Nghẹn ngào trước tâm nguyện cuối đời ngày cận Tết của cụ bà 75 tuổi cả đời vất vả nuôi con, cháu mắc bệnh động kinh
Dù đã 75 tuổi nhưng cụ Khiếng vẫn cố bươn trải làm chỗ dựa cho con trai, hai đứa cháu nội mắc bệnh động kinh. Ở những năm tháng cuối cuộc đời cụ vẫn chỉ mong có gian nhà nhỏ để có chỗ ở cho con cháu bất hạnh.
Gia đình “chị Dậu” ngày xưa
Ở cái tuổi 75, khi những cụ già khác đang an dưỡng tuổi già, được con cháu cơm bưng nước rót chăm sóc thì cụ Nguyễn Thị Khiếng (ngụ thôn 4, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) vẫn lọ mọ với luống rau trước nhà.
Dù lưng còng, mắt mờ, chân chậm nhưng cụ vẫn cố gắng bươn trải ngược xuôi để phụ con dâu, chăm lo cuộc sống cho cả gia đình.
Cụ Khiếng có 4 người con (3 gái, 1 trai) thì 3 người con gái đều lần lượt yên bề gia thất. Chỉ người con trai duy nhất là anh Nguyễn Bá Tuệ (38 tuổi) sinh ra lại mắc chứng bệnh động kinh, tật hai mắt, chân tay rung, nói năng khó, không có khả năng lao động.
Mãi đến sau này, qua mai mối, anh Tuệ cùng người phụ nữ quá lứa lỡ thì, lớn hơn 5 tuổi, lại khù khờ nên duyên vợ chồng. Ngày con trai lấy vợ, cụ Khiếng mừng lắm. Mừng vì con trai đã có chỗ dựa tinh thần, dù cả hai không may mắn được bình thường, khỏe mạnh.
Hai cháu nội cụ Khiếng là Nguyễn Thị Phương (12 tuổi) và Nguyễn Thị Duyên (6 tuổi) lần lượt chào đời. Chưa kịp vui mừng thì cụ chết lặng khi nhận ra cháu của mình đều chung số phận giống con trai.
“Mỗi lần lên cơn động kinh, chúng đều co giật, chân tay cứng lại, mắt trợn ngược, trông rất đáng sợ. Nếu bị sốt cao lại còn nguy hiểm hơn. Quanh năm suốt tháng, tôi và con dâu phải luân phiên chăm sóc con cháu.
Tôi luôn sống trong cảm giác lo sợ nếu chẳng may khi con, cháu phát bệnh, không có ai bên cạnh thì chúng sẽ ngã vào bếp lửa, hồ nước thì nguy hiểm. Cũng vì bệnh tật nên hai đứa cháu nội tôi cũng không được thông minh, nhanh nhẹn như những đứa trẻ khác”, cụ Khiếng thở dài chia sẻ.
Tâm nguyện cuối đời của bà lão 75 tuổi
Ngày còn khỏe, cụ Khiếng cùng con dâu bươn trải khắp nơi. Ngoài ruộng đồng, ai thuê gì cụ đều nhận làm, miễn là có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống qua ngày. Những ngày không có việc làm, cụ lại ra đồng mò cua, bắt ốc, cải thiện bữa cơm hàng ngày cho cả gia đình.
“Nay tuổi già sức yếu, tôi muốn đi làm cũng chẳng ai dám thuê, đành quanh quẩn quanh ở nhà chăm nuôi con gà, con vịt, trồng thêm luống rau đưa ra chợ bán, kiếm tiền mua thức ăn qua ngày”, cụ Khiếng chia sẻ thêm.
Cũng vì hoàn cảnh nghèo khó, con cháu bệnh tật, gia đình cụ Khiếng được bà con trong xã nhận xét là gia đình 3 đời vẫn chưa hết khổ. Cuộc sống của họ chẳng khác nào gia đình “chị Dậu” ngày xưa.
Hiện tại, bé Phương học lớp 6, bé Duyên học lớp 1. Thế nhưng, cả hai đứa trẻ thường xuyên phát bệnh trên lớp khiến giáo viên, các bạn cùng lớp lo lắng.
“Cứ hàng tháng con tôi phát bệnh một vài lần. Nhiều lần phát bệnh trên lớp, giáo viên phải xuống tận nhà gọi gia đình lên đưa con về, đưa đi bệnh viện. Nhìn con mà tôi thương lắm, muốn đưa con đi bệnh viện điều trị nhưng không có tiền, đành bất lực”, chị Trương Thị Dụng (42 tuổi, con dâu cụ Khiếng) chia sẻ.
Căn nhà cụ Khiếng xây cách đây đã gần 50 năm. Vì thế hiện nay đã mục nát, sập sệ, tưởng chừng đổ sụp lúc nào không hay. Dù đã được sửa sang nhưng vì đã xuống cấp trầm trọng nên chẳng còn khả năng khắc phục.
“Sống trong ngôi nhà nhưng tôi luôn nơm nớp lo sợ nó sẽ đổ sụp lúc nào không hay. Ở những ngày tháng cuối cuộc đời rồi, tôi chỉ có một tâm nguyện duy nhất là có một căn nhà nhỏ để có chỗ cho con, cháu tôi chui ra chui vào. Đời con, cháu tôi đã bất hạnh quá rồi. Thế nhưng, tâm nguyện này đến bây giờ tôi vẫn chưa thực hiện được”, cụ Khiếng gạt nước mắt trải lòng.
Trao đổi với chúng tôi PV Emđẹp, ông Hồ Hậu Thuyết (trưởng thôn 4) cho biết, gia đình cụ Khiếng là một hộ nghèo triền miên của xã. Hiện tại, cụ già yếu, con trai và cháu bệnh tật, thu nhập của cả gia đình phụ thuộc vào người con dâu khù khờ cùng số tiền trợ cấp 400 nghìn đồng của nhà nước mà anh Tuệ nhận được.
Căn nhà của cụ Khiếng đã xuống cấp trầm trọng, không còn khả năng sửa sang nên rất mong nhận được sự quan tâm, chia sẻ của độc giả xa gần.
Theo emdep