Nấm mồ lặng câm và những câu chuyện bí ẩn về cái chết của hai cô gái trẻ ở bãi giữa sông Hồng
Nhiều năm nay, những bí ẩn quanh cái chết oan khuất giống hệt nhau của hai cô gái trẻ nơi bãi giữa sông Hồng vẫn chưa tìm được lời giải đáp. Và kéo theo đó là những câu chuyện ly kỳ mà ai nghe xong cũng phải lạnh người.
Người đàn ông bên ngôi miếu Hai Cô
Men theo con đường đất dưới chân cầu Long Biên đến xóm Phao bãi giữa sông Hồng, ở góc cuối đường chúng tôi bắt gặp một ngôi miếu hoang lạnh lẽo nằm ẩn mình dưới tán cây cối dây leo xanh tốt um tùm. Ngôi miếu đơn sơ được đắp hình chữ nhật và một ban thờ nhỏ có hai bát hương vẫn còn nghi ngút khói.
Ban thờ không có bài vị cũng không có di ảnh mà chỉ có duy nhất tấm bia màu đen khắc dòng chữ: “Miếu Hai Cô – Câu lạc bộ những người yêu sông Hồng công đức 2009”.
Giữa “đồng không mông quạnh” lau lác, hai ngôi mộ vẫn khói hương nghi ngút tức là có người trông coi hoặc người vừa ngang qua đây. Đang mải mê nhìn ngôi miếu, người đàn ông dáng vẻ gầy gò xuất hiện sau lùm cây.
“Tới thắp nhang cho hai cô hả? Vào đây uống chén nước rồi ra thắp hương cũng chưa muộn. Chú không lấy tiền nước đâu mà sợ”, người đàn ông vận chiếc áo xanh dương tỏ ra niềm nở cất lời hỏi chúng tôi trước.
Ngồi trong chiếc chòi dựng tạm bên ngôi miếu, người đàn ông áo xanh dương giới thiệu tên Cao Văn Hùng (SN1950), quê ở Bắc Ninh. Ông Hùng cho biết, mình chính là một trong hai người đầu tiên dạt về bãi giữa sông Hồng này để sinh sống.
Trước đây, chính quyền địa phương không cho ở lại đây vì cư trú bất hợp pháp. Thế nhưng, những năm gần đây, do chính sách mới, những người như ông Hùng đã được phép tạm trú tạm vắng ở khu vực này. Dần dần, xóm Phao ở bãi giữa cũng đã có mấy chục hộ gia đình tới sinh sống.
Ông Hùng cũng giới thiệu với chúng tôi, ông chính là thủ từ của ngôi miếu Hai Cô giữa bãi hoang vắng này. Nhắc đến miếu hai cô, gương mặt của người đàn ông trở nên trầm ngâm. Theo ông, “hai cô” chính là hai xác chết trôi dạt về bãi giữa sông Hồng nhiều năm về trước. Tuy hai nạn nhân được tìm thấy cách nhau về thời gian nhưng lại có những đặc điểm rất giống nhau khi chết. Bởi vậy, dân làng mới cảm thấy kỳ lạ và những câu chuyện liêu trai quanh số phận hai cô gái cũng bắt đầu từ những điều kỳ lạ đó.
Hai cô gái chung một số mệnh bạc
Ông Hùng kể lại, năm 2004, trong một buổi chiều hè, một người đàn ông ở xóm Phao tình cờ phát hiện một xác chết nữ trôi dạt vào chân cầu Long Biên. Cái xác vẫn còn chưa phân hủy, hai ngón tay cái bị trói vào nhau trong một tư thế lạ lùng. Sau khi được người dân thương tình tắm rửa, lau mặt mũi sạch sẽ, cái xác hiện lên là một cô gái trẻ tầm 17 tuổi thanh tú, xinh đẹp.
Công an vào cuộc, xác nhận cô gái bị hiếp trước khi chết trôi sông, rồi trao trả lại cho người dân địa phương ở đây chôn cất. Cảm thương số phận oan nghiệt của cô gái, người dân đã chôn cất cô ngay bãi bồi sông Hồng.
