Nghẹn ngào chuyện người phụ nữ gần 50 năm “cướp cơm Hà Bá”: Thấy tội lắm nên cứ làm thôi!
Những người làm nghề chài lưới vẫn tâm niệm một lời nguyền sông nước rằng, đã sống nhờ sông nước thì không được “cướp cơm” của Hà Bá, nếu không sẽ phải trả giá(?). Nhưng bà Nguyễn Thị Bình (xã Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lại có gần 50 năm nay dám chống lại lời nguyền đó.
Thấy tội lắm nên cứ làm thôi!
Chúng tôi tìm đến thôn Hồng Ngự, xã Thụy Phương hỏi thăm nhà người phụ nữ nổi danh “cướp cơm Hà Bá” thì một phụ nữ trạc ngũ tuần tên là Phương nhanh nhảu đáp: “Bà Bình vớt xác chứ gì? Cả xã Thụy Phương này chỉ có bà ấy là đi vớt xác người thôi. Chở tôi đi, tôi chỉ cho…”.
Qua cổng căn nhà lụp xụp, xuất hiện trước mặt chúng tôi là người đàn bà với mái tóc chớm bạc, có dáng người đậm đà, tay đang thoăn thoắt ném thức ăn cho gia cầm. Trước khi ra về, bà Phương không quên nhắn nhủ: “Bà Bình vớt xác đó nhé!” khiến tôi thoáng… giật mình. Giật mình bởi lẽ, một người đàn bà nhỏ thó, cao chưa đến 1m50 này lại có thể hành nghề vớt xác? Trong căn nhà lụp xụp tạm bợ được che bằng những tấm Fibro xi-măng, bà Bình đon đả rót nước cho khách, rồi kể: “Tôi từng đi dọc sông, từ chỗ chùa Mười hai Bà ở Lạng Sơn xuôi đến bến phà Tân Đệ (Vũ Thư, Thái Bình), thấy xác người ở đâu thì vớt ở đó. Sau mỗi đợt vớt xác, có nhà cảm ơn vài bắp ngô, cân gạo hay túi cà chua chín… về nấu vội ăn cũng thấy quý lắm rồi”.
Trong những giây phút tĩnh lặng, bà Bình hồi tưởng về những ngày bươn chải đầy khó khăn. Nhà bà có 5 anh chị em, thêm cha mẹ là 7 miệng ăn. Cái đói, cái khổ cứ đeo đẳng mãi, bà nhói lòng: “Ngày xưa nghèo, mì chính cũng không có mà dùng, muốn ăn nước mắm thì lấy lá chuối khô đun với nước muối. Suốt ngày phải ăn khoai mót, rửa rồi luộc và ăn cả vỏ cho được nhiều chứ không bóc như bây giờ?”. Nói rồi, bà nghẹn lại: “Bây giờ nghĩ đến ăn khoai là tôi thấy sợ…”.
Khi PV thắc mắc, đã hơn 60 tuổi nhưng tại sao cái “duyên” với việc vớt xác vẫn “không thôi đeo bám” thì bà Bình phân trần: “Bây giờ có tuổi, nghỉ cũng được nhưng nghĩ đến người xấu số vốn đã chẳng may sa sẩy rất tội. Trong khi thanh niên trai tráng ít ai có thể làm được việc này. Mình không làm thấy tội lắm nên cứ làm thôi…”.
Bà Bình rơi nước mắt khi kể về những ngày tuổi thơ sống lênh đênh trên mặt nước cùng gia đình. Đó là những năm cuối thập kỷ 50 của thế kỷ trước. Khi đó, bà mới là cô bé 4 – 5 tuổi nhỏ nhắn đã cùng cha lắp thuyền, đóng bè mưu sinh trên sông nước, nhìn thấy cha vớt xác người rồi sau này, tự tay mình cứu người và vớt những cái xác đầu tiên. Đó là năm 1971, khi nghe tiếng kêu cứu thất thanh của hai bà sư trồng đỗ bên ngoài sông, bà Bình đã nhanh tay cứu được một người đang vùng vẫy giữa dòng nước, bà sư còn lại… đã không thể cứu sống. Cũng mùa lũ năm đó, người dân ra sông vớt củi nhưng bà Bình thì “chỉ vớt người”. Bà bơi từ Sơn Tây về tới xã Thụy Phương mà vớt được tới gần chục xác người. Sau những buổi giúp người xấu số ấy, những người cùng cảnh sông nước với gia đình bà vớt được chuối hay củi cũng san sẻ “thành phẩm” và thấu cảm với “cái duyên” của bà.
