Lạ kỳ: Chuyện ‘người chết nuôi người sống’ ở thành phố lăng mộ xa hoa bậc nhất Việt Nam
Ở Thừa Thiên – Huế có một khu lăng mộ nổi tiếng với những ngôi mộ bạc tỷ, xa hoa bậc nhất Việt Nam, đằng sau những lăng mộ xa xỉ ấy còn là câu chuyện người chết có khả năng “nuôi” người sống.
Khu lăng mộ mà chúng tôi đề cập đến là khu nghĩa địa nằm ở thôn An Bằng (xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Với những ngôi mộ có giá lên đến bạc tỷ và xa hoa bậc nhất Việt Nam nên người đời hay gọi khu nghĩa địa này với cái tên “thành phố ma An Bằng” hay “thành phố của người chết”.
‘Thành phố lăng mộ’ siêu sang
Mỗi khi đến Huế, hỏi về thành phố ma An Bằng không ai không biết bởi lẽ hàng chục năm qua nó đã quá nổi tiếng với những ngôi mộ bạc tỷ mọc nên như nấm.
Khu nghĩa địa “siêu sang” này lại càng nổi tiếng hơn khi năm 2006 hãng tin Daily Mail của Vương quốc Anh bất ngờ cho đăng tải một chùm ảnh về nghĩa trang này với lời bình luận “một nghĩa trang kỳ lạ, đầy màu sắc và xa hoa” và gọi nó là “thành phố của những hồn ma”.
Muốn đến “thành phố của những hồn ma” những người ưa khám phá thường đi theo tuyến đường từ thành phố Huế chạy dọc theo tuyến quốc lộ 49 về biển Thuận An, tiếp tục chạy dọc theo con đường ven biển chừng gần 30km là đến xã Vinh An (huyện Phú Vang) hỏi khu lăng mộ An Bằng thì hầu hết ai cũng biết. Có người còn nói: “Cứ thấy nơi mô nghĩa địa cao hơn nhà ở thì đó là làng An Bằng”.Theo tìm hiểu của chúng tôi, làng An Bằng hay còn có tên gọi khác là Hà Úc và vốn là một làng chài nghèo của xã Vinh An (huyện Phú Vang). Cuộc sống của người dân ở làng chèo này chủ yếu phụ thuộc vào nghề khai thác thủy sản gần bờ trên những con thuyền nhỏ.
Cuộc sống của những ngư dân làng An Bằng chuyển sang một trang mới khi khoảng năm 1990 nhà nước cho phép những người Việt định cư ở nước ngoài gửi tiền về cho người thân trong nước. Nhiều người xuất thân từ làng An Bằng đang sinh sống ở nước ngoài (chủ yếu là Mỹ) đã gửi tiền về cho người thân. Từ nguồn tiền ấy, dân chài làng An Bằng bắt đầu thay đổi cuộc sống bằng cách làm nhà, tậu xe sang…
Với việc cuộc sống đủ đầy và quan niệm “sống cái nhà, thác cái mồ” nên những ngư dân ở An Bằng bắt đầu đi kiến thiết lăng mộ với nguồn tiền chủ yếu từ nước ngoài gửi về. Từ đó, những lăng mộ có giá hàng trăm triệu thậm chí hàng tỷ đồng thi nhau mọc lên như nấm trong khuôn viên nghĩa địa của làng.
Thậm chí còn có thông tin cho rằng, nhiều nhà xây rồi nhưng lại đập đi xây lại vì mộ kém đẹp và to so với những ngôi mộ khác. Có những nhà tốn cả 70.000 USD (hơn 1,5 tỷ đồng) để xây lăng mộ. Một số ngôi mộ ở đây vẫn còn trống, vì nó được xây trước khi có người chết.
