Nghẹn lòng khi chứng kiến cảnh người vợ cụt 2 chân, suốt 5 năm chăm chồng liệt nửa người trong bệnh viện khiến bao người rơi nước mắt
Người ta cho rằng khổ đau sẽ vơi đi, gian khó sẽ bớt lại và hạnh phúc sẽ trở nên trọn vẹn nếu bên ta là một người bạn đồng hành. Câu chuyện mối nhân duyên trùng hợp đôi vợ chồng tật nguyền dưới đây phần nào minh chứng cho điều ấy là sự thật.
Một tháng trước, anh Cường phải cắt nốt chiếc chân còn lại vì hoại tử. Đau đớn nhưng anh vẫn trêu vợ ‘từ giờ hai vợ chồng giống nhau rồi’.
Hơn một tháng nay, bước vào khoa phẫu thuật khớp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, người ta sẽ thấy bóng dáng một người phụ nữ đặc biệt. Chị không có đôi chân như những người khác, nhưng vẫn bước đi vững chãi bằng hai đầu gối. Phần bắp chân ít ỏi còn sót lại được người phụ nữ ấy buộc cố định bằng hai sợi dây cước kết chặt trên đế dép cao su.
Chị là Nguyễn Thị Đào, 35 tuổi, không phải bệnh nhân như nhiều người vẫn nghĩ. Chị ở đây để chăm sóc cho chồng mình, anh Dương Văn Cường, 37 tuổi, quê Thái Nguyên, bị liệt nửa người năm 2004 sau tai nạn giao thông. Sau 7 cuộc phẫu thuật, mới nhất là một tháng trước, giờ anh hoàn toàn mất đi toàn bộ phần cơ thể phía dưới, từ thắt lưng. Vài ngày nay, vết mổ lại biến chứng khiến anh đau nhức ngày đêm.
Tranh thủ lúc chồng được các bác sĩ đưa đi kiểm tra vết mổ, người phụ nữ quê Tuyên Quang leo vội lên giường, sắp xếp chăn gối, đặt bỉm và miếng lót để anh về có chỗ nằm êm. Đôi tay búp măng của chị thoăn thoắt làm mọi thứ, gọn gàng đâu ra đấy. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn một chút, nó chi chít những vết sẹo nhỏ, một phần minh chứng cho cuộc đời cơ cực của chị suốt những năm qua.
Hướng đôi mắt đỏ hoe nhìn ra ô cửa nắng chói, chị Đào tâm sự mình sinh ra đã không có đôi chân lành lặn như bao người. Chị phải đi bằng đầu gối, có khi còn phải bò. Gia đình chị cũng khó khăn nên không có tiền đưa con xuống thành phố chữa bệnh. Mãi đến năm 20 tuổi, nhờ một chương trình phẫu thuật từ thiện, chị mới có thể đứng lên đi lại như người bình thường, dù vẫn còn hơi khập khiễng.
Năm 2000, chị kết hôn với một người đàn ông cùng quê, và sinh hai con, một gái, một trai lần lượt vào năm 2001 và 2008. Chị đi làm may, chồng làm thêm vài việc vặt, cuộc sống khó khăn nhưng êm ấm. Song, 10 năm sau tai họa đến với chị một lần nữa.
Những cơn đau ở chân ập đến, dai dẳng, khiến chị ăn không ngon ngủ không yên. Đi khám, các bác sĩ nói chân chị bị hoại tử, cần phải cắt bỏ gấp nếu không sẽ nguy hiểm tới tính mạng. Đau đớn, tuyệt vọng nhưng chị vẫn bước lên bàn mổ năm 2012. Chỉ một thời gian ngắn sau khi chị phẫu thuật, chồng chị đã bỏ đi không nói một lời, để lại chị một mình với hai đứa con thơ.
“Đó là những tháng ngày đen tối nhất trong cuộc đời tôi, nỗi đau như kéo dài bất tận… Nhưng rồi tôi tự nhủ, nếu mình không mạnh mẽ, hai đứa con tôi sẽ ra sao. Tôi lấy lại tinh thần, rồi theo mọi người đi bán tăm ở chợ lấy tiền nuôi con qua ngày”, chị rớt nước mắt nhớ về quá khứ.
Ở một nơi cách chị hơn 80 km, anh Văn Cường cũng có hoàn cảnh éo le không kém. Anh sinh ra vốn là một người khỏe mạnh, nhưng tai nạn giao thông tháng 8/2004 khiến anh nằm liệt một chỗ khi bị đứt ruột, gãy xương sườn, vỡ thận và đứt tủy sống. Anh phải nằm Bệnh viện Việt Đức dưới Hà Nội cả tháng trời.
Ba năm sau ngày anh gặp nạn, vợ anh cũng bất ngờ bỏ đi, bặt vô âm tín, bỏ lại cho anh hai đứa con trai, đứa lớn 8 tuổi, đứa nhỏ khi đó mới hơn 3 tuổi. Mọi sinh hoạt của anh đều phải nhờ đến cha mẹ già yếu. Không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình, anh theo một số bạn bè, cũng bị tật nguyền giống mình, xuống Thái Nguyên bán tăm. Nơi đây, anh tình cờ gặp chị Đào. Hai trái tim bị tổn thương, hai mảnh đời khốn khó tìm thấy mình trong hình ảnh đối phương. Họ đến với nhau bằng sự sẻ chia và tình cảm chân thành nhất.
