Thực hiện di nguyện của chồng hiến xác cho y học, người vợ khốn khổ với điều tiếng “bán xác chồng”
Thực hiện nguyện vọng của chồng chị Phòng đã hiến toàn bộ xác của chồng cho y học để cứu những người kém may mắn khác.
Quyết định hiến xác từ khi còn sống
Vào một ngày trời âm u giá rét, cơn mưa phùn lại càng khiến tiết trờ trở nên se lạnh hơn, chúng tôi đã tìm về ngôi nhà của chị Nguyễn Thị Phòng ở thôn Đồng Trạng (xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) gặp người phụ nữ hiến xác chồng cho y học và hiến những bộ phận trên cơ thể còn dùng được để cứu sống người khác.
Đón chúng tôi ở trước cửa nhà, chị Phòng niềm nở: “Mời các cô vào trong nhà xơi nước cho ấm bụng, trời lạnh như thế này đi lại vất quá”. Rót nước mời khách xong, chị Phòng thắp nén nhang cho người chồng đã khuất rồi bắt đầu tâm sự: “Dù đã 4 tháng trôi qua nhưng tôi và các con vẫn luôn tự hào về anh ấy. Anh ấy đã dũng cảm làm một việc hết sức ý nghĩa và thiết thực”.
Nhìn những cử chỉ, hành động khi chị nhắc về người chồng đã khuất, ánh mắt chị Phòng trũng xuống và đượm buồn, tôi thấu hiểu chị đau khổ nhường nào khi mất đi người thân.
Chị Phòng kể, anh Nguyễn Xuân Trường (57 tuổi, chồng chị) có ý định hiến toàn bộ xác cho y học vào hồi tháng 7/2017. Khi đó chồng chị nghe đài và nói muốn đi đăng ký hiến xác khi qua đời. Lúc đầu nghe xong, chị phản đối gay gắt nhưng sau được chồng tâm sự, giải thích chị hiểu ra được vấn đề nên đã đồng ý.
“Lúc chưa bệnh tật gì anh ấy bảo, tớ không biết sống đến bao giờ nhưng khi nào tớ mất tớ cứ hiến tạng họ lấy được gì cứu ai thì càng tốt tốt. Mình không phải lo lắng gì đâu, tớ làm phúc để tích đức cho con cái, mình cứ yên tâm để tớ ra đi thanh thản”, chị Phòng nhớ lại.
Theo lời chị Phòng, chồng chị nói là làm, sau đó đi đăng ký hiến xác và xuống dự lễ tri ân. Chị Phòng bảo, khi chồng chị xuống làm lễ tri ân về có nói: “Họ làm lễ chu đáo lắm, sau này họ thiêu luôn cho sạch sẽ, mẹ mày cứ để anh ra đi như vậy không phải lăn tăn đâu, ở đấy còn sướng hơn ở nhà, lại mát mẻ nữa”.
Quá trình chờ thủ tục giấy tờ để hiến xác, anh Trường đổ bệnh, phải nằm điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, anh Trường vẫn liên tục thúc giục gia đình và người thân nhớ thực hiện tâm nguyện hiến xác của mình.
Mang tiếng “bán xác chồng”
“Trước khi anh ấy mất, tôi đã lấy hết can đảm gọi về trung tâm hiến xác để làm theo nguyện vọng của chồng. Lúc đầu, phía trung tâm nói chỉ lấy được gân, giác mạc, da và sụn, các bộ phận còn lại để cho gia đình chôn cất nhưng sau đó họ lại lấy tất và mang xác anh ấy đi”, chị Phòng chia sẻ.
Lúc đầu, khi anh Trường vừa từ giã cõi đời, một số thành viên của gia đình không đồng ý với việc hiến xác. Thế nhưng chị Phòng đã rất kiên quyết và từ tốn giải thích đó là nguyện vọng của anh Trường muốn cái chết của mình có ý nghĩa mọi người đều đồng ý… Vậy là thi thể của anh Trường được chuyển về Học viện Quân y.
Khi được hỏi về phần thân thể còn lại của anh Trường bao giờ sẽ trở về với gia đình chị Phòng chia sẻ, chị nhất trí để xác chồng lại cho 5 năm sau đó sẽ cho chồng quay trở về nhà. Sau khi chồng mất chị Phòng vẫn tổ chức ma chay như bình thường chỉ có điều không có xác và mộ.
Quan niệm xưa vẫn nói “chết phải toàn thây”, đây là quan niệm rất nặng nề. Bởi vậy, dù đã làm một việc vô cùng ý nghĩa nhưng việc trở về nhà không có thi thể của chồng đã khiến chị Phòng chịu nhiều lời cay đắng, dèm pha, mang tiếng ác “bán xác chồng”.
“Dân làng lúc đầu đồn đại, bàn tán xôn xao tôi bán xác chồng, họ còn nói tôi bán thi thể chồng được nhiều tiền lắm! Nghe thấy vậy tôi rất đau long nhưng mình làm việc thiện thì kệ thôi, biết sao được. Tôi vẫn nói với các con, bố mày ra đi thanh thản như thế này, sau mẹ cũng thực hiện như vậy”, chị Phòng nói.
Không chỉ riêng chị Phòng, mẹ chồng chị – bà Nguyễn Thị Tỵ cũng phải sống trong ánh mắt nghi kỵ của rất nhiều người khi đồng ý hiến xác con trai cho y học. Có người còn hỏi thẳng bà Tỵ “bà bán xác anh Trường được nhiều tiền không”.
Người mẹ già chỉ nhỏ nhẹ trả lời “đó là di nguyện của con trai và tôi đồng ý. Chúng tôi làm việc thiện chứ nào có đồng xu nào”.
Nói về những điều tiếng mà gia đình phải trải qua, chị Phòng nói rằng, thời gian đầu cũng thấy áp lực khi phải nhận lấy những lời nghi kỵ, dèm pha. Tuy nhiên, bây giờ chị Phòng lại thấy tự hào vì hơn ai hết chị hiểu được di nguyện tốt đẹp của chồng.
Thậm chí chị Phòng khẳng định, sau này chị cũng “đi theo chồng”, nghĩa là cũng sẽ quyết định hiến xác cho y học. Chị Phòng chia sẻ, mình chết là hết nhưng một phần cơ thể của mình sẽ giúp ích được nhiều người thì hiến xác là việc làm đáng làm lắm.
Theo Đời sống Plus/GĐVN