Gần 90 tuổi vẫn còn bơm vá xe, triết lý sống mà cụ theo đuổi khiến con cháu đều tấm tắc
Ở cái nơi tưởng như thật nhộn nhịp ấy, nếu đi chậm lại, nhìn ngắm kĩ hơn bạn có thể bắt gặp những con người thầm lặng nhưng khó quên. Một cụ bà 88 tuổi vẫn đang ngày ngày làm công việc … bơm vá xe sẽ cho bạn nhiều suy ngẫm về cuộc sống này.
Đi dọc con đường Đê La Thành rợp bóng cây, bạn có lẽ nhiều lần đã đi qua một bà cụ có dáng người nhỏ thó đang thảnh thơi ngồi ngắm phố phường bên chiếc làn nhỏ đựng đồ nghề và một chiếc bơm xe. 20 năm nay bộ đồ nghề đơn giản ấy đã giúp cụ bà Nguyễn Thị Vân (88 tuổi) trang trải cuộc sống của mình.
Người dân ở khu phố ai cũng biết cụ bà làm nghề bơm vá xe này, người ta còn trìu mến gọi cụ là “cụ vá xe”. Cái tên thân thương ấy phần nào cũng thể hiện được sự khâm phục của mọi người với bà. Hình ảnh các cụ ông kiên nhẫn ngồi bên chiếc bơm xe từ sáng sớm tới tối muộn đã trở thành quen thuộc, nhưng một cụ bà đứng bơm xe hay lụi cụi tháo lốp, vá xăm thì quả thật là hiếm thấy.
Bơm xe đạp, xe máy tưởng chừng là công việc thật đơn giản. Nhưng nếu đã một lần thử dùng chiếc bơm, bạn sẽ hiểu, nó cần nhiều sức lực như thế nào, nhất là đối với phụ nữ.
Nhìn bề ngoài, không ai nghĩ rằng với dáng hình nhỏ bé, đôi bàn tay còn run run khi cầm miếng bánh chưng – một phần trong bữa trưa của cụ ngày giá rét – cụ Vân có thể làm công việc này lâu tới như vậy. Cụ hóm hỉnh chia sẻ rằng tay cụ khi ăn thì run thế, nhưng thật lạ là khi làm việc thì “cái run ấy nó cũng đi đâu mất, chẳng thấy run chút nào”.
Cụ kể, có lần khách thương cụ già cả, tay chân yếu ớt liền tranh việc tháo lốp, săm ra khỏi vành xe. Nào ngờ, họ loay hoay cả nửa tiếng đồng hồ vẫn không làm được, trong khi cụ chỉ mất dăm phút là cái nào ra cái đó. Cụ Vân vui vẻ: “Thế mới có câu, gừng càng già càng cay”.
Nói đến thời tiết, ngày nắng cũng như ngày mưa, cụ vẫn đều đặn xách làn, cầm bơm ra chỗ ngồi quen thuộc, chăm chỉ như một chú ong thợ. Cụ kể ngày nào cụ cũng ngồi ở góc này từ 6 giờ sáng đến 6, 7 giờ tối. Hôm nào có khách, cụ sẵn sàng làm “tăng ca” thêm vài ba tiếng nữa.
Ngay cả cái rét cắt da, cắt thịt của mùa đông xứ bắc này cũng chẳng khiến tinh thần làm việc của cụ suy chuyển: “Lạnh 10 độ C tôi vẫn ngồi, rét hơn nữa thì chịu. Tôi được cái không tê chân, cũng chẳng đau lưng, có thể ngồi hai ngày liền không mệt”.
Không biết có phải do thói quen làm việc hay không, cụ Vân tuy đã gần 90 tuổi nhưng có một sức khỏe mà nhiều người mơ ước. Mắt cụ vẫn sáng, thính tai, giọng nói rõ ràng, bước chân có hơi chậm chạp nhưng dáng người vẫn thẳng.
