7 điều ai cũng tưởng ‘nghịch lý’ nhưng lại là ‘chân lý’, ngẫm mới thấm!
Có rất nhiều điều thoạt nghe tưởng chừng như vô lý. Thế nhưng, nếu suy nghĩ sâu thêm một chút, bạn sẽ nhận ra chúng không chỉ có lý mà còn là những chân lý thú vị.
Dưới đây là 7 điều có thể bị xem là “nghịch lý” nhưng thực chất lại phản ánh rất nhiều về hiện thực cuộc sống. Nếu bạn hiểu được những chân lý này, bạn sẽ cảm thấy cuộc sống dễ dàng và hạnh phúc hơn nhiều cũng như biết cách đối diện với những chướng ngại, khó khăn trên đường đời.
1. Khi bạn ghét bỏ điều gì đó của người khác tức là bạn đang chối bỏ điều đó trong chính bản thân mình
Nhà tâm lý học Carl Jung tin rằng: Nếu một tính cách nào đó của người khác làm bạn khó chịu, điều đó chỉ đơn giản là bởi bạn cũng có tính cách đó và đang muốn chối bỏ nó mà thôi. Freud gọi nó là “sự phản chiếu” (projection).
Ví dụ, một người không hài lòng về cân nặng của bản thân thường sẽ gọi người khác là “mập.” Một người cảm thấy bất an vì túi tiền của mình sẽ hay phê phán cách kiếm tiền và tiêu tiền của người khác.
Có một sự thật rằng, một người luôn hài lòng với bản thân mình sẽ không bao giờ cảm thấy người khác “có vấn đề”. Trái lại, kể cả khi người khác khiến họ khó chịu, họ vẫn luôn vui vẻ, thoải mái và đón nhận mọi thứ theo cách tích cực nhất.
2. Người nào không biết tin tưởng người khác thì không đáng tin
Những người thường cảm thấy bất an sẽ rất dễ phá hủy các mối quan hệ. Họ luôn lo sợ bản thân sẽ bị phản bội và tổn thương, vậy nên, họ thường chọn cách làm tổn thương người khác trước.
Những người này cũng thường một trạng thái tâm lý chung, đó là “triệu chứng nhân vật chính”.Tức là, họ cảm thấy cuộc đời thật bất công với mình, mình là nhân vật chính và phải đương đầu với nhiều khó khăn hơn. Trong khi đó, những người khác chỉ là nhân vật phụ cần phải hỗ trợ họ giải quyết khó khăn của cuộc đời. Họ cũng thường tự đặt định mình là trung tâm của vũ trụ nên hay nói kiểu “Không có tôi, mọi việc sẽ chẳng ra làm sao”.
Chắc chắn, sẽ chẳng ai muốn xây dựng một mối quan hệ lâu dài với những người thích tự cho rằng mình là người quan trọng và không biết tin tưởng người khác. Vậy nên, chỉ khi bạn học được cách trao niềm tin, bạn mới có thể nhận lại điều đó từ mọi người.
3. Bạn càng cố gây ấn tượng với ai, họ càng ít ấn tượng với bạn
Nghe thì có vẻ vô lý nhưng đó hoàn toàn là sự thật. Bạn càng cố tỏ ra là một người nổi bật, người khác càng cảm thấy bạn tẻ nhạt, thậm chí là lố bịch. Bạn biết đấy, vẻ bề ngoài hào nhoáng, sang trọng luôn bắt mắt và thu hút ánh nhìn từ mọi người xung quanh nhưng sẽ chẳng bao giờ đủ để giữ lại hình ảnh đẹp lâu dài.
Vẻ đẹp thực sự nằm ở nội tâm, nó xuất phát từ một con tim và tâm hồn sâu sắc. Những người chân thành, tinh tế không cần phải cố gắng để làm bản thân trở nên nổi bật, họ cũng không dùng những lời lẽ khoa trương để lôi kéo người khác đến với mình, bởi họ hiểu rằng, nội tâm chân thành đã đủ để lại ấn tượng sâu sắc khó quên trong lòng những người đối diện.