Theo những người thợ xây ở khu lăng mộ An Bằng, hầu hết các lăng mộ ở đây đều lấy mẫu thiết kế chung từ lăng Khải Định. Sau đó, việc biến hóa thêm hay bớt tùy thuộc vào sở thích của mỗi chủ nhân. Theo quan sát của chúng tôi, tổng thể khu lăng mộ An Bằng độc đáo về kiến trúc, đủ các phong cách.
Những ngôi mộ tại nghĩa trang này được trang trí bởi nghệ thuật “khảm sành sứ” đặc trưng ở Huế với những họa tiết hoa lá và hình rồng với những cổng tam quan, mái ngói lưu ly, câu đối, bia đá, trụ biểu, la thành… Một số ngôi mộ có kiến trúc công phu, cao 6 mét và được chạm khắc rồng đầy màu sắc vào các cột trụ. Nhiều ngôi mộ mới được xây cao tới 10m và được trang trí tỉ mỉ từng cm.
Người chết “nuôi” người sống
Những người thợ xây, thợ khảm sành sứ chính là những người đã thổi hồn vào cho những ngôi mộ bạc tỷ biến nó thành một “thành phố của người chết” xa hoa bậc nhất đất Việt.
Tôi còn nhớ cách đây chừng 6 năm, khi tìm về khu lăng mộ ở An Bằng gặp một toán thợ xây, tôi được nghe một người thợ tâm sự: “Giá mà tui có số tiền bằng một phần của việc xây ngôi mộ ni thì có lẽ vợ con tôi đã đỡ khổ’.
6 năm sau, khi quay lại “thành phố của người chết” tôi vẫn bắt gặp giữa trưa hè những người thợ xây, thợ khảm sành vẫn đang miệt mài “thổi hồn” lên những ngôi mộ bạc tỷ. Nói chuyện với họ, tôi được nghe những câu chuyện tưởng chừng như vô lý nhưng suy nghĩ lại rất có lý là những người dưới những nấm mộ bạc tỷ đang “nuôi” những người thợ xây ở các vùng phụ cận.
Nói chuyện với tôi, ông Trần Tĩnh (52 tuổi, một phụ xây quê ở xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang) cho biết, xã của ông nằm sát với xã Vinh An và ông đã làm nghề phụ xây được 20 năm nay. Cũng vì khu lăng mộ An Bằng mà công việc của ông khá ổn định, thu nhập ổn và công việc cũng khá nhẹ nhàng.
Ông Trần Tĩnh chia sẻ, thường thì có người sẽ đứng ra làm chủ thầu với một đội khoảng 20 người, họ nhận một lúc 3,4 cái lăng và chia ra mỗi nhóm 6 người để làm. Một cái lăng sẽ được khoán cho nhóm thợ làm trong vòng 3 – 5 tháng với mức tiền công khoán khoảng 200 – 300 triệu đồng tùy thuộc vào quy mô mỗi lăng mộ.
Video: Hàng nghìn người phát hoảng khi nhìn thấy thành phố ‘ma’ lơ lửng trên trời
Ông Đỗ Chấp (42 tuổi, làm nghề thợ xây trú xã Vinh Thanh) bộc bạch: “Tôi không biết sao họ lại có thể bỏ cả tỷ bạc chỉ để xây lăng mộ, phí quá. Nhưng không sao, nhờ vậy mà tôi đã có việc làm gần 20 năm nay”.
Trong đội thợ làm cùng với ông Chấp có một thanh niên còn khá trẻ khiến tôi khá ấn tượng đó là em Hồ Minh Sáu (19 tuổi). Theo Sáu, khi vừa tốt nghiệp THPT em đã xin vào nhóm thợ phụ đi làm lăng mộ, đến giờ em đã có hơn 1 năm trong nghề.
Sáu cho biết, khu lăng mộ An Bằng không chỉ mang lại công việc và thu nhập cho cánh thợ xây mà những người được thuê thắp nhang, bật điện, quét dọn và bảo vệ khu lăng mộ cũng mang lại thu nhập từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng.
Theo vtcn