Đức Phật khai thị vì sao con người sẽ quên đi kiếp trước (P.1): Hạt giống và cây cổ thụ
Đức Phật cùng với chúng đệ tử vào một ngày nọ nghỉ ngơi dưới một gốc cây cổ thụ ngoài thành La Duyệt Chỉ, có một vị tỳ kheo vừa mới xuất gia tên là Kiến Chánh. Cậu này đang suy nghĩ một vấn đề: Đức Phật nói rằng con ngươi ta đều có đời trước của mình, thế nhưng con người tại sao đều không nhớ rõ?
Đức Phật khai thị, nguyên nhân không nhớ được đời trước
Khi Kiến Chánh muốn hỏi Đức Phật, Đức Thế Tôn vốn đã biết trước mọi chuyện liền nói rằng:
“Này các đệ tử, chư vị hãy nhìn xem cái cây này, vốn dĩ chỉ là một hạt giống, giờ đây đã lớn thành một cây cổ thụ um tùm. Ban đầu khi còn là hạt giống, còn chưa có rễ, thân, lá và quả, dưới tác dụng nhân duyên của đất, nước, nắng, gió, hạt giống mới nảy mầm; mầm cây lại sinh ra thân cây, thân cây lại sinh ra lá, lá rồi lại sinh hoa, hoa lại kết thành quả, qua nhiều biến đổi, tuy từ một hạt giống ban đầu nhưng nay đã không còn là hạt giống ấy nữa. Chư vị nói xem, những rễ, thân, hoa, quả này còn có thể biến trở lại thành hạt giống ban đầu hay không?”
Chúng đệ tử đều trả lời: “Thưa Đức Thế Tôn, không thể ạ!”.
Đức Phật nói với chúng đệ tử: “Chuyện sinh tử cũng là như vậy, u mê không rõ là căn nguyên, cũng tương tự như hạt giống của cái cây vậy, hạt giống tuy nhỏ nhưng lại có thể mọc thành cây cổ thụ. U mê không rõ sinh hành (hành vi), hành sinh thức (nhận thức), thức sinh danh sắc, danh sắc sinh lục nhập (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), lục nhập sinh xúc (cảm xúc), xúc sinh thọ (cảm thụ), thọ sinh tham ái, ái sinh chấp trước, chấp trước sinh hữu, hữu đi đến sinh, sinh đi đến già chết, hợp thành mười hai nhân duyên. Đã có thân thể, chính là có già chết.
Sau khi chết rồi tâm thức thuận theo những việc làm thiện ác lúc còn sống, đi đến kiếp sau, gặp được cha mẹ có duyên, lại nhận được hình thể, sinh khởi lục căn mới, nhiễm tập khí mới, nhận khổ lạc khác, thêm vào biến đổi của hoàn cảnh, đều đã không còn giống đời trước nữa, không thể trở về thân thể ban đầu nữa; giống như cây cổ thụ không thể biến trở lại thành hạt giống nữa vậy”.
Đức Phật khai thị, nguyên nhân tâm thức không trở về
Tỳ kheo Kiến Chánh rời khỏi chỗ ngồi, quỳ xuống hỏi Đức Phật rằng: “Con từ khi sinh ra cho đến nay, nhìn thấy không ít người qua đời. Ví như cha con, anh em, vợ chồng, bạn bè, kẻ thù ly biệt, hoặc là yêu nhau, ghét nhau, cớ sao không thấy tâm thức sau khi chết trở về hiển hiện trước mặt những người còn sống? Là cái gì đã khiến tâm thức có sự ngăn cách? Mong Thế Tôn lần lượt giải nói, để chúng con đoạn trừ nghi hoặc”.
Sau đó, Đức Phật đã đưa ra các loại ví dụ để trả lời câu hỏi của Kiến Chánh.
1. Ví dụ của vật thể
Đức Phật nói: “Tâm thức không có hình tượng, nếu như bản thân làm việc lành, thì tâm thức sẽ theo nghiệp lành chuyển sinh, không thể trở về được. Tại sao vậy? Ví như đem quặng sắt luyện thành sắt, sau khi thành sắt thì đúc thành vật dụng, thử hỏi số vật dụng đó còn có thể phục hồi trở lại là quặng sắt hay không? Tâm thức rời khỏi thân thể, cũng giống như quặng sắt đã được luyện thành sắt, tâm thức lại nhận thân thể mới, thì là giống như đem sắt luyện thành vật dụng, hình thể ban đầu đã biến mất thay đổi rồi, không thể hồi phục trở lại thành tâm thức ban đầu nữa.
Đời này thọ trì ngũ giới, đời sau đắc được thân người, có một cha mẹ khác, tâm thức bèn có 6 loại chướng ngại: Một là ở trong cõi âm, không được trở về; hai là vào bên trong bào thai; ba là khi ra khỏi bào thai rồi quên đi ký ức trước đây, bốn là sau khi cất tiếng khóc chào đời mà quên mất tâm thức trước đây, từ đó sinh thành nhận thức mới; năm là sau khi sinh ra liền ham muốn thức ăn, quên mất tâm thức trước đây; sáu là dần dần lớn lên, tiếp nhận thói quen sự vật mới, quên đi tâm thức trước đây.
Ví như thương nhân chu du bốn phương các nước, nếu như trong tâm chỉ nghĩ đến một phương hướng, thì sẽ không nghĩ đến ba phương hướng còn lại. Tâm thức là vì sáu loại ngăn trở này, không thể khôi phục về hình trạng ban đầu, giống như hạt giống mọc thành cây, khoáng luyện thành sắt, vậy nên không thể trở về báo cáo với người ta. Lại ví như nhà làm gốm lấy lửa nung đất thành gốm, gốm không thể khôi phục thành đất nữa. Lại ví như một cái cây lớn, thợ mộc chặt nó xuống, điêu khắc thành các loại dụng cụ tinh xảo, nếu như có người tập hợp những dụng cụ này lại, muốn để chúng trở lại thành cái cây, điều này có làm được không?”
Chúng đệ tử trả lời: “Không làm được”.
Đức Phật nói:
“Tâm thức đối với những việc làm thiện ác của một đời này, sau khi chết đi sẽ thuận theo nghiệp lực mà hoán chuyển thân thể mới. Những gì đã thấy đã làm, đều không còn là thân thể trước đây nữa, không thể trở về trước mặt người ta, giống như cái cây đã chặt không thể tập hợp đồ gỗ lại khiến nó sống lại thành cái cây được. Lại ví như thợ hóa chất nung cát đá thành nhiên liệu màu đỏ lại chuyển sang màu trắng, lại chuyển sang thể lỏng, nhiên liệu không thể biến trở lại thành cát đá được nữa.
Lại ví như nước được để trong cái bình hình tròn, hình dạng của nước cũng theo đó mà biến thành hình tròn; nếu là cái bình hình vuông, hình dạng của nước cũng hiện thành hình vuông.
Sinh tử cũng là như vậy, tâm thức vốn không có hình thể cố định, thuận theo việc làm thiện ác mà đi chuyển sinh vào thân thể tương ứng; có người thì trắng, có người thì đen, cao, lùn, có người thì khổ nhiều vui ít, có người thì vui nhiều khổ ít, đều là thuận theo những thiện ác đã làm; giống như hình thể của nước biến hóa theo cái bình vậy”.
(Theo Tinhhoa)