Giải mã bí mật: Ngụ ý thần bí của 21 loài động vật trong kinh Phật

Nhà Phật lấy Từ Bi làm trung tâm, coi hết thảy chúng sinh là bình đẳng, bao gồm cả động vật. Voi tượng trưng cho cao quý; Sư tử là ẩn dụ của dũng mãnh và vĩ đại; Rùa vàng thể hiện tính sinh tử niết bàn…

Giáo lý nhà Phật cho rằng tất cả chúng sinh đều bình đẳng như nhau. Nhưng vì quan hệ nhân quả nên hình thái sinh mệnh mới khác nhau mà thôi. Chư Phật căn cứ vào đặc tính khác nhau của chúng sinh mà thuyết Pháp với giáo lý khác nhau để độ chúng sinh thoát khỏi biển khổ luân hồi.

Trong các thuyết Pháp của Phật, ví dụ về động vật rất sinh động và hình tượng, trong đó, các câu chuyện ngụ ngôn về động vật khá thú vị và mang nội hàm sâu sắc. Đây cũng là một phương thức hữu hiệu để Đức Phật giáo hóa chúng sinh.

Dưới đây là giải thích sơ lược về 21 động vật thường được nhắc đến trong kinh Phật.

1. Rồng

Trong kinh Phật, rồng là một trong bát bộ bảo vệ Phật Pháp. Kinh Phật viết rằng, họ nhà rồng có các loại khác nhau. Thủ lĩnh họ nhà rồng gọi là Long vương, có uy lực lớn mạnh nên được bảo vệ Phật.

Ngoài ra có một loại là “Phi Pháp hành long vương”, do không thuận theo Pháp, chuyên làm điều bất thiện, không kính Sa Môn và Bà La Môn, nên phải chịu quả khổ cát nóng đốt thân và chịu cái khổ bị chim Gia-lâu-la (Garuda) bắt ăn thịt. Trong các vua rồng, Ngũ đại long vương và Bát đại long vương là nổi tiếng nhất.

Rồng là một trong bát bộ hộ Pháp .(Ảnh dẫn theo tranhtheubansacviet.vn)

2. Voi

Trong Phật giáo, voi tượng trưng cho sự cao quý. Phật giáo thường lấy vua voi để ngụ ý cử chỉ của Phật. Theo “Đại Bát nhã ba la mật đa kinh”, Phật có 80 tướng tốt, tiến dừng như vua voi, bước đi như vua ngỗng, dung nghi như vua sư tử.

Phổ Hiền Bồ Tát cưỡi voi trắng.

Voi trắng

Voi trắng ngụ ý không nhiễm chút phiền não, là tượng trưng cho chủng tính cao quý trong Phật giáo. Trong “Ma ha chỉ quán”, voi trắng sáu ngà đại diện cho sáu thần thông vô lậu của Bồ Tát. Voi có sức mạnh, biểu thị cho Pháp thân có năng lực lớn. Voi trắng sáu ngà biểu thị cho Lục độ (Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ).

Trong các loài động vật, rồng và voi là loài có sức mạnh nhất ở dưới nước và trên mặt đất, do đó trong kinh điển thường gộp chung hai loài lại, lấy “Long Tượng” (rồng voi) để ví dụ rằng Bồ Tát có năng lực dũng mãnh hoặc uy nghi. Người đời sau còn mở rộng “Long Tượng” thành sức mạnh thiền định đặt biệt, hoặc ca ngợi các cao tăng đại đức, uy nghi, và trang nghiêm là “Pháp môn long tượng”.

3. Sư tử

Sư tử là vua các loài thú, do đó rất nhiều kinh luận trong Phật giáo đều dùng sư tử để tỷ dụ Phật vô úy và vĩ đại. Như “Đại trí độ luận” có ghi, sư tử là vua loài bốn chân, độc bộ vô úy, có thể hàng phục tất cả. Phật cũng như vậy, ở giữa 96 ngoại đạo, Ngài hàng phục tất cả, do đó gọi là nhân sư tử.

Trong “Lược xuất kinh” viết: “Dưới gốc cây bồ đề, có được tất cả trí huệ vô tướng tối cao, dũng mãnh Thích Sư Tử (Sư Tử Thích Ca Mâu Ni dũng mãnh)”.

