Kỳ lạ lá thư của hài nhi vong mạng gửi từ Âm Phủ chỉ để xin một nấm mồ: ‘Âm Phủ, 0 ngày 0 tháng 0 năm…’
Đau lắm, xót lắm…! Các em ở đó dưới cái nắng bỏng gắt của Pleiku, cam chịu sự bỏ rơi của đấng sinh thành và chờ đợi những bàn tay xa lạ đến xây cho một nấm mồ.
Đó là cảnh tượng mà người ta thường được chứng kiến suốt hai thập kỉ qua ở Khu mộ Đồng Nhi, nơi mà “cha Đông”, “ông Sáu”, “ngoại Tâm”, “ba Phụng”, “ba Lễ” ngày ngày lui tới chăm nom và xây thêm những nấm mồ cho các hài nhi xấu số.
Người dân Pleiku đã quá quen thuộc với nghĩa trang đặc biệt này. Không ai còn lạ gì những người thường xuyên lui tới đây và câu chuyện cuộc đời họ. Đó là những con người bình dị như bao người dân của vùng đất đầy nắng gió này. Điểm khác biệt duy nhất là họ đã trải qua những điều khiến họ quyết định thay đổi cuộc đời mình.
Bỏ nghề xây dựng, đi nhặt… hài nhi
Chuyện bắt đầu vào một buổi chiều tối cuối đông năm 2002, khi đang xây mộ cho mẹ mình tại nghĩa trang Pleiku, Gia Lai, thì ông Sáu bất ngờ chứng kiến một cảnh tượng không cầm lòng được. Một cô gái trẻ khá xinh đẹp đi xe máy vụt lên nghĩa trang rồi vội vã bỏ lại gần khu mộ một túi nilon màu đen, sau đó, phóng xe đi về phía thành phố… Thấy bất thường, ông đến mở túi nilon thì phát hiện một hài nhi đỏ hỏn bên trong.
Bủn rủn, lạnh sống lưng đó là cảm giác ông Sáu nhớ mãi về buổi chiều đó. Thế nhưng, với tâm hồn thiện lương, ông quên đi những cảm xúc tiêu cực, và tự tay xây cho sinh linh nhỏ bé này một nấm mồ rồi chôn cất em tử tế.
Đêm hôm ấy, hình ảnh những hài nhi bị bỏ rơi, nằm chơ vơ giữa núi rừng rộng lớn, giữa bao ngôi mộ được xây dựng đàng hoàng cứ mãi ám ảnh ông. Ngày hôm sau, ông quay lại nghĩa trang thắp hương mộ mẹ. Khi đi qua khu mộ Đồng Nhi, ông bỗng chùn bước như có ai đó níu kéo. Linh cảm đưa ông tìm đến góc khuất sau một ngôi mộ. Ông bắt gặp ở đó thêm một hài nhi khác cũng bị bỏ rơi. Từ dạo ấy, ông Sáu bỏ luôn nghề xây dựng, lủi thủi làm việc chôn cất, xây mộ phần cho các cháu.
Rồi ông Sáu gặp được anh Phụng và anh Lễ. Kể từ lúc đó, anh Phụng và anh Lễ học được thủ tục khâm liệm từ ông Sáu. Cả ba cứ thế gắn bó với công việc ai nghe cũng sẽ cảm thấy thật nặng nề.
Khu mộ Đồng Nhi – một lịch sử nghĩa tình
Nhưng ông Sáu không phải là người đầu tiên xây mộ cho những đứa trẻ không may mắn này. Được biết, từ năm 1992, Linh mục Nguyễn Văn Đông (Trưởng ban Bảo vệ sự sống nhà thờ Thăng Thiên, TP. Pleiku) mới là người đầu tiên lo việc chôn cất các hài nhi bị bỏ rơi.
Theo lời của những người dân nơi đây kể lại, vào một buổi chiều tháng 12, cha Đông đang chôn cất những hài nhi nhỏ bé, thì một người phụ nữ Ja Rai xuất hiện. Cô gái trẻ dốc ra từ chiếc gùi một cái bọc màu đen, và nói với cha Đông: “Nghe nói ông có nhận con, vậy tôi đem con cho ông”. Người mẹ ấy lạnh lùng bỏ đi đứa con thơ của mình vì muốn tránh bị làng phạt trâu bò, tránh những lời khinh mạt khi cô chót có con trước hôn nhân với một trai làng.
Tự tay chôn cất nhiều bé thơ, nhưng đó là lần đầu tiên cha Đông cảm nhận sự lạnh lẽo của con người sâu sắc đến như vậy, phải chăng bởi cảnh tượng ấy diễn ra đúng vào ngày mà Chúa Jesus chào đời?
