‘Rác chúng tôi còn nhặt huống hồ là người’ lời chia sẻ xúc động của bà cụ cưu mang hơn 30 đứa trẻ bị bỏ rơi
Tại tỉnh Chiết Giang Trung Quốc suốt mấy chục năm qua có một bà cụ đã nhặt và nuôi nấng hơn 30 đứa trẻ bị bỏ rơi bên cạnh những bãi rác, trên nẻo đường mưu sinh của bà. Tình yêu thương đó đã đem hy vọng cuộc sống đến cho những sinh mệnh bé nhỏ bất hạnh, và khiến biết bao người xúc động, ngưỡng mộ.
“Bà tiên” giữa đời thực
Có một bà tiên không bước ra từ làn khói trắng huyền ảo, bà không có chiếc đũa thần kỳ, và bà cũng không tỏa ánh hào quang rực rỡ như trong câu chuyện cố tích, nhưng bà có một trái tim thánh thiện, một nụ cười đôn hậu hiền lành, tỏa ánh sáng ấm áp, xua tan đi bóng đêm u tối và những bất hạnh khổ đau cho những đứa trẻ tội nghiệp bị cha mẹ bỏ rơi.
Ngày nắng cũng như ngày mưa, người ta đã quá quen thuộc với bóng dáng nhỏ bé xiêu vẹo của một người phụ nữ tần tảo lam lũ trên các con phố. Bà làm nghề nhặt rác, cả đời gần như lang thang ngoài đường, loanh quanh ở những bãi rác khắp thành phố. Cũng nhờ vậy, bà đã mang đến những phép màu kỳ diệu cho hơn 30 sinh mệnh nhỏ bị bỏ rơi bên đường. Bà tiên đó tên là Lầu Tiểu Anh, sống ở Kim Hoa, miền Đông tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.
“Tất cả mọi thứ bắt đầu khi tôi phát hiện thấy đứa trẻ đầu tiên là một bé gái vào năm 1972. Khi tôi đi ra ngoài lượm rác, cô bé bị bỏ rơi nằm giữa một đống rác trên đường. Nó sẽ chết nếu chúng tôi không cứu giúp. Nhìn cô bé lớn dần và trưởng thành, chúng tôi rất hạnh phúc và từ đó tôi cũng nhận ra rằng mình có một tình thương yêu thực sự đối với trẻ con”, bà Lầu chia sẻ.
Cuộc sống của hai vợ chồng bà Lầu Tiểu Anh rất vất vả, tất cả mọi chi tiêu đều dựa vào những vỏ chai, vỏ lon nước ngọt bị vứt hay những thanh sắt thanh nhôm người ta không dùng được nữa mà bỏ đi. Có những hôm, bữa ăn của hai ông bà chỉ là bát cháo loãng, họ cố gắng cầm cự sống qua ngày. Khó khăn thiếu thốn là thế, ngày chạy ba bữa ăn cũng không đủ, nhưng nhìn những sinh mệnh bé nhỏ bất hạnh bị bỏ rơi, chỉ còn một hơi thở thoi thóp bà lại không đành lòng mặc kệ chúng. Bà nhặt chúng đem về nhà, biết là không đủ cái ăn nhưng đành “có rau ăn rau, có cháo ăn cháo” mà đùm bọc nuôi nấng những đứa nhỏ. Quan trọng hơn cả bà muốn đem đến cho chúng tình yêu thương của một người mẹ và hơi ấm của gia đình.
Bà trải lòng:
“Rác chúng tôi còn nhặt, huống hồ là người? Sinh mệnh vô cùng trân quí, những đứa trẻ chúng đều cần sự yêu thương và chăm sóc”.
Thời gian thấm thoắt trôi qua, cuộc sống vẫn cứ thế tiếp diễn, “bà tiên” vẫn lặng lẽ hằng ngày đi lượm những cái vỏ lon bỏ thừa, và lượm cả những sinh mệnh nhỏ bị bỏ rơi. Căn nhà luôn tràn ngập những tiếng cười của hơn ba mươi đứa trẻ, sưởi ấm trái tim cô độc cho hai con người già.
Cho đến khi người chồng qua đời, chỉ còn một mình gồng gánh mọi lo toan, bà Tiểu Anh vẫn tiếp tục sứ mệnh cao cả của mình, như chưa hề có nỗi đau nào có thể khiến bà dừng lại.
Ánh sáng cuộc đời cho những sinh mệnh bị ruồng bỏ
Có những khi, đứa trẻ được bà Lầu tìm thấy đang hấp hối chỉ còn hơi thở thoi thóp và cơ thể thì tím tái hết cả. Bà vẫn đem về hết sức chăm sóc chữa trị, dù là hy vọng mong manh nhưng bà không bao giờ bỏ mặc bất kỳ đứa bé nào. Có những em chỉ sống sót được vài ngày hay vài tháng, nhưng bà có niềm tin mạnh mẽ rằng: chừng nào chúng còn sống, dù là chỉ một giờ hay một ngày thì chúng vẫn xứng đáng được cảm nhận sự yêu thương ấm áp của gia đình, cảm nhận được tình người của thế gian.
