Bà lão sửa giày nhận nuôi đứa trẻ bị vứt bỏ bên đường, 10 năm sau mới biết thân phận cô bé thật không bình thường
Bà Lưu 65 tuổi sống cùng cô cháu gái tên Lưu Thu Hương. Tuy nhiên giữa họ không có bất kỳ quan hệ máu mủ nào bởi vì bà đã nhặt nuôi Thu Hương từ bên lề đường 10 năm về trước.
Chồng bà Lưu mất sớm để lại một mình bà sửa giày kiếm sống trên ngõ nhỏ. Lúc chồng còn sống, hai vợ chồng bà không có con cái gì, mặc dù sinh hoạt khó khăn nhưng lúc đó bà vẫn cảm thấy cuộc sống rất hạnh phúc.
Một hôm, bà đang sửa giày cho khách thì chợt nghe thấy tiếng trẻ em khóc lóc nỉ non từ xa vọng lại nghe rất bi thương. Thấy vậy bà Lưu không khỏi buột miệng mắng rằng cha mẹ nhà nào sao không trông nom con cẩn thận mà để bé khóc ghê gớm thế. Bởi bà hiểu, nếu được chăm nom cẩn thận thì đứa trẻ đã không khóc như vậy. Thế nhưng đứa bé cứ khóc mãi mà không ngớt, âm thanh càng lúc càng lớn và khóc càng dai hơn. Sửa giày xong, bà không nhịn nổi liền cau mày lần theo tiếng khóc tìm xung quanh.
Khi nhìn thấy cảnh tượng trước mắt, bà Lưu cảm thấy dường như có điều gì đó không đúng lắm. Bà nhìn quanh nhưng không thấy ai, chỗ đó lại là nơi vắng người qua lại, chỉ thấy một em bé được đặt trong một tấm chăn bông nằm ở đó. Bên cạnh bé còn có túi quần áo và tờ giấy ghi ngày tháng. Vừa nhìn thấy, bà Lưu liền hiểu ngay đây là một em bé bị bỏ rơi.
Ôm đứa trẻ về, bà Lưu kể lại sự tình và nhờ người tìm cha mẹ của bé nhưng không có tin tức. Lúc này mọi người khuyên bà nên nhận nuôi đứa trẻ này bởi bà cũng không có con cái. Nuôi đứa trẻ này lớn khôn, sau này bé sẽ chăm sóc cho bà và tuổi già đỡ buồn tẻ và có nơi nương tựa. Được mọi người khuyên, bà Lưu quyết định nuôi đứa bé nhặt được này và đặt tên là Lưu Thu Hương, bởi lúc đó là mùa thu, hương hoa quế thơm ngát, Ông Trời đã tặng bà một đứa trẻ.
Bà Lưu ôm Thu Hương vào lòng đem về nuôi nấng chăm chút. Bà không quản mùa hè nóng nực hay tiết trời rét mướt của mùa đông mà nuôi lớn Thu Hương. Từ ngày nhặt đứa trẻ về nuôi, bà Lưu cũng thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn nhiều, trong nhà lúc nào cũng tràn ngập tiếng nói cười. Thu Hương gọi bà là ‘bà nội’ và trêu bà cười suốt ngày. Càng ngày bà càng cảm thấy không thể tách rời đứa trẻ này, dù có đi đâu bà Lưu cũng đưa Thu Hương theo.
Mới đó mà đã 10 năm trôi qua, Thu Hương giờ đang học tiểu học. Một ngày, bà Lưu vừa đưa Thu Hương đến trường xong và quay lại con hẻm cũ làm công việc sửa giày. Kỳ thực bà cũng muốn nghỉ ngơi tuổi già nhưng nghĩ đến Thu Hương, muốn cho cô bé thêm chút tiền tiêu vặt nên bà quyết định vẫn làm công việc này, hơn nữa vận động một chút cũng tốt, đối với sức khỏe cũng có ích.
