Anh xe ôm “giàu” nhất bến xe Mỹ Đình: Hơn 10 năm chở khách nghèo đi khám bệnh không lấy tiền
Hơn 10 năm làm xe ôm ở bến Mỹ Đình, anh Thuận luôn miễn phí tiền cước xe cho những người nghèo khó, bệnh tật, có hoàn cảnh khó khăn.
Anh xe ôm nổi tiếng mạng xã hội với những câu chuyện ấm lòng người
Gần đây, một vài tài khoản Facebook đăng tải trạng thái với nội dung nói về một anh xe ôm tử tế, thân thiện tại bến xe Mỹ Đình (Hà Nội). Những câu chuyện này được tương tác với không ít lời bình, có người ủng hộ và cho rằng cần nhân rộng, có người cũng nghi ngờ rằng chỉ là một hình thức câu like vụ lợi.
Một người dùng Facebook đã đăng lên mạng xã hội bài viết với nội dung: “Người tốt việc tốt, anh Thuận xe ôm Mỹ Đình nhận chở miễn phí cho tất cả các bệnh nhân từ Hà Giang xuống Hà Nội khám chữa bệnh”, cùng với dòng trạng thái là số điện thoại của anh Thuận để ai cần thì liên hệ.
Một bạn nữ khác thì đăng lên facebook dòng trạng thái dài với nội dung:
“Từ thiện tại tâm…
Hôm nay được trải qua thật nhiều cung bậc cảm xúc: ấm ức, bực bội, mất lòng tin và rồi xúc động đến rơi nước mắt.
Được cô Phượng Ớt HG ở Hà Giang gọi điện nhờ lấy quần áo để gửi lên đó cho các em nhỏ. Con bé mặc nguyên bộ quần áo ngủ ra vẫy taxi trong tâm trạng vội vã vì cái xe khách đang chở quần áo đã đi qua chỗ mình. Đứng dầm mưa 15p mới vẫy được một cái taxi, câu chuyện cũng sẽ chẳng có gì cho đến lúc đuổi kịp cái xe khách ở Đại lộ Thăng Long và lấy được cái bao tải đồ to bự, tài xế taxi tự dưng tắt đồng hồ, mặc cả trước
“Bây giờ e phải đưa anh 250k thì anh mới đưa em và đồ về Mỹ Đình, bao tải thế này bẩn hết xe anh”.
Đã cố giải thích hàng em chuyển đi làm từ thiện mà anh tài xế nhất định không chịu, một thân một mình con gái với cái bao tải to gấp 4 lần người con bé ngậm ngùi đồng ý.
Nhưng chưa hết, đến cổng sau bến xe Mỹ Đình, gọi điện cho nhà xe để gửi đồ, thì họ lại bảo phải đem ra cổng trước và tự chuyển vào chỗ xe đỗ. Mình quay ra bảo với tài xế taxi lái ra cổng trước thì lại nhận thêm được một câu “em bắt anh vòng vèo thế này, em phải trả thêm anh 50k thì anh mới đưa, nếu không thì cả em với hàng xuống luôn đi”.
Con bé tưởng như sắp khóc đến nơi, nhà xe thì giục, bao tải thì vừa to vừa nặng thêm cả trời mưa, giờ mà bị ném xuống đây thì xác định, nuốt bực mà nói “vâng ạ”.
Đến được cổng bến thì bị đưa lên quá một đoạn. Con bé đứng ngẩn ngơ chưa biết làm thế nào để đem được cái bao tải vào chỗ xe khách đỗ….
Trong đầu đang cuống quá chưa kịp nghĩ ra cách gì thì một bác xe ôm lại hỏi han.
Thế rồi chẳng nói chẳng rằng bác vác cái bao lên vai rồi nói “xe ở đâu chỉ đi lại còn đứng ngây ra đấy à con bé kia”.
Con bé vừa vui vừa bất ngờ lật đật chạy theo chỉ chỗ, bác còn bảo lấy số điện thoại của bác, lần sau có hàng gì từ thiện bác chở giúp cho không lấy tiền…
Cùng là người chở khách, khác nhau cái xe mà sao hai con người khác nhau đến vậy? Có lẽ những ngày đông này sẽ ấm hơn vì những con người như bác xe ôm ấy…!
Mong các em nhỏ Hà Giang sẽ có thêm những tấm áo để vượt qua mùa đông khắc nghiệt này”.