4. Bạn càng ít quan tâm đến người khác, thì cũng càng ít quan tâm đến chính mình
Điều này có thể đi ngược lại nhận thức của nhiều người bởi chúng ta vẫn thường cho rằng những kẻ không biết quan tâm người khác tức là đồng nghĩa với việc hắn chỉ biết quan tâm đến bản thân mình.
Thế nhưng, thực tế thì, con người thường đối xử với người khác theo cách họ đối xử với chính mình. Có thể bề ngoài thì không đúng, nhưng sâu thẳm bên trong, ai càng đối xử tồi với người khác thì cũng càng đối xử tồi với chính mình. Những người này, họ sẵn sàng trở thành một “con nhím xù lông” và đối xử cộc cằn, thô lỗ với người khác để tạo ra một vỏ bọc nhằm che giấu đi nội tâm nhiều trắc trở của mình. Trên thực tế, họ đã lựa chọn cách đau khổ nhất, tồi tệ nhất mà bản thân không hề nhận ra.
5. Càng cố làm điều gì, điều ấy càng khó đạt
Khi ta nghĩ rằng một việc gì đó là khó làm, thì trong vô thức ta đang làm nó khó hơn. Khi ta quá kỳ vọng vào điều gì đó thì vô hình chung ta đang tạo ra áp lực cho chính mình.
Tất nhiên, trong cuộc sống, bạn luôn cần nỗ lực và cố gắng, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn khiến bản thân mệt mỏi và áp lực. Hãy làm tốt nhất khả năng mà bạn có thể, thành công tự khắc sẽ tìm đến bạn.
6. Càng cố tranh cãi, càng khó thuyết phục
Nguyên nhân của điều này là, khi tranh cãi, đa số các luận điểm về bản chất đều dựa vào cảm tính. Khi ấy, đầu óc của bạn hoàn toàn không thể suy nghĩ logic và dễ dàng bị “cái tôi” của mình kiểm soát.
Bạn có biết, dù ý tưởng của bạn là đúng chăng nữa, trên thực tế, người khác sẽ không vì luận điểm của bạn rất khách quan và logic là thay đổi quan điểm và niềm tin của họ.
Để thực sự thuyết phục, bạn cần tranh luận chứ không phải là tranh cãi. Khi ấy, tất cả các bên phải thực lòng hạ bỏ cái tôi xuống và dùng lý trí để làm việc với dữ liệu. Tất nhiên, làm được điều này không hề dễ dàng chút nào, thế nhưng, nếu bạn thực sự có thể, bạn sẽ nhận ra rằng lùi một bước biển rộng trời trong, nhường ba phần tâm tình thoáng đạt.
7. Càng thành thật về lỗi lầm của mình, người ta càng nghĩ bạn hoàn hảo
Chúng ta đang sống trong một xã hội mà gần như ai cũng đều sợ phạm sai lầm. Từ khi sinh ra chúng ta vẫn luôn được khuyên bảo phạm lỗi càng ít càng tốt. Khi còn ở trường thì phải học sao thật giỏi để có học bổng, ra ngoài xã hội thì phải gắng sức thành công để được tự hào. Dường như không khi nào chúng ta có không gian để phạm lỗi. Do đó, ta thường cảm thấy khó khăn trong việc thừa nhận lỗi lầm. Vậy nên, nếu bạn có thể thành thật và thoải mái thừa nhận lỗi lầm, bạn đã trở thành một “chiến binh dũng cảm” trong mắt vô số người.
Hơn nữa, trên thực tế, cuộc đời không tồn tại bất cứ ai chưa từng phạm sai lầm. Thậm chí, những người thành công và giàu có được cả thế giới ngưỡng mộ còn là những người “nghiện” mắc lỗi. Do đó, phạm sai lầm không có nghĩa là bạn thất bại hay yếu kém, hãy xem đó là những bài học quý giá chuẩn bị cho thành công của bạn trong tương lai.
Theo DKN