Bà vừa mở sạp hàng ra thì một chiếc xe sang màu đen đậu ngay trước mặt. Bước xuống xe là một người đàn ông đeo kính đen, nhìn thấy bà Lưu, anh ta tiến lại gần và nói những lời khách sáo: “Xin lỗi, bà có phải là bà Lưu không, người sống ở con hẻm đằng kia và làm nghề sửa giày kiếm sống?”
Bà Lưu rất cảnh giác nhìn người đàn ông, bà không nhận ra là có quen biết người này không. Bà nói: “Đúng là tôi, anh tìm tôi có việc gì?”
Người đàn ông nở nụ cười rất tươi và bắt đầu giới thiệu về mình. Anh nói:“Xin giới thiệu, tôi họ Trần, tên Trần Bình Đạt, là tổng giám đốc tập đoàn địa ốc”. Người đàn ông nói xong liền đưa cho bà Lưu tấm danh thiếp.
Bà Lưu cầm tấm thiệp nhưng không đọc rồi đặt nó xuống bàn.
Trần Bình Đạt lại nói rằng anh tới là tìm đứa con bị mẹ anh trộm ném bỏ 10 năm trước. Đó chính là Lưu Thu Hương mà bà Lưu nhặt về nuôi. Bởi vì, vợ sinh con gái nên mẹ anh không thích, nhân lúc vợ không để ý liền ôm đứa trẻ đi vứt bỏ. Sau đó bà còn núp ở một chỗ chờ người đem về nuôi và phát hiện người ôm đứa trẻ là bà Lưu. Ngày hôm nay tìm đến chính là anh muốn đưa con gái về nhà.
Đừng nói là không biết chứ ngay cả khi biết rõ thì bà Lưu cũng nhất quyết không trả lại Thu Hương. Bà nghĩ, con người chứ có phải đồ vật đâu mà thích ném thì ném, thích mua thì mua.
Bà Lưu lắc đầu nói: “Tôi không có nhặt được con gái cậu, muốn tìm thì đến nhà khác mà tìm”.
Trần Bình Đạt nói, mẹ cậu vừa mới qua đời, trước khi chết có nhắn nhủ lại là tìm đưa cháu về nhà. Còn vợ cậu bận công tác nên 10 năm qua không đả động đến chuyện sinh thêm con. Lúc còn sống, mẹ chồng và con dâu không hợp, thường lời qua tiếng lại. Giờ bà đã qua đời, anh muốn đem con về để cả nhà đoàn tụ. Anh nguyện chi ra 1 tỷ để trả phần chi phí nuôi dưỡng chăm sóc.
Bà Lưu nghe xong vẫn kiên quyết khẳng định là không nuôi đứa bé đó và để không phải nói chuyện dài dòng bà liền thu sạp lại trở về nhà.
Tuy nhiên, Trần Bình Đạt vẫn quyết ý không từ bỏ, anh đợi lần sau lại tới thuyết phục tiếp. Lần tới anh sẽ mang nhiều lễ vật hơn để bà Lưu lựa chọn, nhất định sẽ khiến bà thỏa mãn.
Sau khi về nhà, bà Lưu bật khóc khi nghĩ đến mình sắp mất cháu gái, bởi vì bà vô cùng yêu mến Thu Hương.
Vài ngày sau khi suy nghĩ cẩn thận, bà Lưu quyết định đưa Thu Hương rời khỏi khu phố hai bà cháu đang ở đến sống ở một tỉnh thành khác. Bà nghĩ, phải làm vậy thì Trần Bình Đạt mới không tìm thấy Thu Hương.
Một tuần sau, Trần Bình Đạt đến tìm mới biết bà Lưu đã đưa Thu Hương rời đi, từ đó về sau bặt vô âm tín. Lúc này anh chỉ biết khuỵu gối chôn chân tự trách mình. Cho nên nói, dù là sinh con trai hay con gái thì đó cũng là sinh mệnh một con người đáng được nâng niu chăm bẵm.
Theo ĐKN