Cặp vợ chồng già hoàn thành ước nguyện được chết trong vòng tay nhau: Hạnh phúc đôi khi chỉ là được bên nhau!
Sau 75 năm chung sống hạnh phúc, cặp vợ chồng già hoàn thành ước nguyện được chết trong vòng tay nhau. Câu chuyện khiến ai cũng phải suy ngẫm về hạnh phúc gia đình và tình nghĩa vợ chồng…
Trước khi đến với câu chuyện xúc động ấy, tôi nhớ rằng cũng từng có câu chuyện kể rằng một vị vua tàn độc muốn khai phá một vùng đất lạ mà không tốn nhiều công sức nên đã thử đưa một người đàn ông và người đàn bà tới đó rồi yêu cầu: ‘Các ngươi hãy sống và phát triển giống nòi, một năm sau ta sẽ quay trở lại’.
Một năm trôi qua, ông trở lại vào lúc rạng đông, thì thấy người đàn ông và người đàn bà ngồi trước ngôi nhà tranh, quanh họ là đồng lúa chín vàng, cạnh họ là chiếc nôi có đứa trẻ đang ngủ. Họ nhìn nhau trong ánh mắt ngời lên vẻ đẹp mà ông chưa từng thấy bao giờ, vẻ đẹp lung linh hơn cả bầu trời, êm ả, hơn làn gió, ấm áp hơn cả vầng dương. Ông run lên vì xúc động: Ta chưa từng tạo ra vẻ đẹp đó… nó sinh ra từ đâu nhỉ? Hai người họ nhìn ông ôn tồn trả lời: “Thưa Ngài, vẻ đẹp ấy chính là tình yêu… và chỉ có cái chết mới có thể chia lìa được chúng tôi.”
Và trong câu chuyện được kể dưới đây, cái chết dường như cũng trở nên bất lực trước tình yêu của con người…
Ông Alexander Toczko, 95 tuổi và vợ mình, bà Jeanette Toczko, 96 tuổi sinh sống ở San Diego, California, Mỹ, qua lời kể của con cháu, đã “hẹn hò” với nhau từ thuở mới lên 8. Họ kết hôn vào năm 1940, sinh được 5 người con cả trai, cả gái. Điều hai người ghét nhất trong cuộc đời đó là phải xa nhau, dù chỉ… một ngày.
Nói về tình yêu ngọt ngào của cha mẹ mình, cô con gái Aimee Toczko-Cushman chia sẻ: “Đã từ rất lâu rồi, trái tim của họ luôn đập cùng một nhịp” .
“Cha tôi lúc nào cũng để bức ảnh mẹ tôi mặc lễ phục trong ví của ông”, Aimee nói thêm.
Sức khỏe ông yếu đi nhanh chóng. Và thật kỳ lạ, khi sức khỏe của ông có vấn đề, sức khỏe của bà cũng giảm sút theo, nhưng không vì thế mà tình yêu của họ thay đổi.
Khi đôi chân không còn nghe lời mình, ông Alexander chỉ có thể nằm trên giường bệnh. Thấy vậy, bệnh viện chăm sóc người cao tuổi ở địa phương đã mang một chiếc giường chuyên dụng đến cho ông. Ông yêu cầu họ đặt chiếc giường đó bên cạnh giường của người vợ ông yêu thương. Aimee nhớ lại, cha mẹ cô luôn luôn nói: “Họ muốn luôn ở bên nhau, nắm tay nhau khi đi ngủ.”
Vào khoảng giữa tháng 6, khi cả hai ông bà đều đã rất yếu, như biết được khoảng thời gian của mình không còn nhiều nữa, bà Jeanette liên tục hỏi các con: “Hôm nay là ngày bao nhiêu?”
Con gái bà trả lời rằng: “Bây giờ đang là tháng 6 mẹ ạ”. Rồi bà nói ngày 29 tháng 6 là kỷ niệm ngày cưới lần thứ 75 của ông bà, ánh mắt bà lấp lánh hạnh phúc.