“Món quà đầu tiên anh ấy tặng tôi là một đôi bông tai. Nó không có giá trị gì to lớn nhưng với tôi khi đó thực sự đáng quý, như chính con người của anh vậy”, chị Đào nói.
Biết con gái có ý định lập gia đình với người đàn ông tật nguyền, bố mẹ chị Đào phản đối kịch liệt. Họ nói chị đã thế, chăm sóc cho bản thân và hai con đã mệt, giờ lại lấy một người giống mình, khó khăn vất vả chồng chất. Thế nhưng bỏ qua tất cả, chị vẫn kiên quyết đến với anh. Lễ báo hỉ nho nhỏ với vài mâm cỗ của anh chị diễn ra vào một ngày cuối năm 2012.
Khi về sống chung, anh chị từng lo lắng 4 đứa trẻ khó thân nhau nhưng dường như hiểu hoàn cảnh và thông cảm cho bố mẹ, chúng nhanh chóng thân thiết như anh em ruột. “Nếu chỉ nhìn bề ngoài, mọi người sẽ không thể biết sự khác biệt máu mủ trong gia đình tôi vì chúng gắn bó và yêu thương nhau lắm. Nhìn hai đứa con tôi sà vào lòng, âu yếm cô ấy, lòng tôi rộn niềm vui”, anh Cường nhớ lại.
Chị Đào tận tình chăm sóc chồng trong bệnh viện
Thế rồi những ngày tháng cơ cực nhưng hạnh phúc ấy cũng chẳng kéo dài được lâu khi đôi chân của anh bị hoại tử. Tháng 3 vừa rồi, các bác sĩ tiến hành cắt chân trái và một tháng trước cắt nốt chân phải của anh Cường vì sợ sẽ nguy hiểm tới các bộ phận khác. May mắn là chi phí phẫu thuật được một tổ chức từ thiện giúp đỡ nên chị Đào cũng nhẹ gánh phần nào.
4 giờ chiều, các bác sĩ gọi người nhà bệnh nhân lấy cáng. Không thể đẩy được xe nên chị phải nhờ một người cùng phòng đưa anh về. Vừa đỡ anh xuống giường, chị vừa liên mồm hỏi tình trạng bệnh của anh. Chị lo lắng vì suốt đêm qua anh nói đau, không thể ngủ nổi.
Nét mặt chị giãn ra một chút khi được các bác sĩ nói vết mổ đã khá hơn, nhưng ngày ra viện vẫn chưa biết bao giờ vì cần phải theo dõi thêm. Chị nhẹ nhàng lấy tay vuốt tóc anh, nắn bóp đôi bàn tay gầy guộc của chồng rồi vội vàng trèo xuống khỏi giường, vào nhà vệ sinh, lấy chậu nước, lau khắp người cho anh dễ chịu.
Những ngày chăm anh trong bệnh viện, vì đi lại nhiều nên chân chị đau nhức, nhiều khi chị bị trượt ngã trong nhà vệ sinh bởi dép trơn, nhưng chị không để ý. Niềm mong ước của chị bây giờ chỉ là anh đỡ đau, chóng khỏi và về được nhà. Biết chồng buồn nên ngày nào chị cũng động viên anh, nói anh cố gắng ăn uống, chữa bệnh để còn về với các con. Từ ngày bố đi viện, 4 đứa con chị phải gửi nhờ anh em, họ hàng.
“Chăm tôi vất vả nhưng vợ chưa bao giờ than khổ một lời. Người thường đã mệt, huống chi chỉ có một mình cô ấy, cũng bệnh tật liên miên. Bác sĩ nói nếu cứ đi lại như bây giờ, đầu gối cô ấy sẽ bị hỏng. Tôi thương vợ lắm nhưng không biết làm sao. Chỉ mong vợ có được đôi chân giả đi lại như bao người”, anh Cường vừa nói, vừa lau vội giọt nước mắt chực rớt xuống.
Trong hoàn cảnh khốn khó nhất, đôi vợ chồng ấy vẫn chẳng mong ước gì cho bản thân mình, một lòng một dạ chỉ muốn điều tốt nhất cho bạn đời. Như cách nói của chị Đào thì hai người như hai mảnh ghép, ông trời thương cho họ đứng gần nhau, tương trợ nhau. Chỉ có điều, cả hai mảnh đều không còn nguyên vẹn.
“Tôi và rất nhiều y bác sĩ, bệnh nhân ở đây xúc động trước tình cảm hai vợ chồng anh Cường, chị Đào, dành cho nhau. Đó thực sự là một tình yêu tuyệt vời. Cuộc sống của họ rất vất vả, bệnh tật đau đớn nhưng anh chị vẫn luôn lạc quan, và động viên nhau vượt qua tất cả”, anh Dương Văn Chúc, Điều dưỡng trưởng khoa xương khớp chia sẻ.
Theo Vnexpress