Không còn cảnh xin từng bữa cơm nuôi 4 người con tâm thần, người mẹ già 86 tuổi đã có một cuộc sống mới
“Có nằm mơ bà cũng không nghĩ sẽ có nhà mới để ở”
Những ngày cận Tết Nguyên đán 2018, chúng tôi một lần nữa tìm về xóm Sóc Mới, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh nơi người mẹ già Thạch Thị Sương (86 tuổi) cùng những người con “có lớn mà không có khôn sinh sống”.
Khác với vẻ lụp xụp, dột nát trước đó, căn nhà mới của cụ Sương được cất một cách khang trang, sạch sẽ. Ngồi một góc trên chiếc giường mới, người mẹ già không giấu được nỗi xúc động, liên tục lấy tay lau nước mắt khi cuộc sống đã đủ đầy hơn rất nhiều.
Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có tiền chữa bệnh, cả 4 người con của cụ Sương đều mắc bệnh tâm thần, dù đều hơn 50 tuổi nhưng vẫn như đứa trẻ lên ba, suốt ngày chỉ biết la hét, ú ớ bỏ đi lang thang. Để có được cơm ngày ba bữa, bà Sương sống nương nhờ tình thương nơi bà con lối xóm, ai cho gì nhận nấy, đi xin ăn để về lo cho các con.
Sau khi chúng tôi đăng tải bài viết, đã có rất nhiều người tìm tới giúp đỡ cụ Sương với số tiền hơn 300 triệu đồng, xây cất lại ngôi nhà mới cho cụ và các con. Tuy nhiên, trong một lần cụ nhập viện, người con gái út là chị Thạch Thị Tuyết (46 tuổi) bỏ nhà đi lang thang tìm mẹ thì bị lọt xuống sông chết đuối. Sau đó, cả hai người con tâm thần nặng Thạch Thị Rạ (56 tuổi) và Thạch Chông (53 tuổi) cũng được đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Trà Vinh để được chăm sóc.
Theo cụ Sương, sau khi biết tin người chị Tuyết té sông mà chết, bệnh tăng huyết áp của cụ nặng hơn khiến cụ không về được để tiễn con gái. “Đến đám tang con, bà cũng không về được, nó là đứa thương bà nhất, đi lang thang ai cho cái gì cũng mang về cho mẹ. Giờ thì cá thịt đã đủ đầy nhưng số nó khổ, có được ăn cùng bà bữa cơm nào đâu”, bà Sương nghẹn ngào nói.
Ngồi cạnh bên mẹ, chị Thạch Thị Răng (58 tuổi) mếu máo nói: “Em thương con Tuyết lắm, nó sống không có ăn, giờ em được ăn quá trời. Mẹ cho em những 5.000 đồng để ăn sáng. Lúc nhà mới xây, em mừng quá bệnh luôn, phải mất cả tuần mới khỏe được”. Chỉ vào một cái răng còn sót lại, chị Răng hồ hởi khoe rồi phá lên cười ngặt nghẽo: “Đây nè, em còn một chỉ vàng làm vốn nè, có chỉ vàng này không phải đi xin ăn nữa”.
“Qua Tết, bà mong được gặp các con cho đỡ nhớ”
Kể từ lúc chị Rạ, anh Chông được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội để chữa trị, hơn 3 tháng nay, cụ Sương chưa một lần được gặp các con. “Bà nhớ tụi nó lắm, không biết ở trên đó tụi nó có được ăn uống, chăm sóc hay không. Bà già yếu rồi, nghe nói từ đây lên trung tâm gì đó gần 40km, sức đâu bà đi nổi. Con Răng thì lúc tỉnh lúc khùng, hai mẹ con dắt nhau đi cũng không được. Giờ chỉ biết cầu mong ai đó có thể giúp bà, đưa tụi nó về thăm bà một lần rồi bà chết cũng an lòng”, cụ Sương tâm sự.
Dẫn chúng tôi đi thăm quan ngôi nhà mới, có cả tivi lớn, tủ để quần áo, giường nệm, cụ Sương rưng rưng nước mắt: “Đến bây giờ bà vẫn không tin được có một ngày mình lại có nhà cửa như thế này. Bà mừng lắm, không biết cảm ơn mọi người như thế nào. Bà chỉ mong sống thêm được vài năm nữa để ba đứa con được chữa bệnh, tỉnh táo ra rồi bà có nhắm mắt cũng mãn nguyện”, cụ Sương cho biết.
Từ khi có nhà mới, không còn phải theo mẹ đi xin ăn mỗi ngày, chị Răng không giấu được sự vui mừng. Chị Răng hào hứng nói: “Em thương mẹ em lắm, thương mẹ đến chết mới thôi. Em rót nước, đi mua đồ ăn cho mẹ nè. Em cũng nhớ con Rạ, thằng Chông nữa. Dù lúc trước nó đánh em, la hét nhưng không có tụi nó em buồn lắm, nhà lớn mà không có ai chơi với em cả”.
Trước mong muốn của cụ Sương, ngay trước Tết Nguyên đán, chúng tôi tìm đến Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Trà Vinh (cơ sở 2) nơi đang chăm sóc hai người con tâm thần của cụ. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Trung tâm cho biết, hiện cả hai người con của cụ Sương đều được chăm sóc rất tốt, sức khỏe và khả năng nhận biết mọi việc được cải thiện rất nhiều.
Gặp lại anh Chông, chị Rạ trong màu áo của Trung tâm, cả hai người đều đã được cắt tóc mới, vui vẻ đi uống cafe cùng với các anh chị, cô chú tại đây khiến chúng tôi xúc động. Dù không được tỉnh táo, nhưng khi nhắc đến cụ Sương, cả chị Rạ và anh Chông đều cúi mặt xuống, rưng rưng nước mắt.
“Sang năm mới, tôi sẽ xuống tận nhà cụ Sương, xin phép lãnh đạo Trung tâm để đưa cụ và chị Răng lên gặp chị Rạ và anh Chông. Nhìn thấy cảnh cụ đã có một cuộc sống mới nhưng không được gần gũi các con, tôi cũng chạnh lòng“, chị Nguyễn Thị Xuân Diễm, người thường xuyên giúp đỡ cụ Sương cho biết.