Xót xa : Chồng bỏ con bặt vô âm tín để mặc vợ đau khổ 9 tháng trời một mình nuôi con bạo bệnh
Sau nghe nghe tin đứa con trai bị mắc căn bệnh não úng thủy quái ác, chi phí điều trị là vô cùng lớn, người chồng bất ngờ biệt tăm. Để lại cô vợ trẻ bơ vơ, một mình quờ quạng tìm sự sống trong vô vọng cho đứa con trai đầu lòng tội nghiệp.
9 tháng nay, khoa Ngoại Thần kinh bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) đã gần như trở thành ngôi nhà thứ hai của mẹ con chị Quách Thị Trúc Hà (24 tuổi, ngụ huyện Cầu Kè, TP Trà Vinh). 9 tháng trời ròng rã vào ra bệnh viện, đi kèm với 9 lần phẫu thuật mỏi mòn đã khiến bụng bé Quách Ngọc Long chi chít những đường mổ lớn nhỏ. Oái oăm thay, suốt quãng thời gian đằng đẵng chống chọi với tử thần của đứa bé 15 tháng tuổi lại chỉ có một mình người mẹ bên cạnh. Cha em đã bỏ rơi hai mẹ con ngay khi biết em mang bạo bệnh.
Con bạo bệnh, chồng hững hờ quay mặt
Tiếp chúng tôi, chị Trúc Hà mỉm cười. Cũng phải, những ngày vừa qua chắc đã lấy đi hết nước mắt của người vợ trẻ, mà phần lớn trong số đó, là lúc ký giấy cho con mổ, vô tình nghe người ta nhắc đến cha bé Long. Họ hỏi: Sao chỉ có mình mẹ đứng mũi chịu sào, cha nó đâu, bộ gặp bất trắc rồi hay sao?… Nghe những lời này, có ai trong hoàn cảnh đó không giọt ngắn giọt dài.
Đợi con ngủ say hẳn, chị Hà mới kể lại câu chuyện của mình. Năm 2014, cô gái trẻ kết hôn với một người đàn ông cùng quê, hơn mình 8 tuổi. Người chồng làm nghề lái xe, còn vợ mưu sinh bằng một hàng nước mía nhỏ. Tưởng sẽ hạnh phúc bởi hai người đã tìm hiểu nhau gần 2 năm ấy vậy mà khi lấy về, hai vợ chồng thường xuyên cãi nhau. Trong một lần mâu thuẫn, chị Hà dọn đồ về nhà cha mẹ ruột, khi ấy, chị đã mang thai đứa con đầu lòng được 6 tháng.
Đứa con trong bụng là sợi dây liên kết, nên trong những ngày không sống cùng nhà vì giận nhau, người chồng cũng năng tới lui thăm vợ. Đến khi chị Hà lâm bồn, anh chồng cũng trực tiếp chở vợ đi sinh. Quả ngọt đầu tiên của cuộc sống hôn nhân rốt cuộc cũng nảy nở với hai người khi chị Hà cho ra đời một bé trai bụ bẫm.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Ít lâu sau, đứa bé giở chứng, khóc lóc suốt mà không rõ nguyên nhân, lại ho kéo dài. Đưa con đến một bệnh viện Nhi tại Cần Thơ thăm khám nhưng tình trạng đứa bé vẫn không thuyên giảm, gia đình lại tiếp tục chuyển bé lên bệnh viện Nhi Đồng 2.
“Từ lúc bé nằm viện ở Cần Thơ là anh ấy bắt đầu than bận việc, chỉ lên thăm đúng một lần và cho bé 3 triệu đồng. Hôm chuyển bé lên BV Nhi Đồng 2 là ông nội bé thuê xe cho hai mẹ con đi. Nhưng sau khi nghe bác sĩ thông báo con em bị não úng thủy rất nặng, chi phí điều trị rất cao cũng như hi vọng chữa khỏi thấp, ông nội của bé đưa cho em 2 triệu rồi bỏ về. Em cứ nghĩ vài bữa chồng em sẽ lên, bởi dù sao cũng là con anh ấy, nhưng chờ mãi không thấy. Lúc đó bé được 6 tháng, nay đã 15 tháng rồi…” – chi Hà kể như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua.