Và ông trời đã không phụ lòng người tốt, những đứa trẻ may mắn sống sót đều lớn lên khỏe mạnh. Bởi vì nhà không đủ điều kiện, bà chỉ nuôi được 4 người. Còn lại bà gửi cho bà con, bạn bè, những người quen biết, cố gắng tìm cho chúng gia đình thật tốt với mong muốn chúng có được cuộc sống hạnh phúc. Dù lúc lớn khôn không được mẹ Tiểu Anh chăm sóc nữa nhưng đối với những đứa trẻ này, bà vẫn là người mẹ vĩ đại nhất, hiền từ và bao dung nhất. Chúng vẫn thường xuyên đến để thăm nom và giúp bà chăm sóc những đứa trẻ khác. Vậy nên, căn nhà nhỏ lúc nào cũng tràn ngập tiếng cười. Đến năm 88 tuổi, bà đã nhặt về đến hơn 30 đứa trẻ. Đứa bé nhất được bà nhặt trong một chiếc thùng rác, lúc đó bà đã hơn 80 tuổi.
“Tôi biết rằng tuổi cao, sức yếu không thể nuôi dưỡng nó thật tốt, nhưng thằng bé trông thật đáng yêu và cần sự giúp đỡ nên tôi đưa nó về nuôi. Những đứa con lớn khác của tôi đều giúp đỡ chăm sóc cho thằng bé…”, bà tâm sự.
Năm 2012, bà Tiểu Anh bị suy thận phải nhập viện và lọc máu mỗi ngày, câu chuyện cuộc đời bà bắt đầu được lan truyền rộng rãi, mọi người quan tâm nhiều hơn, đồng thời cũng có nhiều mạnh thường quân giúp đỡ để bà được điều trị tốt hơn.
Biết rằng mình không thể sống được bao lâu nữa, bà Tiểu Anh không có mong muốn gì hơn là thấy những đứa con của mình có một cuộc sống tốt đẹp và khỏe mạnh. Đặc biệt là cậu con út, bà luôn hy vọng được nhìn cậu bé bước chân đến trường, học hành tử tế. Giờ đây, người con gái lớn của bà lại tiếp tục nghĩa cử vĩ đại của mẹ mình, chăm sóc và thương yêu những đứa bé mà bà đã mang về.
Những người con của bà dù cuộc sống nghèo khổ, nhưng chúng rất quý trọng và yêu thương lẫn nhau. Bởi vì chúng có một người mẹ vĩ đại, một người đã cho chúng hiểu được tình yêu thương là điều quý giá nhất, hơn bất kể thứ gì trên thế gian này.
Một người hàng xóm của bà chia sẻ:
“Bà là một người dũng cảm, tất cả các cơ quan chính phủ, phúc lợi xã hội, trường học đều nên cảm thấy xấu hổ vì bà không có gì ngoài sự nghèo túng bần hàn, nhưng bà vẫn mang những đứa trẻ về nuôi nấng. Còn những người có tiền có quyền, thì họ lại không làm gì, chỉ khoanh tay đứng nhìn. Bà cụ thực sự là một người vĩ đại”.
Câu chuyện về người phụ nữ nhặt rác tốt bụng đã làm rung động cả những trái tim sắt đá nhất. Một người phụ nữ không màng đến hoàn cảnh nghèo khó, không nghĩ đến khó khăn vất vả, chỉ có một trái tim đầy ắp yêu thương dành trọn cả cuộc đời để mang lại ánh sáng cho những sinh mệnh bé nhỏ bị ruồng bỏ, bà thực sự đã đem đến phép màu diệu kỳ cho những đứa trẻ tội nghiệp và cho cả cuộc sống này. Cuộc đời đâu chỉ có những bạc tiền vật chất, cuộc sống còn cần những tiếng cười vui vẻ, cần những tâm hồn rộng mở và những trái tim yêu thương.
Giá như ai ai cũng có một trái tim giàu lòng nhân ái, một tấm lòng cao thượng luôn nghĩ đến người khác thì có lẽ cuộc đời sẽ thật tươi đẹp và phồn hoa biết bao. Bà Tiểu Anh cũng không cần phải ở trong căn nhà cũ kỹ dột nát, không cần phải vất vả cả đời quanh những thùng rác, và những đứa bé tội nghiệp kia sẽ không phải lay lắt thoi thóp bên những vệ đường. Tất cả mọi sinh mệnh đều đáng trân trọng, đều xứng đáng được yêu thương. Vậy nên, hãy tạm thời bỏ qua chút khó khăn trước mắt, dành sự quan tâm cho những mảnh đời bất hạnh hơn, làm một điều gì đó ý nghĩa cho người khác, bạn sẽ cảm nhận được niềm vui và ý nghĩa của cuộc đời, những điều mà bạn có bao nhiêu tiền cũng không thể mua nổi.