Xót xa khi thấy vũ công nổi tiếng Xuân Thảo cạo trọc đầu, cầu mong con qua cơn bạo bệnh
Con trai của cặp vũ công Xuân Thảo – Đình Lộc, được chẩn đoán bị nhiễm trùng đường tiêu hóa, ngộ độc đạm dẫn tới nhiễm trùng máu khi mới hơn 1 tháng tuổi.
Chắc các mẹ vẫn còn nhớ câu chuyện tình đầy ấn tượng của cặp đôi Xuân Thảo – Đình Lộc trong chương trình “Thử thách cùng bước nhảy” đúng không ạ?
Dù Xuân Thảo đã từng phải đối mặt với căn bệnh xuất huyết buồng trứng khiến cô nghĩ rằng mình không bao giờ có được thiên chức làm mẹ nhưng cuối cùng thì phép màu một lần nữa vẫn xuất hiện khi Xuân Thảo phát hiện mình mang thai.
Cô đặt tên cho con trai mình là bé Bòn Bon. Những ngày đầu làm mẹ, Thảo bị dị ứng với chỉ tự tiêu sau sinh. Thế nên những ngày đầu sau sinh, vừa chăm con, Thảo phải vừa vào viện để xử lý vết thương. Các mẹ biết đó dị ứng chỉ tự tiêu trong 1.000 người mới có 1-2 người mắc phải mà Thảo lại nằm trong số này.
Thật, số Thảo sao mà nhiều run rủi quá! Để xử lý bác sĩ phải “tách sống” để tống hết dịch bên trong ra. Cơn đau này ví như cơn đau đẻ lần hai còn chưa bằng ấy ạ. Thấy bảo trong thời gian hồi phục, Thảo phải ăn rất nhiều tôm, thịt cho mau lành á. Nghe kể thôi mà cũng thấy lạnh cả người chứ huống gì phải trải qua.
Những tưởng khó khăn sẽ dừng lại ở đó thì nào ngờ, Tết Dương lịch năm nay, Xuân Thảo cùng ông xã lại phải ôm con vào bệnh viện. Bé Bòn Bon, hơn một tháng tuổi, được chẩn đoán bị nhiễm trùng đường tiêu hóa nặng do virus, ngộ độc đạm dẫn tới nhiễm trùng máu, bắt buộc phải nằm trong phòng cách ly của bệnh viện gần 2 tháng và trong lúc con nguy kịch.
Chứng kiến con trai mình đau đớn, Xuân Thảo chỉ biết cầu trời Phật, thậm chí cô còn nguyện sẽ cạo trọc đầu để con trai khỏe mạnh trở lại.
Ngày đầu tiên nằm viện của con trai được bà mẹ trẻ xem đó là giây phút “ám ảnh suốt đời” bởi cơ thể của bé Bòn Bon không chịu nhận thuốc. Ngay sau đó, toàn thân con tím tái, như muốn ngừng thở, mạch máu trên người con lặn hết khiến cô vô cùng bất an.
Vì lý do đó nên bác sĩ bắt buộc phải đặt một cái “ven giả” cho con để truyền loại kháng sinh mạnh nhất. Mà các mẹ biết đó, vì Bòn Bon lúc này còn yếu, sức đề kháng chưa hoàn thiện nên lại nhanh chóng bị viêm phổi, phải dùng máy thở oxy.
Mỗi ngày, bé Bòn Bon phải lấy máu 2 lần: sáng – chiều để làm xét nghiệm, truyền kháng sinh, truyền dịch… Cứ tưởng tới khi bé có thể tự thở bình thường, bác sĩ cho cai máy thở oxy, rút ven giả ra là con có thể nhanh chóng phục hồi, nhưng lúc này Bòn Bon lại bị tác dụng phụ của thuốc, khiến con bị tắc mạch, máu ở tay và chân đông lại.
Một lần nữa, bác sĩ bắt buộc phải truyền thuốc kháng đông nếu không chân, tay của con sẽ bị hoại tử. Cứ 2-3 ngày, ven lại bị hỏng, bác sĩ phải thay đổi vị trí lấy ven liên tục.
