, nói đến đây, chị Lan khóc.
Một ngày giữa tháng 3/2017, lúc đang làm phụ hồ trong một công trình xây dựng, anh Duy không may bị mái hiên phía trước nhà đổ sập, vùi lấp. Dù được đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời nhưng vết thương của anh quá nặng, dập cuống phổi, gãy tay, gãy xương cổ đốt số 6 và ảnh hưởng đến dây thần kinh khiến hai chân bị liệt.
Sau 3 tháng điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, vì không còn khả năng vay mượn thêm nên gia đình đành bất lực đưa anh về nhà, tự chăm sóc.
“Chồng tôi gặp nạn khi tôi vừa sinh con được 2 tháng tuổi. Giờ con tôi gần đầy năm mà anh vẫn nằm một chỗ như vậy, không có chút tiến triển gì. Anh ấy không tự ăn uống, phải bơm thức ăn, nước uống vào ống dẫn. Cơ thể thì ngày càng hoại tử nặng, có những chỗ ăn sâu vào tận xương. Không có tiền thuê bác sỹ về nhà điều trị, hàng ngày tôi đành tự tay “phẫu thuật” cho chồng”, chị Lan chia sẻ.
Gạt nước mắt làm chỗ dựa cho chồng con
Chồng tàn tật, con thơ dại khiến chị Lan không làm được gì ngoài việc hàng ngày ở nhà chăm sóc chồng con. Sinh hoạt cho cả gia đình 4 miệng ăn, sữa cho con trai, thuốc thang cho chồng, phòng trọ… phụ thuộc vào khoản tiền công 260 nghìn/ngày của bà Trương Thị Bé Ba (61 tuổi, mẹ chị Lan) kiếm được từ nghề phụ hồ trong các công trình xây dựng.
“Tôi và chồng chia tay đã gần 20 năm nay. Có 4 đứa con thì mất 3 đứa tha phương kiếm sống, giờ chỉ còn vợ chồng Lan ở bên cạnh. Khổ thân, đời nó khổ, phận làm mẹ như tôi nào sung sướng gì. Giờ một tay con gái tôi vừa chồng tàn tật, con thơ thì làm được gì mà ăn. Tôi chỉ mong ông trời có chút sức khỏe để tiếp tục đi làm kiếm tiền thuốc thang cho con rể, lo bữa cơm, chỗ ở cho vợ chồng nó”, bà Ba thở dài.
Với chị Lan, dù mới 31 tuổi, qua hai đời chồng, hai mặt con nhưng cuộc đời chị không một giây phút được bình an. Sau bao đắng cay, vất vả, người phụ nữ bất hạnh này vẫn luôn cố gắng để chăm chồng, nuôi con và hi vọng: “Mong chồng sẽ nhanh chóng bình phục để tiếp tục cùng tôi nuôi con. Chồng mà cứ như thế này đời tôi, đời con đều khổ”.
Theo Em đẹp