Hàng ngày, những người dân bãi giữa vẫn trông ngóng có người nhà đến tìm mang cô về nhưng tuyệt nhiên không thấy một ai. Cứ ngỡ câu chuyện về cái chết đầy oan ức của cô gái 17 tuổi đã bị lãng quên thì người dân lại bất ngờ chứng kiến cái chết thương tâm của một cô gái trẻ khác.
Vào một ngày lặng gió, một người dân xóm Phao lại phát hiện một xác chết dạt vào bãi bồi ven sông. Đến gần ông phát hiện ra đó là một thi thể nữ đang phân hủy, trên người mặc bộ quần áo ngủ họa tiết hoa. Nơi người dân phát hiện xác cô gái trẻ cũng ngay gần đoạn sông cô gái 17 tuổi nằm chết trước đó. Nhìn hình dáng bên ngoài, cô gái này còn trẻ hơn cô gái 17 tuổi trước đó.
Lần này, thay vì bị cột hai ngón tay cái, cái xác mà người dân vớt được có hai ngón chân cái bị cột chặt vào nhau. Chi tiết này ám ảnh người dân địa phương ở đây. Người dân vội báo cho chính quyền và công an sở tại. Sau khi kiểm tra, xác chết được xác định bị hiếp trước khi bị dìm chết.
Hai cô gái trẻ, hai cái chết đầy oan nghiệt với những chi tiết giống y hệt nhau đến lạ lùng. Họ bước sang thế giới bên kia với hình ảnh cuối cùng ám ảnh ông Hùng và người dân xóm Phao về câu chuyện oan khuất không bao giờ được thấu tỏ.
Để bày tỏ lòng thương cảm với người đã khuất, ông Nguyễn Văn Thanh, một người trong Câu lạc bộ bơi sông Hồng đã quyên góp tiền xây cho hai cô ngôi mộ cẩn thận giữa đám cỏ dại của bãi đất sông Hồng.
Từ khi có ngôi miếu, cứ ngày rằm, ngày lễ lạt, dân quanh đây lại có quả cam, quả chuối “dâng” hai cô. Những năm gần đây, không chỉ có người dân xóm Phao mà nhiều người tận trong nội thành cũng khăn gói xuống bãi giữa để thắp hương cho hai cô gái xấu số. Bên cạnh miếu hai cô, người dân còn cho đắp mộ của hai hài nhi xấu số bị vứt bỏ trôi sông dạt vào bãi này.
Dần dần, khu vực này đã trở thành “nghĩa trang” cho những thân phận bạc mệnh. Cách đó 20m cũng có thêm ngôi mộ của một thanh niên trẻ tuổi nằm an nghỉ. Ngay đằng sau miếu Hai Cô cũng là nấm mồ của đôi vợ chồng nghèo nhiều năm trước di cư về xóm Phao này. Do nghèo quá không có tiền mai táng nên khi mất người dân cũng chỉ đắp tạm cho một nấm mồ ven sông.
Nấm mồ lặng câm và những chuyện linh thiêng được thêu dệt
Từ trước khi ngôi miếu được xây dựng, nhiều câu chuyện liêu trai đã được người dân truyền tai nhau sau cái chết của hai cô gái trẻ. Theo ông Hùng, những người chết trẻ thường rất thiêng, đặc biệt khi chết oan khiên lại càng thiêng. Lai lịch về khổ chủ có thể không biết nhưng những mẩu chuyện về cái sự “thiêng” của ngôi miếu thì dân quanh đây kể rất nhiều.
Chúng tôi mới ngồi trò chuyện cùng ông Hùng một lúc thì có rất nhiều khách ghé miếu thắp hương. Trong số đó có bà Nguyễn Thị Hoa (50 tuổi), một người dân xóm Phao. Bà Hoa cho biết: “Khi hai cô mới về đây ngay cả người bạo gan như tôi cũng không dám đi qua. Nhất là mỗi khi trời tối, ở bãi giữa không có điện nên hầu như nhà tôi phải cửa đóng then cài. Mãi sau này, khi đã quen thì người ta mới không sợ nữa”.