Một khách ruột của anh Thuận là chị Hoàng Thúy Phượng, cán bộ sở nội vụ Hà Giang. Quen biết trong 1 lần anh Thuận chở đồ quyên góp cho học sinh nghèo Hà Giang và miễn phí. Từ đó 3 năm rồi mỗi lần có ai ốm đau từ trên đấy xuống chị Phượng lại nhờ anh chở. Hoặc có đồ từ thiện thì lại nhờ anh. “Nhiều khi đêm khuya, sáng sớm hay mưa rét nhưng đã nhờ thì không bao giờ anh Thuận từ chối“, chị Phượng nói.
“Ngày nào chở miễn phí được càng nhiều thì anh càng vui”
Liên hệ theo số điện thoại, chúng tôi đã gặp được nhân vật “người tốt việc tốt” tại cổng trả hàng bến xe Mỹ Đình.
Qua nói chuyện, được biết anh Thuận sinh năm 1975, quê ở xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Gia đình anh cũng không khá giả gì, vợ làm phụ hồ, con trai duy nhất năm nay 20 tuổi đang làm công nhân lắp đặt điện nước. Đang nói chuyện thì anh liếc mắt nhìn sang chiếc xe máy honda Dream đã cũ, cười rồi nói tiếp: “Tài sản lớn nhất của anh là con xe máy đó, nó chinh chiến với anh ở bến này đã hơn 10 năm rồi đấy“.
Khi chúng tôi hỏi về duyên cớ vì sao anh lại ra bến làm xe ôm và lại nhận chở từ thiện trong khi hoàn cảnh của mình cũng còn nhiều thiếu thốn. Trầm ngâm một hồi, rít một hơi thuốc lào rồi anh từ từ nói.
“Cuộc sống đẩy đưa thôi em, vì nghèo nên anh làm nhiều nghề lắm, xách vữa, bán rau, buôn thuốc bắc… cái gì cũng làm qua rồi. Năm 2007 thì anh bắt đầu ra đứng bến làm xe ôm như một công việc tạm thời khi chưa tìm được việc khác. Chạy xe ôm thấy cũng đủ ăn, tuy vất vả nhưng được tự chủ thời gian hơn những nghề khác, dần dà thì quen không muốn bỏ nữa.
Cũng một lý do nữa anh vẫn làm xe ôm là ngày nào cũng thấy nhiều người rất khổ sở từ những vùng quê nghèo ra Hà Nội chạy chữa bệnh tật, mà lại toàn bệnh hiểm nghèo. Mỗi lần gặp người như thế anh lại chở miễn phí, ngày nào chở miễn phí được càng nhiều thì anh càng vui. Vợ anh cũng rất ủng hộ việc anh làm“.
Anh kể có vài trường hợp đáng nhớ. Một lần 3 giờ sáng mùa đông thì anh gặp một thằng bé tầm 15 tuổi đang co ro dưới gầm cầu vượt, hỏi mới biết nó dân tộc Dao ở Lai Châu. Nó xuống Hà Nội mong tìm được việc làm nhưng không nơi nào nhận, vì vậy nằm ở gầm cầu để ai nhờ gì thì làm mong có tiền bắt xe về quê. Thấy thương quá, anh đưa nó về phòng trọ, cho nó mấy bộ đồ cũ rồi ra bắt xe và trả tiền cho nó về.
“Đến giờ anh vẫn không quên được ánh mắt nó nhìn anh lúc anh đưa nó ra xe, một ánh mắt rất thật thà, tội nghiệp và thơ dại“.
Lại một lần khác đêm 30 Tết vừa rồi. Anh vừa trả xong chuyến hàng lúc 9h30 đêm để về đón giao thừa thì thấy một anh công nhân bắt lỡ xe khách về quê đang quanh quẩn trước cổng bến. Lúc đấy bến đã vắng tanh nên anh tiến lại hỏi địa chỉ rồi chở về nhà cách đó chừng 5km. Vị khách vui vẻ ngồi lên giá hàng vì không còn lựa chọn nào khác. Đến khi trả tiền thì thấy khách làm rơi một gói mì tôm. Hỏi ra mới biết đó là công nhân xây dựng, đến tết rồi nhưng chủ không trả tiền công mà chỉ cho 120 nghìn đồng để bắt xe về, vì không bắt được xe nên tính mua mì tôm về ăn cho đỡ đói. Thấy thương quá nên lại thôi không lấy tiền xe, anh về đến nhà, tắm rửa xong thì pháo hoa cũng vừa nổ.
Theo anh Thuận thì mọi sự đều là duyên nghiệp, vì anh muốn giúp người ta nên cứ luôn gặp được những người cần anh giúp. “Anh không có tiền, chỉ có cuốc xe ôm động viên người ta khi khó khăn bệnh tật, mình nghèo nhưng so với đồng bào vùng cao thì còn sướng hơn họ nhiều“.
theo Kênh 14