Thế nhưng, giây phút tuyệt vời ấy chưa đến thì vào ngày 17-6, ông Alexander trút hơi thở cuối cùng, bên cạnh là người vợ đầu ấp tay gối của ông. Bà Jeanette lúc đó cũng đã quá yếu, nghe con gái nói sát vào tai rằng ông đã từ trần, bà gắng gượng quay sang ôm lấy ông, nghẹn ngào nói: “Điều ông mong mỏi đã được thực hiện rồi này… Ông ra đi trong vòng tay tôi và tôi yêu ông. Tôi yêu ông… hãy đợi tôi nhé… tôi sẽ đi theo ông ngay đây.”
“Tôi biết trong thời khắc ấy mẹ tôi không muốn kéo dài thời khắc xa cha quá lâu”, Aimee tâm sự.
“Y tá của viện dưỡng lão chia sẻ cô chưa bao giờ được chứng kiến một điều kỳ diệu như thế. Hai vợ chồng sống với nhau hạnh phúc 75 năm và ra đi gần như cùng một lúc”. Có lẽ, Thượng Đế cũng không muốn bất kỳ ai trong họ phải chịu đựng sự cô đơn khi vắng bóng một nửa còn lại, khi họ đã dành toàn bộ cuộc đời cho nhau. Để họ bên cạnh nhau trong giây phút cuối cùng là sự từ bi của Ngài dành cho hai tâm hồn thủy chung, son sắt.
“Cả hai người họ đã nắm tay nhau đi qua cánh cổng thiên đường”. Cuối cùng, hai ông bà an nghỉ tại nghĩa trang quốc gia Miramar ở San Diego.
Chuyện tình lãng mạn đầy xúc động của Alexander và Jeanette Tockzo kết thúc ngọt ngào như khi nó bắt đầu. Hôn nhân hạnh phúc mà họ có được trong suốt một kiếp người không đến từ tiền bạc, vật chất cao sang. Mỗi ngày họ sống bên nhau là mỗi ngày của yêu thương, trân trọng và đồng cảm.
Ông cha ta vẫn thường dạy con cháu: Để có được hôn nhân “trăm năm hạnh phúc”, vợ chồng cần “tôn trọng nhau như khách” (tương kính như tân), “hoạn nạn có nhau”. Điều này quả thật vô cùng chí lý. Hôn nhân đại sự đều là duyên tiền định nên người xưa rất coi trọng đạo lý vợ chồng. Con người ngày nay bị những suy nghĩ ‘hiện đại’ chi phối khiến họ chỉ coi trọng vật chất, tiền tài, địa vị và lầm tưởng đó mới là giá trị để làm nên hạnh phúc.
Không chỉ người phương Đông, người phương Tây cũng có câu: “House is not a home”, ý nói: ngôi nhà, dù có to đẹp tiện nghi đến đâu, nếu không có những con người hạnh phúc, biết nghĩ đến người khác, sống trong đó, thì cũng không tạo nên một mái ấm.
Trong xã hội ngày nay, thuận theo trào lưu phát triển, những lễ giáo và đạo đức truyền thống bị xem nhẹ và cho là có phần lạc hậu. Điều này vô hình chung tạo ra quan niệm cổ xúy và bảo vệ quyền tự do cá nhân một cách hết sức cực đoan, kéo theo biết bao hệ lụy. Biết bao cặp vợ chồng ra tòa ly dị vì những lý do vô cùng đơn giản, biết bao trẻ thơ bơ vơ thiếu vắng tình thương yêu của cha mẹ… Giá mà trong mọi mâu thuẫn vợ chồng, chúng ta biết quay lại nhìn vào bản thân, chỉ tìm lỗi ở chính mình, thì hạnh phúc đến “đầu bạc răng long” như cặp đôi trong câu chuyện sẽ không còn là ước mơ không với tới được.