Phật thuyết Pháp bằng âm thanh vô úy, như tiếng gầm của sư tử, do đó cũng gọi Phật thuyết Pháp là “Sư tử gầm” (Sư tử hống). Ngoài ra, Pháp môn mà chư Phật Bồ Tát nhiếp hóa chúng sinh cũng gọi là “Sư tử Pháp môn”, tức là lấy vua sư tử để hiển thị công đức của chư Phật Bồ Tát.

Trong “Niết bàn kinh” lấy tiếng gầm của sư tử để liệt kê 21 việc, tương xứng với Pháp môn của Bồ Tát. “Bảo vũ kinh” liệt kê 10 thiện Pháp của Bồ Tát, so sánh với vua sư tử.

Văn Thù Bồ Tát cưỡi sư tử (Ảnh dẫn theo phatgiao.org.vn)

4. Trâu

Trong Phật giáo, trâu cũng là động vật tượng trưng cho sự cao quý, có đủ uy nghi và đức hạnh. Trong 80 tướng tốt trên thân Như Lai, thì có một tướng là “bước đi an bình, như vua trâu (Ngưu vương)”.

Trong đức hiệu của Phật cũng dùng “nhân trung ngưu” để ca ngợi đức hạnh của Phật quảng đại vô biên. Trong “Pháp hoa kinh” dùng xe trâu để tỷ dụ Bồ Tát thừa, dùng xe trâu trắng lớn để tỷ dụ Phật thừa – Đại thừa diệp Pháp. Thiền tông dùng trâu để ví với tâm chúng sinh, như bức tranh “Thập ngưu đồ” (10 con trâu) nổi tiếng, tức là lấy chăn trâu làm chủ đề để đại diện cho 10 cảnh giới của người tu hành.

5. Ngựa

Trong 32 tướng của Phật, có một tướng là “Mã âm tàng tướng”, cũng gọi là “Âm mã tàng tướng”, “Mã vương ẩn tàng tướng”, có ý nghĩa là Phật đã siêu thoát khỏi dục vọng nam nữ, mà hiển thị ra Mã âm tàng tướng.

Các kinh điển Phật giáo thường dùng ngựa tỷ dụ tâm niệm của chúng sinh, như “Tâm viên ý mã” (Tâm vượn, ý ngựa), tức là tâm ý bất định, như con ngựa hoang điên cuồng chạy. Trong kinh điển cũng dùng ngựa ngụ ý phân biệt bốn loại căn cơ của chúng sinh. Trong “Tạp A hàm kinh” có liệt kê 4 loại ngựa, ví với 4 tầng thứ ngộ đạo của con người.

6. Lừa

Trong kinh điển, sữa lừa và sữa trâu là tỷ dụ cho người có vẻ đúng mà thực ra là sai. Cũng giống như sữa trâu và sữa lừa, tuy giống nhau ở màu sắc, nhưng sữa trâu tích lại có thể thành bơ, sữa lừa tích lại thì thành phân.

Trong Thiền tông, lừa thường được ví với những người căn khí thấp kém. Ngoài dùng trong câu “Lư tiền mã hậu” (trước lừa sau ngựa) để chỉ trích việc học người khác chỉ biết rập khuôn lời nói hành vi của người ta, mà không có bản sắc độc đáo riêng của mình. Thiền tông còn dùng “Cầu (hoặc Kiệu) yên lừa” để tỷ dụ sự ngu muội, không biết phân biệt thật giả.

Trương Quả Lão trong bát tiên cưỡi lừa ngược.

7. Lạc đà

Trong kinh điển, lạc đà tượng trưng cho tâm tính khó điều phục được, hoặc đại diện cho tâm tư rối loạn, chỉ tâm niệm tùy theo lục căn chạy theo ngoại cảnh, không thể nào ở yên một chỗ được. Trong “Ma ha chỉ quán” viết: “Người tâm rối loạn, là cái ác trong những cái ác, như voi say không khóa, giẫm nát hồ hoa, như lạc đà chọc mũi, lật đổ gùi hàng”.

8. Dê

Các kinh điển Phật giáo thường dùng dê để so sánh kẻ phàm phu không phân biệt được thế gian pháp với tu hành, lúc nào cũng buông thả tam độc “tham, sân, si”, tham ngũ dục “sắc, thanh, hương, vị, xúc”.