Có những trường hợp chuẩn bị tự tử lại may mắn được bà Bình khuyên răn quay về với gia đình. Những xác người bà vớt có nhiều độ tuổi, từ những người dỗi chồng dỗi con đến những bạn mới đôi mươi nhưng nhiều nhất vẫn là học sinh – sinh viên. Có những đêm bà vớt được tới 4 sinh viên, bà kể: “Thậm chí, năm 2001 xử lý cho hai bạn sinh viên không hiểu sao lại đi tự tử, tôi còn sử dụng tiền gia đình để lo chi phí cho hai người xấu số đó về quê an táng”.
Theo bà Bình, những phận đời xấu số được bà dùng áo rách hoặc tấm vải quàng qua xác rồi móc bằng câu sắt kéo lên bờ, sau khi đưa lên bờ thì đặt lên tấm bạt và rửa sạch bằng rượu trắng. Trước khi đưa xác vào áo quan thì bà phải trình báo chính quyền địa phương để “xử lý”, tìm người nhà hoặc làm thủ tục chôn cất.
Lo không có người “nối nghiệp”
Mặc dù tuổi đã cao, lại mang trong mình căn bệnh thấp khớp nhưng bà Bình vẫn không nề hà mỗi khi được nhờ vả. Bằng kinh nghiệm hàng chục năm làm nghề không ai dám làm này, đến nay “cứ ai gọi thì bà đi”. Tuy vậy, có một điều khiến bà vẫn day dứt mãi là giới trẻ thời nay khó có ai có thể đủ can đảm để “nối nghiệp” bà, giúp những phận đời xấu số. Bà kể, bão đầu mùa năm nay, thương nhất là vớt được xác người đàn ông không đầu, không tay ở khu bờ sông Yên Phụ (quận Tây Hồ). Bà tiếp lời: “Mấy hôm nay mưa nhiều, nước thượng nguồn lên cao… Tôi cũng ra bờ sông Hồng từ sáng đến đầu giờ chiều mới về, ra xem có ai chẳng may lênh đênh trên mặt nước thì dìu vào nhưng may sao lại thấy nhiều củi”.
Ngôi nhà nhỏ của bà Bình nằm sát cột điện bên bờ ao thôn Hồng Ngự. Tiễn khách ra về, bà Bình còn “bật mí” về sự may mắn khi được ông trưởng thôn “ưu ái” cho san lấp nhà vệ sinh công cộng của thôn để làm nhà ở cho cả gia đình vào những năm 1990. Nhưng sau những trận mưa lớn, những “đời nhà” được làm bằng bùn đắp rơm của bà cũng úng sụp, khiến cuộc sống của gia đình càng thêm khó khăn. Đến nay, ngôi nhà được lợp bằng mái ngói Fibro xi-măng của gia đình bà chỉ sợ cơn gió mạnh đi qua là “tan thành mây khói”. Trước khi ra về, bà cho tôi xem một trong những bộ “đồ nghề” của bà: Đó là những chiếc lưỡi câu được nối với dây dù móc ngoặc vào ống nứa được bà cất gọn trên cao. Bà bảo: “Phải để trên cao như thế này vì móc sắc lắm, trẻ con chỉ sờ vào là đứt tay luôn”.
Chia tay người đàn bà hy sinh cả cuộc đời, cả tuổi thanh xuân của mình để… “cướp cơm Hà Bá”, mang lại niềm an ủi cho nhiều phận người, nhiều gia đình, chúng tôi càng băn khoăn hơn với gia cảnh nghèo khó của bà. Trên kia, mạn Yên Bái, Sơn La, Hoà Bình, nước lũ thượng nguồn vẫn đang đổ về. Đâu đó vẫn có những phận người xấu số và người thân của họ đang cậy nhờ cả vào sức vóc mảnh khảnh, nhỏ bé của người đàn bà tuổi gần thất thập này!
Bà Bình kể, từ khi còn nhỏ cùng cha vớt củi, đánh cá trên sông để lo những bữa ăn cho qua ngày đoạn tháng, bà chứng kiến không ít lần cảnh cha mình vớt xác người. Dần dần, bà coi đó như “duyên nghiệp” của mình. Đến nay, bà không thể nhớ rõ tự mình đã vớt được bao nhiêu phận đời xấu số nữa. Với bà lúc này: “Cái duyên đã được ấn định rồi, mình làm phúc làm đức cho người xấu số… Nếu bây giờ có ai gọi thì tôi cũng đi luôn, kể cả hết đêm hết ngày, con cái cháu chắt nhờ hàng xóm trông cũng được”.
Theo giadinh.net