Xót thương cảnh mẹ già còm cõi nuôi 4 con câm dại cùng 2 cháu mồ côi
4 đứa con, đứa ú ớ chẳng biết gì, đứa thì lúc nào cũng nhăn nhó, đứa lại hiền hiền, dại dại cùng 2 đứa cháu mà mẹ chúng đã bỏ đi từ lâu, đó là tất cả cuộc đời của bà. Ở độ tuổi ngoài 70, bà phải làm trụ cột chính nuôi đàn con và các cháu với bữa đói, bữa no trong căn nhà cũ rách, lụp xụp với không 1 vật dụng đáng giá đến tiền trăm nghìn.
Trong tiết trời lạnh giá, gió thổi rít từng hồi rồi lại xoáy thốc vào mái nhà, chúng tôi trở về thăm khi cả nhà bà Nguyễn Thị Hiền đang ăn cơm. Bữa ăn đạm bạc với 1 nồi cơm, 1 nồi rau luộc được bày ra trên nền bếp với 5,6 gương mặt xúm quanh để rồi đợi bà lần lượt lấy thìa xúc theo vòng. Chân đau không thể ngồi được, buộc bà phải khom khom người nhưng cũng chỉ được vài phút là phải đứng dậy rồi lại tiếp tục vòng đút cơm sau thành ra đến bữa thật nhưng trông bà chẳng khác nào “đánh vật”.
Nhìn các con nhai từng thìa rệu rã, bà ngân ngấn nước mắt: “Chúng nó chẳng làm được nhưng cũng biết ăn ngon đấy cô ạ. Cơm mà không có gì ăn thế này là khó chịu đấy, nhưng không ăn thì đói chịu thế nào được”.
Nói rồi bà càng thấy tội và thương các con nhưng phải chấp nhận thực tế rằng bà chẳng có tiền để có thể mua được 1 lạng thịt hay tí thức ăn. Chồng mất đã gần chục năm, gánh nặng cơm áo đè lên vai 1 mình bà để gánh gồng nuôi đàn con khiến bà chẳng còn sức. Chỉ vào những gương mặt đù đờ của các con, bà chậm rãi kể: “Thằng này là Nguyễn Văn Hùng nó bị động kinh, cứ lên cơn là lại sùi bọt mép rồi giãy lên đành đạch khiến tôi cứ sợ nó chết mất. Thằng tiếp là Nguyễn Văn Phượng nó chẳng nói được đâu, nhưng được cái là hiền lành, không gây gổ với ai cả. 2 đứa nữa là Nguyễn Thị Thảo và Nguyễn Văn Tiến cũng đều bị câm cả”.
Các con mình sinh ra đã thế, 2 đứa cháu nội là Nguyễn Văn Hoàng (11 tuổi) và Nguyễn Quỳnh Như (8 tuổi) là con của anh Phượng cũng đều phải bấu víu cả vào bà bởi mẹ chúng đã bỏ đi hơn 6 năm nay không 1 tin tức. Nhắc đến chuyện này, bà bật khóc: “Hai đứa nó còn nhỏ quá, mẹ thì bỏ đi, bố thì không biết gì, nhà nghèo quá không có tiền nên thằng Hoàng nó nghỉ học rồi, giờ còn mình con bé Như được đi học thôi…”
Đó là nỗi khổ tâm của bà khi 1 đứa cháu đã thất học nhưng biết làm sao, bởi bà cũng đã gắng sức lắm rồi. Thân 1 mình đã ở tuổi ngoài 70, bà chắt chiu từng đồng tiền trợ cấp rồi bản thân cũng gắng làm đủ các việc mà bữa cơm cũng thiếu, nói gì đến việc khác. Các con sinh ra bệnh tật, yếu đau, bà bảo phải chấp nhận và gắng sống thôi vì mình chết thì chúng nó cũng bơ vơ… nhưng bản thân già yếu rồi, biết sống được đến bao giờ?
Bao nhiêu năm chứng kiến cảnh bà Hiền với đàn con, cháu, cô Nguyễn Thị Phương- Trưởng ban công tác mặt trận xóm 3, Phú Đa, xã Công Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam ái ngại tâm sự: “Khổ lắm cô ạ, chúng tôi có quà gì trong các dịp lễ, tết cũng đều ưu tiên nhà bà cả nhưng có thấm vào đâu. Nhìn 2 đứa cháu, rồi đàn con của bà mà chúng tôi không kìm được lòng. Đến các bữa bà ấy không dám ăn đâu vì nhường cơm cho con, cho cháu. Nhiều khi bà ấy đói quá lả cả ra đấy cô ạ”.
Nghe tâm sự của cô Phương, chúng tôi ai cũng cay cay nơi khóe mắt. Trước mặt nồi cơm đã hết đến đáy, chỉ còn lớp cháy mỏng, một mình bà lúc này mới ngồi cạo nốt để ăn, vừa nhai vừa khóc. Chân vẫn đau lắm, chẳng thể ngồi được, bà đành đứng để ăn… trông khốn khổ trong cái lạnh đến cắt da cắt thịt của những ngày cuối năm. Giáp Tết rồi, bà lại càng nhớ ông, nhớ những ngày bà còn trẻ, khi mới sinh các con… để rồi vỡ òa trong đau đớn khi thực tế các con bà đều câm và khờ dại.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Bà Nguyễn Thị Hiền: Xóm 3, Phú Đa, xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam
Số ĐT: 01675.147.550 (Số ĐT của cô Nguyễn Thị Phương – Trưởng ban công tác mặt trận xóm 3)
Theo Dân trí