Xuân Thảo chia sẻ rằng từ tay, chân, cổ, đầu, bẹn của Bòn Bon, chỗ nào cũng đều thấy thẹo vì quá nhiều lần lấy ven. Bé bị tiêu chảy, cơ thể không hấp thụ chất nên bé được đặt xông dạ dày để truyền sữa từ từ tái tạo ruột.
Ảnh Internet
Chưa hết đâu nha các mẹ, sau khi vấn đề nhiễm trùng đường tiêu hóa của con tạm ổn, bé tiếp tục bị rối loạn nội tiết, tiểu nhiều. Bác sĩ chỉ định đặt xông tiểu và dùng thuốc chống lợi tiểu. Sau khoảng 4 ngày, tình trạng của Bòn Bon tiến triển tốt, con được chụp cộng hưởng từ (MRI) não và siêu âm thận.
Con được ra viện khi các chỉ số đã ở mức ổn định, nhưng vẫn cần theo dõi lượng nước tiểu và làm xét nghiệm nước tiểu trong 3 ngày sau đó.
Hiện tại, Xuân Thảo chăm sóc con tại nhà nhưng những ngày chăm con ốm ở viện đối với cả 2 vợ chồng cô là những điều ám ảnh nhất cuộc đời. Vì bé bị dị ứng đạm bò, đạm đậu nành nên cô buộc phải cai sữa và cho bé bú “sữa thuốc” do bác sĩ kê đơn.
Sau những ngày vừa qua, Thảo bảo cô muốn gửi gắm lời nhắn tới các mẹ nuôi con nhỏ rằng: “Mẹ cho con bú cố gắng kiêng cữ để không như tôi, ảnh hưởng tới con, tội nghiệp lắm. Cơ thể mỗi bé khác nhau, không biết bé có thể hấp thụ được thực phẩm nào. Lúc nằm viện, tôi chứng kiến nhiều ca mất con, thật sự xót xa lắm”.
Ảnh Internet
Nhân đây em cũng xin chia sẻ thêm cho các mẹ biết một số loai thực phẩm nên hạn chế ăn trong thời gian đang cho con bú để tránh bị nhiễm trùng đường tiêu hóa của bé nhé:
-Các sản phẩm làm từ sữa bò nếu con bạn dị ứng với các sản phẩm làm từ sữa bò. Mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc ngưng sử dụng chúng trong một tuần hoặc lâu hơn. Mẹ cho con bú cần cung cấp canxi và vitamin D từ nguồn bổ sung khác.
– Rượu và các thức uống chứa cồn. Tốt nhất là các mẹ nên ngưng uống chất có cồn như rượu khi đang cho con bú. Trong trường hợp không thể từ chối, các mẹ có thể uống và đừng cho bé bú cho đến khi cồn được thải ra khỏi cơ thể hoàn toàn.
– Các thức uống gây kích thích. Một hoặc hai ly cà phê, trà hoặc soda sẽ không ảnh hưởng đến con bạn. Tuy nhiên, nếu duy trì thói quen này trong thời gian dài, mẹ và bé dễ trở nên cáu kỉnh, bồn chồn và mất ngủ. Lượng lớn các chất kích thích sẽ làm tăng nguy cơ bị trào ngược axit và khiến con bị đau bụng.
– Các loại cá chứa nhiều thủy ngân. Các mẹ nên tránh ăn các loại cá giàu thủy ngân như cá mập, cá kình, cá thu, cá ngừ và nên giới hạn 180 g cá mỗi tuần.
– Thịt và sữa béo. Thuốc trừ sâu và các loại chất hóa học bảo vệ thực phẩm thường tích trữ trong mỡ động vật. Vì vậy, các mẹ cũng nên cân nhắc sử dụng các loại thực phẩm ít béo.
– Các loại thực phẩm có chứa phụ gia. Các mẹ có thể kiểm tra bằng cách đọc các thông tin trên nhãn thực phẩm về tất cả những chất phụ gia chứa trong thực phẩm đó.
Thế mới thấy các mẹ ạ, chăm con là cả một quá trình không hề đơn giản, đặc biệt với những ai đang cho con bú thì cần phải có một chế độ ăn uống hợp lý để tránh những tình trạng đáng tiếc như nhiễm trùng đường tiêu hóa cho các bé yêu nhé.
Theo WTT