Trong “Đại trí độ luận”, dùng “Mắt trâu dê” để nói mắt phàm tục. Thiền tông dùng “dê chạm mũi” để tỷ dụ người học mê muội không biết Pháp. Vì mắt dê không phân biệt được thức ăn, cái gì chạm vào mũi là ăn, nên mới dùng nó để tỷ dụ.

9. Lợn

Trong Phật Pháp, Lợn tiêu biểu cho tính ngu si của sinh mệnh.

10. Chó

Trong Phật Pháp, chó đại diện cho nhị độc “Tham, sân”.

11. Mèo

Trong Thiền tông, mèo được ví với người hoàn toàn vô tri mù tịt về giáo lý nhà Phật. Như “Mèo đen bò trắng” chỉ động vật không biết gì, dùng để tỷ dụ người không hiểu Phật Pháp.

12. Chuột

Trong kinh Phật thường có 2 loại chuột màu đen và trắng để tỷ dụ thời gian, ý nói sinh mệnh vô thường.

13. Khỉ

Khỉ để tỷ dụ tâm xằng bậy của kẻ phàm phu.

Do tâm tính hiếu động, nông nổi, khó bắt, khó điều phục, thường bỏ một lấy một, cho nên trong kinh điển thường dùng khỉ để tỷ dụ tâm xằng bậy của kẻ phàm phu.

14. Hươu

Theo “Tỳ nại da tạp sự”(Các câu chuyện ở Vinaya) ghi chép, Phật trong đời quá khứ đã từng là vua hươu, vì cứu bầy hươu nên đã mất đi tính mạng, và khi lâm chung đã phát nguyện rằng, sau này trở thành Vô Thượng Chính Đẳng Giác sẽ độ hươu thoát khỏi lưới sinh mệnh.

15. Thỏ

Thỏ trong “Nhất thiết trí quang minh tiên nhân từ tâm nhân duyên bất thực nhục kinh” (Kinh tất cả các tiên nhân trí sáng suốt, các nhân duyên từ tâm không được ăn thịt) chép: Trong các đời của Phật, Ngài đã từng là vua thỏ, vì để Phật Pháp có thể ở lâu dài với thế gian, vua thỏ tự nguyện nhảy vào trong lửa, cúng dường tiên nhân, tiên nhân do đó mà đau buồn, phát nguyện sẽ không ăn thịt nữa

Kinh Phật cũng dùng lông thỏ biểu thị hiện tượng vật chất cực kì vi tế, như “Bụi lại có bụi nhỏ, bụi nước, bụi lông thỏ, bụi lông dê…”. Kinh Phật còn dùng “Lông rùa sừng thỏ” để tỷ dụ những cái không thể có được.

16. Rùa

Kinh Phật thường dùng rùa vàng (Kim quy) để ví với Phật tính thấu hiểu sinh tử, nghĩa là có thể đến bờ biên kia của cõi niết bàn. Thuyết rằng con người nếu hiểu Phật tính sẽ có thể bơi qua biển sinh tử,  tới cõi niết bàn, giống như rùa có thể bơi dưới nước và lên trên cạn vậy. Ngoài ra trong kinh Phật còn dùng “Quy tàng lục” (Rùa thu giấu 6 bộ phận thân thể) để ví với việc Phật tử nên giữ gìn lục cănthanh tịnh, giống như rùa giữ gìn đầu, đuôi và tứ chi của mình. Quy tàng lục gồm:

1. Rùa thu giấu đầu ví với chúng sinh giữ cho mắt mình luôn thanh tịnh.

2. Rùa thu giấu chân trái trước, ví với chúng sinh giữ gìn đôi tai của mình, không nghe những âm thanh tạp loạn, mê hoặc bên ngoài thì tất cả những điều trần tục không thể làm rối loạn tâm can.

3. Rùa thu giấu chân phải trước ví với chúng sinh giữ gìn chiếc mũi của mình, không ngửi những hương vị nơi phàm trần, thì tất cả mùi hương nơi phàm trần cũng không thể nhiễu loạn tâm trí.

4. Rùa thu giấu chân trái sau ví với chúng sinh giữ gìn chiếc lưỡi, vị giác của mình, không nếm bất kể mùi vị gì, thì tất cả các mùi vị trên cõi thế gian cũng không thể xâm phạm.