Câu chuyện buồn Đêm Giáng Sinh ấy đã thôi thúc cha Đông phải làm một điều gì đó cho những sinh mệnh xấu số. Cha phát động một chương trình quyên góp mang thông điệp “Sống có nhà, chết có nấm mồ”, và dành nguyên một đêm trắng để viết thư gửi tới rất nhiều người dân thành phố Pleiku. Dòng chữ trong thư có lẽ là nỗi niềm mà những em bé chưa được đến với cuộc đời không có cơ hội nói ra:
“Âm Phủ, 0 ngày 0 tháng 0 năm.
Kính gửi những người đang được quyền sống. Kính gửi ông bà nội ngoại, cô bác cậu dì của con. Kính gửi ba má chưa lần nào con được nhìn thấy mặt.
Con muốn xin một nấm mồ. Xin hãy thay ba con thương con. Xin hãy thay má con thương con. Ba ơi ba đừng chối bỏ con mãi mãi. Má ơi má hãy thương con dù chỉ một lần thôi, con đã được an ủi lắm vậy.
Xin hãy cho con một nấm mồ và gửi về cho cha Đông, Nhà thờ Thăng Thiên”.
Một tuần sau khi cánh thư ngỏ được gửi đi, đã có rất nhiều các ba, các má, các cô dì chú bác gửi tiền tới cha Đông để xây “nhà” cho các em. 850 ngôi mộ được dựng lên ngay sau đó, thần kì như trong câu chuyện cổ tích!
Khu mộ Đồng Nhi – Nơi yên nghỉ của những sinh linh bị chối bỏ ra đời từ ấy. Và những con người với tấm lòng từ bi vẫn cứ tiếp tục gắn bó với công việc đầy tình nghĩa này…
Nhà tình thương “Đồng Tâm” – Thiện niệm vun bồi sự sống
Không chỉ quan tâm đến những đứa trẻ không còn sự sống, cha Đông, anh Phụng còn làm những việc khiến người khác phải ngả mũ kính phục: Họ thuyết phục những người mẹ trẻ lầm lỡ giữ lại con thơ, suy nghĩ cho mình và cho người khác. Không dùng những lời nói suông, hay những bài học đạo đức giáo huấn, cha Đông, anh Phụng chỉ lặng lẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để những phụ nữ trẻ ấy có thể sống ổn định và bình yên cho tới khi sinh con.
Anh Phụng dùng tiền của mình, thuê một khu nhà trọ nhỏ ven thành phố, để đưa các bà bầu cơ nhỡ có ý định phá bỏ thai về nuôi. Đến khi “mẹ tròn con vuông”, anh để những người phụ nữ ấy về quê hương, làm lại cuộc đời. Còn những cháu nhỏ, anh gửi vào chùa nuôi hoặc để những gia đình hiếm muộn nhận làm con nuôi.
Cha Đông còn lập ra một mô hình nhà tình thương dành cho các bà mẹ trẻ lầm lỡ, và nhà “Đồng Tâm” là một trong số ấy. Tại đây, các bà mẹ trẻ không chỉ có cơ hội ổn định cuộc sống trong thời gian chờ sinh nở, họ còn được “thực tập làm mẹ”.
Hàng ngày, họ sẽ cùng chăm nom những đứa trẻ đáng thương, để cảm nhận được mối liên kết với chúng, và để hiểu rằng những sinh linh bé nhỏ yếu ớt ấy rất cần sự bảo vệ, che chở của các chị.
Những người mẹ sinh con ra nhưng không muốn nuôi thì cha Đông giữ chúng lại chăm sóc. Lớn lên một chút, cha gửi các cháu cho nhà thờ, nhà chùa. Người mẹ nào sinh con xong không chốn nương thân, cha sẽ nuôi cả mẹ lẫn con, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, chủ yếu là công việc chăm nuôi các cháu không cha không mẹ, hoàn cảnh éo le.
Thật may mắn vì trong cuộc đời này, vẫn còn có những con người như cha Đông, như anh Phụng và những người thường xuyên lui tới chăm sóc cho Khu mộ Đồng Nhi. Không có họ, biết bao nhiêu những sinh linh nhỏ bé phải chịu thêm nỗi khổ “không nhà”. Không có họ, hẳn đã có hàng trăm bà mẹ phạm tội “sát sinh” và phải mang nỗi đau “giết con” trong tâm cho tới tận cuối đời.
Xót thương sinh mệnh – Trân quý sự sống – Bảo vệ cho sự thiện lương là những điều mà những con người bình dị ấy vẫn tiếp tục mỗi ngày. Hành động của họ phải chăng chính là ví dụ chân thực nhất giúp chúng ta hiểu hơn về hai chữ “Từ Bi”?