Cũng theo bà Hoa, thời kì đầu khi mới có phong trào “tắm tiên” ở bãi giữa, nhiều người đến đây bơi lội, khi đi qua mộ các cô mà không đứng lại vái vài lạy và xin phép xuống tắm thì kiểu gì cũng gặp chuyện.
Bà Hoa từng chứng kiến nhiều người đến đây bơi lội, có người là vận động viên bơi lội hẳn hoi nhưng vẫn nhiều phen suýt chết với những lý do rất kì lạ. Một số người vừa mới xuống nước, chưa kịp sải tay thì bỗng như có ai nắm chân kéo xuống nước, càng lúc càng sâu làm người đó không kịp phản ứng. Đến khi đồng đội xuống kéo lên thì người cứng đờ như khúc chuối.
Cũng có người khi đang bơi bình thường cùng mọi người trong đội thì bỗng dưng không bơi được nữa, cứ đứng nguyên một chỗ. Thế nhưng, những người nào thường vái lạy các cô mỗi khi đi qua thì lại không hề hấn gì.
Theo ông Hùng, trước đây có một nam thanh niên tới đây để tắm ở bãi giữa sông Hồng. Lúc đó, nam thanh niên này có một công ty xây dựng nhưng làm ăn thất bát, nợ nần chồng chất. Nghe chuyện miếu Hai Cô, nam thanh niên thương cảm nên vào thắp cho hai cô gái trẻ một nén hương. Sau lần đó, con đường làm ăn của nam thanh niên này ngày càng phát triển. Dần dà, anh trả hết nợ và phát triển được mối quan hệ làm ăn. Không hiểu có phải do miếu Hai Cô linh thiêng hay vì lý do nào khác nhưng từ đó nam thanh niên này thường xuyên ghé miếu thắp hương. “Mới đây, cậu ấy còn tới để xây giúp tôi cái sân trước miếu”, ông Hùng nói.
Tôi tỏ ra nghi ngờ và chưa hoàn toàn tin tưởng vào những câu chuyện mà ông Hùng vừa kể. Tuy nhiên, nhìn cảnh người dân rầm rập kéo đế ngôi miếu hương hoa, lễ lạt khiến tôi có chút suy nghĩ.
Trước khi vào ngôi miếu, nghe người ta rỉ tai nhau về ngôi miếu linh thiêng này có rất nhiều người tìm đến để xin… trúng lô đề. Theo quan sát của tôi, phần đa những người đến ngôi miếu là thành phần phức tạp. Nhiều người phụ nữ trên tay còn phì phèo điếu thuốc lá. Họ còn tỏ ra không hài lòng khi thấy chúng tôi ghi hình.
Câu chuyện với người đàn ông bên ngôi miếu thờ hai cô gái chết trẻ ở bãi giữa sông Hồng chưa kịp kết thúc thì trời đã về chiều. Chút ánh nắng yếu ớt cuối ngày xuyên qua những tàu lá chuối xanh ngắt. Những bụi dây leo được dịp rung bật bật khi cơn gió từ bờ sông Hồng lồng lộng thổi vào.
Bên đôi bờ sông Hồng trải dài hàng nghìn km, mỗi năm có biết bao thân phận hẩm hiu trôi dạt vào nương náu. Thế nhưng, hai cô gái trẻ có nhiều điểm trùng hợp nằm lại đây vẫn là điều kì lạ và dễ được thêu dệt nhiều chuyện ly kỳ. Điều đáng buồn là hai cái chết đều rất oan khuất. Đến nay công an vẫn chưa tìm được hung thủ.
Tuổi xuân của hai cô gái chưa tròn mười tám đã chôn vùi trong nấm mồ hoang vắng và lặng câm.
Theo: vtc.vn