5. Rùa thu giấu chân phải sau, ví với chúng sinh giữ gìn thân thể, không động chạm thì tất cả xúc giác phàm tục cũng không thể làm hại mình.

6. Rùa giấu đuôi, ví với chúng sinh giữ gìn ý niệm, không biết tới pháp nơi trần tục thì tất cả các pháp ấy cũng không thể nhiễu loạn tâm ý chúng sinh.

17. Sài (chó rừng), lang (chó sói)

Phật giáo thường dùng hai loại động vật này để tỷ dụ địa ngục ghê sợ. Như trong 16 tiểu địa ngục thì có “Sài lang địa ngục”. Trong đó, chó rừng và chó sói tranh nhau cắn xé tội nhân, làm thịt nát xương tan, máu chảy như nước, vô cùng đau khổ. Trong kinh Phật cũng dùng “sói tham” để hình dung mức độ tham dục quá mức như đặc tính của sói vậy.

18. Công

Do công có thể ăn tất cả các loài trùng độc nên trong kinh điển Phật giáo, công thường tượng trưng cho Bản Tôn (Phật, Bồ Tát) có thể nhận hết ngũ độc, phiền não của chúng sinh.

Trong “Bạch bảo khẩu sao” có ghi, đuôi công biểu thị trừ tai họa, đuôi công 3 cọng biểu thị giũ bỏ tam độc tham, sân, si, để đắc chứng Tam bộ Như Lai. Đuôi công 5 cọng biểu thị giũ bỏ phiền não ngũ thức nhãn, nhĩ, tị, thiệt, ý (Mắt, tai, mũi, lưỡi, ý), để đắc chứng quả vị Ngũ trí viên giác.

Công thường tượng trưng cho Bản Tôn (Phật, Bồ Tát) có thể nhận hết ngũ độc, phiền não của chúng sinh

19. Ngỗng

Trong kinh điển nhà Phật thường dùng vua ngỗng để tỷ dụ lúc Phật bước đi, dáng vẻ an tường, chậm rãi. Như “Ương quật ma la kinh” (Kinh Angulimala) có ghi, “Lúc đó, Thế Tôn như vua ngỗng an tường bước đi 7 bước”. Trong “Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh” (Kinh Kinh Hoa Nghiêm Phật Đại Phương Quảng) thì đưa ra vua ngỗng trên trời có 5 chủng công đức:

  1. Cảm hóa, hòa hợp tùy thời
  2. Tiếng kêu vô úy
  3. Ăn vừa đủ thích hợp
  4. Tâm không phóng túng an dật
  5. Không nghe lời xiểm nịnh của các loài chim.

20. Gà

Trong kinh điển Phật giáo, gà là một trong 12 con giáp. Theo “Đại phương đẳng đại tập kinh – tịnh mục phẩm” (Tập kinh Đại Phương Đẳng – phần đôi mắt thanh tịnh) có ghi: 12 con giáp cứ 12 ngày ngày lại đổi phiên canh gác một lần, thường là 12 con giáp đi khắp nơi giáo hóa chúng sinh tại Diêm Phù Đề.

12 con vật giáp là do Bồ Tát hiển hiện nhằm giáo hóa độ chúng sinh. Trong suốt một ngày một đêm sẽ có một con vật đi khắp nhân gian cảm hóa chúng sinh; những con vật còn lại thì cư ngụ một cách yên ổn, cứ quay vòng luân phiên như vậy. Trong kinh điển Phật giáo cũng từng dùng hình ảnh chú gà vàng để ví với bản thân chúng sinh vốn đã có tâm thanh tịnh. Trong “Tạo tượng độ lượng kinh” (Kinh độ lượng tạo hình) thì lấy hình ảnh “khuôn mặt tròn như trứng gà” để hình dung gương mặt của Bồ Tát.

21. Bồ câu

Bồ câu cũng là động vật thường thấy trong các kinh điển Phật giáo. Như khi hiển thị đồ hình luân hồi “Ngũ thú sinh tử luân” của chúng sinh nơi ngũ thú, địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, người, trời, sinh tử lưu chuyển không ngừng, bồ câu biểu thị cho phiền não của lòng tham.