Rơi nước mắt cảnh “bà cụ ve chai” vẫn miệt mài mưu sinh ở Sài Gòn mong đủ tiền mua gạo đón năm mới
Ngồi ở một góc ngã tư, cụ bà co rúm người lại trong cái se se lạnh của Sài Gòn rồi cố nhíu đôi mắt lờ mờ của mình, lặng lẽ nhìn dòng người vội vã đi làm ngày cận Tết. Dường như không một ai quan tâm hay biết đến sự tồn tại của cụ.
27 Tết, Sài Gòn bỗng trở nên lạnh hơn, các tuyến đường đều tấp nập người qua lại. Ai nấy đều vội vã mua sắm tết, làm nốt những công việc dở dang rồi quay về sum vầy bên gia đình, người thân.
Với mọi người, Tết đang gần trước mắt nhưng có lẽ với cụ bà này, Tết là lúc cụ nhặt được thật nhiều ve chai để bán đổi lấy gạo về mưu sinh mỗi ngày.
Co ro một góc ngã tư giao giữa đường Kha Vạn Cân và đường số 2 (phường Linh Đông, quận Thủ Đức) bên cạnh chiếc xe đạp nhỏ đựng vài ba vỏ lon bia, có một cụ bà dáng người nhỏ nhắn, ngồi bệt xuống đất lặng lẽ nhìn những người qua đường.
Cụ là Nguyễn Thị Hoàng (quê miền Trung), năm nay đã 86 tuổi, mọi người gọi cụ là “bà ve chai”. Đã từ lâu rồi, không ai còn hỏi đến tên của cụ. Ở cái tuổi gần đất xa trời, đáng ra phải là lúc cụ được an hưởng tuổi già, sống sum vầy bên con cháu.
Nhưng với cụ Hoàng, cuộc sống hàng ngày của cụ là đẩy chiếc xe đạp cũ nát, đi nhặt từng vỏ chai, tấm giấy để bán lấy tiền đổi cơm ngày ba bữa.
Cụ cho biết, cụ theo gia đình vào Sài Gòn năm 3 tuổi rồi lớn lên, sinh sống ở đây. Hơn 80 năm qua, cụ chưa một lần được về quê ăn Tết. Cụ cũng không nhớ rõ ở quê nhà còn có ai, cụ chỉ biết hiện tại cụ đang sống cùng một đứa cháu hơn 30 tuổi, nhưng không lo lắng, chăm sóc gì cho cụ.
Đưa đôi tay co rúm quàng lấy đôi chân, cụ Hoàng vừa nhai trầu, vừa cười móm mém nói: “Bình thường bà đi lượm ve chai từ 4h sáng, cứ khi nào đầy, không đi nữa thì mới về. Nay mệt quá mới đến đây ngồi nghỉ, sáng giờ chỉ lượm được 7 cái lon bia. Không biết đi hết ngày nay có đủ để mua được ký gạo hay không”.
Theo cụ Hoàng, dù Tết đã đến cận kề nhưng với cụ, Tết chỉ đến thật sự khi cụ kiếm đủ tiền mua được 5 ký gạo, tích góp tiền mua mắm muối để 3 ngày Tết không phải lang thang đi nhặt ve chai. “Bà sống với đứa cháu, nó làm nghề may đó, nhưng nó chỉ lo cho nó thôi à. Con đi lại khúc chỗ cây cầu (gần chợ Thủ Đức) hỏi bà lượm ve chai là ai cũng biết. Bà đi lượm hơn 40 năm rồi. Giờ bà già yếu, sống được ngày nào hay ngày đó chứ biết làm sao”.
Nghẹn lòng trước hoàn cảnh của cụ, tôi nắm lấy đôi bàn tay lạnh ngắt của cụ, nhét vội 100.000 đồng mừng tuổi cụ trước Tết. Ghé sát vào tai tôi, cụ thỏ thẻ hỏi: “Con cho bà thật hả, con làm gì có tiền mà cho bà” rồi ứa nước mắt, bà cảm ơn tôi ríu rít. Có được số tiền này, bà cho biết sẽ đi mua liền 5 kg gạo, rồi vẫn tiếp tục lượm ve chai để Tết này mua được chút cá, chút thịt cho bữa cơm tết.
“Bà chỉ mong cứ đi lượm ve chai được để sống qua ngày cho đến khi nhắm mắt, đừng có đau ốm gì. Giờ con không có, cháu thì không lo, bà chỉ biết vậy thôi”, nói đoạn, cụ bà cảm ơn tôi lần nữa rồi đứng dậy, khó nhọc dắt chiếc xe đạp chở ve chai lủi thủi tiếp tục bước đi.
Chia tay cụ, trên đường chạy xe về nhà tôi cứ đinh ninh mãi. Thương cụ, mặc cho trời lạnh lẽo, với tấm áo cũ kỹ cụ vẫn lặng lẽ bước đi giữa dòng người tấp nập. Ở cái tuổi như cụ, đáng lý ra trong những ngày cận Tết, cụ đã được thêm bộ quần áo mới, rồi chờ đến lúc giao thừa, các con, các cháu sum vầy bên nhau chúc Tết, mừng thọ cụ.
Nhưng không, cuộc đời của cụ Hoàng vẫn còn đó những chuỗi ngày lầm lũi trước mắt, mưu sinh từ những vỏ lon bia, tấm giấy lộn cũ nát được nhặt nhạnh trên đường.
Sài Gòn sáng 27 Tết, vẫn còn đó hình bóng một cụ già lặng lẽ ngồi co ro trên vỉa hè, không một ai biết đến sự tồn tại của cụ. Có lẽ, sau khi nhận được sự giúp đỡ, tuy không nhiều nhưng cả tôi và cụ đã cảm thấy ấm lòng hơn rất nhiều!
Theo Tintuconline