Ly kỳ chuyện ‘thu phục’ hòn đá mang lời đồn bị ‘quỷ ám’ (Kỳ 2)
Trước sự chứng kiến của mấy chục người, Thượng tọa kiêm Pháp sư Thích Hồng Phương đã ra tay ‘thu phục’ hòn đá kỳ lạ, mà dân làng đồn bị ‘quỷ ám’.
Kỳ 2: Cuộc ‘thu phục’ hòn đá kinh dị
Theo Thượng tọa Thích Hồng Phương, trụ trì chùa Hồng Quang (Bến Đức, Tây An, Tây Sơn, Bình Định), suốt 7 tháng trời, ông cùng đệ tử đọc kinh, trì chú, giải oan cho những linh hồn uổng tử, đã chết tại hòn đá, bởi những cái dẫm đạp kinh người của những con voi khổng lồ, và sự ác tâm của nhà Nguyễn. Cả đời Thượng tọa Hồng Phương cũng chưa từng vất vả làm nhiều đàn tế giải oan như thế.
Để “thu phục” hòn đá mà người dân trong vùng đồn đại bị “quỷ ám”, Thượng tọa Hồng Phương đã xuống tu viện Nguyên Thiều gặp Thượng tọa Thích Minh Tuấn là một nhà nghiên cứu Phật giáo, đặc biệt là nghiên cứu về tâm linh rất sâu sắc.
Thượng tọa Thích Hồng Phương bảo với thầy Minh Tuấn: “Về hòn đá ở Nhơn Hậu, có người tin, có người không tin, nên tui chưa vào cuộc vội. Tui biết thầy có khả năng và cũng biết rõ về hòn đá này rồi.
Tui đã nghiên cứu về hòn đá kỹ lưỡng và cũng đã hiểu về nó, tuy nhiên, tui chưa dám di chuyển vì sợ người ta hiểu sai. Tui mong thầy cùng tui tiếp tục giải thoát các oan hồn uổng tử ở hòn đá, rồi tui mới di chuyển.
Ngoài ra, tui cũng muốn thầy cùng vào cuộc, tìm ra 30 đến 50 người trong vùng, cả người tin và không tin chứng kiến cuộc di chuyển hòn đá, để sau này người ta không nói này nói nọ được nữa”.
Sau khi trình bày về hòn đá, nhận được sự giúp đỡ tích cực của Thượng tọa Thích Minh Tuấn, thầy Thích Hồng Phương đã bắt tay vào cuộc “quy phục” hòn đá.
Thượng tọa Hồng Phương kể: “Đó là năm 2008, trước Phật Đản, tháng 2 âm lịch. Thời gian thì chính xác là đêm mùng 9. Trước đó mấy ngày, tui đã thông báo việc thu phục hòn đá cho nhân dân làng Bến Đức.
Việc đưa hòn đá dữ như thế về làng, cũng phải thông báo rộng rãi, hết sức minh bạch, và nhận được sự ủng hộ, thì tui mới thực hiện. Ngoài ra, tui muốn càng nhiều người tham gia tìm hiểu về hòn đá càng tốt, bởi như thế, sẽ không ai nghĩ tôi lấy hòn đá về với ý đồ mờ ám.
Thông tin tui đưa ra, có tới 50 người, đều là người lớn đăng ký tham gia chứng kiến việc tui thu phục hòn đá. Mấy anh thợ xây, thợ mộc đang hoàn thiện ngôi chùa Hương Quang, cũng xin nghỉ việc để theo tui, chứng kiến việc tui làm”.
Nghiên cứu về Mật Tông nhiều năm, lại là Pháp sư giỏi, nên Thượng tọa Thích Hồng Phương biết nhiều chuyện kỳ lạ. Đúng 9 giờ đêm, ngày mùng 9/2 âm lịch, tức ngày đầu vọng nguyệt, hòn đá sẽ linh ứng. Như vậy, ông thông báo mọi người có mặt lúc 7-8 giờ tối tại nơi hòn đá ngụ, ở xã Nhơn Hậu.
Đúng 8g30 phút tối, Thượng tọa Thích Hồng Phương cùng mấy đệ tử có mặt ở gò đất, đã thấy 50 người vây quanh hòn đá. Nhiều người chuẩn bị đồ lễ chu đáo, đủ cả rượu, thịt, xôi, gà, cúng bái hương khói nghi ngút quanh hòn đá.
Người xin các oan hồn linh ứng cho cuộc sống giàu sang, người xin mụn con, người khấn rõ xin số đề để được đổi đời…
Mặc dù là Pháp sư, song Thượng tọa Thích Hồng Phương không quan tâm mấy trò cúng bái, hương khói. Ông trải chiếu ngồi trì chú với các môn đệ chừng mấy phút, rồi tiến đến bên hòn đá.
Theo thầy Hồng Phương, hòn đá này chứa nhiều năng lượng lạ. Các Pháp sư cao tay có thể kiểm tra và biết được bằng chính sự nhạy cảm của cơ thể mình. Mặc dù hòn đá lớn như thế, nhưng năng lượng chỉ tụ ở một điểm nhất định, nhỏ bằng miệng bát.
Và điều nữa, là năng lượng chỉ phát ra vào một thời điểm nhất định, chỉ những thầy pháp cao tay mới biết được.
Kiểm tra xong, phát hiện năng lượng đã có, Thượng tọa Thích Hồng Phương nói lớn: “Đã đúng giờ hòn đá phát năng lượng rồi. Trước nay, có anh tin, có anh không tin. Nay tui mời các anh, các chị thử tất, để xác tín lại niềm tin của mình.
Có tui ở đây, thì tui xin đảm bảo mạng sống cho các anh, chị, ông bà. Nếu có sự gì xảy ra, thì cứ bảo do ông Thích Hồng Phương xúi bẩy. Tuy nhiên, tui xin nhắc, là mọi người chỉ nên chạm nhẹ một lần, thấy có cảm giác rồi thì thôi ngay”.
Nguyên chùa Hương Quang vốn là một cái am nhỏ. Xưa kia, thôn Bến Đức là vùng đất của người Chăm. Người Chăm bỏ đi, thì người nơi khác di cư đến, sau nhiều trăm năm bỏ hoang.
Trong nhóm người định cư đầu tiên ở đây có ông Khải. Ông lập ra cái am vào khoảng năm 1870. Sau khi ông Khải chết, ông Kiềng kế thừa cái am.
Thời kỳ đầu thế kỷ 20, ông Kiêng cùng với 4 ông nữa, gồm ông Ngợ, ông Chữ, ông Nam và Ba Thu, là 5 thầy phù thủy nổi tiếng nhất vùng. Dân làng kêu ông Kiềng là thầy Năm.
Ông Năm có duyên với Hòa thượng Trí Hải, nên mời ông Trí Hải đến trông nom am. Năm 1930, ông Trí Hải đặt tên là Hương Quang am.
Đến năm 1957, ông Huỳnh Ân và Đại Quang tiếp nhận am và đổi tên thành Hương Quang tự, tức là chùa Hương Quang.
Thượng tọa Thích Hồng Phương vốn có nghề thuốc, nhưng xuất gia ở một ngôi chùa ở Quy Nhơn, rồi mới về chùa Hương Quang trụ trì.
Còn tiếp…
Theo: vtvn