Không có chồng kề bên, một người phụ nữ chân yếu tay mềm như chị khó mà gánh nổi. Lo con gái sẽ ngã quỵ, bà ngoại bé Long rời quê nhà lên Sài Gòn phụ chăm sóc cháu, trong khi ông ngoại dưới quê vừa phải gắng gượng thân già nai lưng cày cuốc ngoài đồng, vừa phải chạy từ làng trên xóm dưới vay tiền chữa bệnh cho cháu.
“Lần mổ đầu tiên của bé Long, em cũng có điện về báo cho gia đình chồng nhưng họ hờ hững, nói có chuyện không lên được. Còn chồng em thì biệt tăm. Mấy lần sau cũng y chang vậy, thậm chí những lần bé được xuất viện về nhà chơi ít hôm họ cũng không qua thăm. Nên em biết họ đã không còn muốn nhận đứa nhỏ” – chị Hà nói khi nhìn con bằng đôi mắt buồn rười rượi.
Chỉ mong con được khỏe mạnh, chạy nhảy như bao đứa trẻ khác
Bác sĩ Lê Tròn Vuông, người trực tiếp điều trị cho Quách Ngọc Long cho biết, bệnh nhi đã được mổ tổng cộng 9 lần để đặt ống dẫn lưu dịch não tủy xuống tim và ổ bụng. Tuy nhiên do cơ địa của bé rất đặc biệt, màng bụng hấp thu kém nên ống bị tắc và nhiễm trùng, cần phải rút ra để đặt lại.
“Hiện tại, chúng tôi chuẩn bị mổ lần nữa để tiếp tục rút dịch từ não thất xuống ổ bụng cho bé. Nếu cơ thể bé không đáp ứng nữa thì có lẽ là hết cách. Vì não thất bé có nhiều nang dịch nên cần có hệ thống ống nối chạc ba để giảm sang chấn và ít nhiễm trùng. Nhưng bệnh viện không có loại ống này mà chỉ có ống nối đơn thuần. Nếu gia đình có thể đưa bé ra nước ngoài để đặt ống nối chạc ba thì khả năng cứu bé sẽ cao hơn” – BS Vuông cho biết.
Nhưng đi bằng cách nào khi mà điều trị trong nước cũng là quá sức đối với người mẹ. Chuỗi ngày lo cho con vừa qua không chỉ ngốn hết tâm sức mà còn khiến người mẹ ôm một món nợ gần 70 triệu đồng. Số tiền ấy đối với gia đình chân lấm tay bùn như chị là quá khó để trả.
“Mấy bữa nay nhờ các y tá trong khoa thương, chia sẻ hoàn cảnh của em mà có một số mạnh thường quân đến giúp đỡ. Có người còn hứa sẽ tìm cách giúp con em qua Singapore chữa bệnh. Em giờ chỉ mong con mình được khỏe mạnh, có thể chạy nhảy vui đùa như bao đứa trẻ khác” – chị Hà mong mỏi.
Xem ra con đường tìm hi vọng sống cho đứa bé ở xứ người còn rất xa, khi mà chi phí quyên góp cho đứa trẻ vẫn đang khá khiêm tốn. Trong khi đó, bệnh tình của Ngọc Long để càng lâu thì nguy cơ nhiễm trùng não càng cao.
Đứa trẻ giật mình, khóc nấc. Chị Hà một tay dỗ con, tay còn lại tháo chiếc ống truyền kháng sinh bên trái. Trên đầu đứa bé, hiện rõ những vệt thuốc màu đỏ ngầu. Nó là biểu hiện rõ ràng cho hoàn cảnh xám xịt hiện tại của hai mẹ con.
“Từ ngày thằng bé đổ bệnh tới giờ, tôi không thấy chồng hay cha mẹ chồng của cô Trúc Hà tới nhà thăm con cháu. Thực sự tôi không hiểu được sao họ có thể hành xử như vậy, dù hai vợ chồng có xích mích gì thì cũng phải cùng lo cho con chẳng may mang bệnh chứ. Cha mẹ nó phụ thì phụ thôi chứ không lo nổi vì khổ muốn chết” – ông Thái Thanh Điền, trưởng ấp Châu Hưng, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè, TP. Trà Vinh chia sẻ về trường hợp của chị Quách Thị Trúc Hà.”