Cụ Vân tâm sự, cụ có bốn người con (hai trai, hai gái). Các anh chị đều đã yên bề gia thất, nhưng không gia đình nào có hoàn cảnh dư dả. Ai cũng phải vất vả kiếm tiền lo cho cuộc sống, lo cho con cái học hành. Đó cũng là lý do 20 năm trước, khi đã đến cái tuổi có thể an hưởng, nghỉ ngơi, cụ Vân vẫn quyết định kiếm cái bơm và bộ đồ nghề vá săm để bắt đầu một cái nghề mới. Cụ không muốn làm gánh nặng cho con cái, hơn nữa cụ cũng muốn có thể đỡ đần các con.
Đi bơm vá xe, cụ Vân cũng kiếm thêm được ngày nhiều là 100 ngàn, ngày ít thì cũng dăm chục. Cụ cứ làm và tích cóp từng món nhỏ như thế mỗi ngày. Đến cuối tháng cũng có thể góp cho con trai thứ ba 1 triệu tiền ăn, còn cho một người con khác khó khăn hơn một khoản nho nhỏ như một sự giúp sức, động viên.
Nói chuyện nhiều hơn với cụ, chúng ta sẽ còn khám phá ra một triết lý hết sức đáng yêu và đáng quý mà cụ vẫn áp dụng vào công việc.
“Còn khỏe là còn phải lao động”, “còn khỏe là còn vá săm, đến khi nào liệt giường mới chịu”. Một cách khái quát, triết lý của cụ chính là có sức khỏe để làm việc là một điều vô cùng may mắn.
Công việc đem tới cho cụ Vân sức khỏe, sự minh mẫn và một nguồn vui rất lớn. Mỗi ngày đi làm, khi chưa có khách, cụ lại thong dong ngắm phố, ngắm người. Có lúc lại vui vẻ chuyện trò, chia sẻ với những người xung quanh. Cụ vẫn hòa mình vào cuộc sống hiện đại này theo cách rất riêng. Niềm vui giản dị nhưng quý giá ấy làm sao có được nếu chỉ quanh quẩn trong nhà.
Ai đến sửa xe chỗ cụ, hay biết cụ rồi khi nhìn thấy cụ ngồi đó với khuôn mặt hồng hào, vui vẻ đều cảm thấy trong lòng có điều gì đó vui vui. Có lẽ họ đã hiểu: Hóa ra cuộc sống này đơn giản vậy mà sao mình lại cứ làm nó phức tạp lên.
Con người chỉ cần có sức khỏe, có công việc để cố gắng, có tiếng cười là gần như có tất cả rồi, phải vậy không? Nhìn cụ Vân ai cũng sẽ gật đầu: Phải, chỉ cần cái bình yên và giản dị ấy thôi.
Hà Nội đẹp hơn nhờ những người như cụ – những con người cứ lặng thầm sống tốt, lặng thầm kiên nhẫn với những khó khăn trong cuộc sống. Họ có môt tâm hồn thật thảnh thơi để tận hưởng cái thanh bình mà cuộc sống mến trao, sau những thử thách gian nan.
Nếu một khi nào đó bạn cảm thấy chán nản, mất động lực, hãy thử vòng xe qua con đường Đê La Thành tìm cụ, mua một chiếc thẻ điện thoại của cụ, có thời gian thì nói chuyện với cụ một chút. Biết đâu, trên đường về nhà, bạn sẽ cảm thấy ý nghĩa của cuộc sống quay trở về, nằm yên ấm bên trong tự lúc nào. Bạn cũng sẽ khám phá ra rằng bản thân đã có thêm năng lượng và cảm hứng để kiên nhẫn hơn với những khó khăn trong cuộc sống.
Và biết đâu sau cuộc gặp gỡ ấy, bạn sẽ lại gật đầu xuýt xoa “Hà Nội đẹp như vậy đó!”. Để rồi yêu thành phố nhỏ bé này, yêu những con người như cụ Vân và yêu cuộc sống thêm một chút nữa …
Theo daikynguyen