Bị bố mẹ chồng đuổi không cho lại gần con trai, người mẹ trẻ gửi đơn cầu cứu suốt 2 năm mới được đón con về
Sống ở gia đình chồng luôn bị soi mói, chị Hạnh đau đớn ôm bụng bầu về nhà mẹ đẻ. Đến khi sinh con trai thì chồng đến đón về nhưng sau đó lại bị bố mẹ chồng đuổi đi, cướp trắng quyền làm mẹ. Ròng rã gần 2 năm đi cầu cứu khắp nơi, chị Hạnh đã đón được con trai về nhà.
Gần 600 ngày mẹ không nhìn thấy mặt con
Trao đổi với chúng tôi ngày 2-4, chị Nguyễn Thị Hạnh (ngụ Đồng Nai) cho biết, sau gần 2 năm trời ròng rã đấu tranh giành lại quyền nuôi con từ gia đình chồng, chị cũng đã đón được bé Lê Đức Tài (SN 2016) về nhà vào cuối tháng 3-2018.
Theo đó, chị Hạnh và anh Thành kết hôn vào năm 2015, có đăng ký tại TP Biên Hòa (Đồng Nai). Tuy nhiên trong quá trình sinh sống, hai vợ chồng nảy sinh nhiều mâu thuẫn không thể hàn gắn được. Sau khi chị Hạnh có thai, vì muốn con trai ly hôn với chị Hạnh nên bố mẹ chồng bắt chị bỏ đứa con. Thương đứa bé vô tội trong bụng, chị quyết định về nhà bố mẹ đẻ để sinh và nuôi con một mình.
Ròng rã suốt gần 2 năm đấu tranh, giây phút hạnh phúc nhất của người mẹ khi biết được sắp gặp lại con trai.
Tuy nhiên, sau khi hạ sinh được một bé trai kháu khỉnh, anh Thành đã xuống thăm và đón hai mẹ con chị Hạnh về lại Biên Hòa. Tại đây, mâu thuẫn giữa chị Hạnh và bố mẹ chồng tiếp tục xảy ra, đỉnh điểm vào tháng 8-2016, chị Hạnh bị gia đình chồng đuổi đi, ngăn cấm không cho gặp con trai (khi đó bé được 7 tháng tuổi).
Quá bức xúc trước việc bị tước đoạt quyền làm mẹ, chị Hạnh đã nộp đơn đến TAND TP Biên Hòa xin ly hôn và yêu cầu được nuôi con. Kết quả tại hai phiên tòa sơ thẩm (23-11-2016) và phúc thẩm (16-3-2017), TAND TP Biên Hòa và TAND tỉnh Đồng Nai đều quyết định giao con cho chị Hạnh trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng bởi đứa trẻ còn quá nhỏ, cần tình thương yêu của người mẹ. Tuy nhiên, anh Thành kiên quyết không giao đứa trẻ cho chị Hạnh.
Sau đó, phía Thi hành án cũng liên tiếp ban hành nhiều quyết định buộc anh Thành giao bé Lê Đức Tài (SN 2016) cho chị Hạnh nhưng các quyết định này đều không được thi hành do gặp phải sự phản kháng của gia đình anh Thành.
Ròng rã gần 2 năm trời lặn lội từ dưới nhà mẹ đẻ (xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc) đến TP Biên Hòa gõ cửa các cơ quan chức năng, mong sớm được giành lại quyền nuôi dưỡng bé Tài từ gia đình chồng. Chị Hạnh cho biết chưa một giây phút nào chị không nghĩ đến con, đong đếm từng ngày để được gặp lại.
“Cứ cách vài tháng, tôi lại bắt xe đò lên TP Biên Hòa đến nhà chồng tìm gặp con nhưng đều bị cấm cản… Tôi không biết làm sao để được gặp con. Suốt gần 2 năm trời, chưa một giây phút nào tôi không nhớ đến con trai của mình”, chị Hạnh tâm sự.
Trong khi đó, về phía anh Thành cho biết sở dĩ không giao bé Tài cho chị Hạnh bởi theo anh, trong quá trình sinh sống chị Hạnh có dấu hiệu không ổn định về mặt thần kinh, nhiều lúc cư xử không đúng với bố mẹ chồng và hay đánh đập, hành hạ con cái, lại không có thu nhập ổn định để nuôi con.
Rớt nước mắt khi đón được con trai về nhà
Theo chị Hạnh, sau gần 2 năm trời đi đòi quyền nuôi con, chị đã bật khóc khi nhận được quyết định giao bé Tài cho chị chăm sóc vào ngày 27-3-2018.
“Trước ngày lên Biên Hòa đón bé, tôi không thể nào chợp mắt được. Những ngày tháng qua, lúc nào tôi cũng nghĩ đến con. Không biết nó gặp tôi, có lạ lẫm và không nhận ra người mẹ của nó hay không”, chị Hạnh tâm sự.
Chị Hạnh vẫn còn nhớ như in buổi sáng hôm 27-3, chị cũng lặn lội từ Lang Minh để lên Biên Hòa, nhưng khác hẳn với mọi lần, ngày hôm ấy chị đã được gặp lại con trai của mình bằng da bằng thịt, không còn là những bức ảnh và xấp giấy tờ dày cộm của những đơn từ kêu cứu, quyết định thi hành nữa.
“Lúc nhìn thấy bé Tài, tôi đã khóc. Cảm giác sau bao nhiêu tháng ngày đằng đẵng chờ đợi, giây phút được gặp lại con nó khó tả lắm. Tôi hạnh phúc vì mình đã không bỏ cuộc, kiên trì đấu tranh để giành lại quyền làm mẹ vốn dĩ thuộc về tôi. Cũng may gặp bé nó không lạ mẹ, sau một lúc vui chơi cùng con, bé không hề khóc lóc mà ngoan ngoãn theo tôi về nhà”, chị Hạnh nói.
Sau khi đón được bé Tài, chị Hạnh tiếp tục cuộc sống thường ngày tại gia đình bố mẹ đẻ ở xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc. Để có tiền trang trải cuộc sống, đồng thời cho Tài được đi học mầm non, chị Hạnh buôn bán trái cây ở chợ Lang Minh với thu nhập khoảng 300.000 đồng mỗi ngày. Ngoài ra, chị còn phụ bán tạp hóa và chăm sóc vườn tiêu của gia đình.
“Suốt gần 2 năm qua, ngoài việc đi cầu cứu cơ quan chức năng để đón được bé Tài về nhà, tôi cũng cố gắng làm lụng để dành dụm chút ít mà lo cho tương lai sau này của bé. Giờ bé đã về với tôi, dù có vất vả thế nào tôi cũng vì con mà cố gắng, bù đắp những mất mát suốt gần 2 năm trời bé sống thiếu mẹ”, chị Hạnh tâm sự.
Như trước đó chúng tôi đã thông tin, sau khi TAND sơ thẩm và phúc thẩm đều trao quyền nuôi con cho chị Hạnh nhưng anh Thành vẫn kiên quyết không giao bé Tài. Chị Hạnh đã nộp đơn cầu cứu đến cơ quan chức năng và cơ quan truyền thông, tha thiết mong được thi hành bản án để đón con về nhà chăm sóc. Sau gần 2 năm trời nỗ lực, được sự hỗ trợ của các cơ quan pháp luật và báo chí, chị Hạnh đã đón được bé Tài về nhà trong niềm vui sướng, hạnh phúc ngập tràn.
Theo Helino