Gánh nặng vất vả cùng chồng liệt toàn thân bán tăm dạo mưu sinh mỗi ngày của người vợ trẻ

Để giành giật sự sống cho chồng sau vụ tai nạn, chị Na bán hết tất cả tài sản của mình lấy tiền chữa trị. Sau hai năm, người chồng trở về trong tình trạng liệt toàn thân, gánh nặng đè lên vai người vợ trẻ.

Hai năm cùng chồng giành giật sự sống

Gần một năm nay, người dân ở huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định) quen thuộc với cảnh tượng người phụ nữ trẻ, gầy gò, da đen sạm gồng mình đẩy chiếc xe lăn cùng chồng đi bán tăm bông dạo. Chồng chị bị liệt toàn thân, mọi sinh hoạt phụ thuộc vào đôi bàn tay chị chăm sóc.

Anh Dũng bị liệt toàn thân sau vụ tai nạn suốt 3 năm nay

Chị tên là Đinh Thị Na (26 tuổi, ngụ thôn Phù Lưu, xã Yên Thắng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). 6 năm trước, chị nên duyên vợ chồng với người đàn ông cùng làng là Nguyễn Văn Dũng (38 tuổi). Sau khi sinh con gái đầu lòng, hai vợ chồng quyết định bán đất đai để lên Lai Châu lập nghiệp. Tại đây, chị Na buôn bán còn chồng làm thợ xây trong các công trình xây dựng nhỏ lẻ.

Nhờ siêng năng, cố gắng làm ăn, chỉ hơn một năm sau, họ tích góp, mua đất, xây nhà và có cuộc sống ổn định. Nhưng rồi, không lâu sau đó, anh Dũng gặp tai nạn, gia đình lâm vào cảnh bế tắc.

3 năm trước, trong một lần đi lấy hàng giúp vợ, do đường núi hiểm trở, trơn trượt nên chiếc xe máy do anh Dũng điều khiển mất lái, gây tai nạn. Anh Dũng bị vật cứng đập mạnh vào sau gáy, bất tỉnh tại chỗ. Phải mất nửa năm trong tình trạng hôn mê sâu, anh mới tỉnh lại.

Vợ chồng chị Na cùng cô con gái

Để giành giật sự sống cho chồng, chị Na phải bán hết tất cả tài sản giá trị của gia đình để đưa chồng rong ruổi khắp các bệnh viện lớn nhỏ điều trị. Sau hai năm kiên trì chống chọi, anh Dũng xuất viện trở trong tình trạng liệt toàn thân vì không còn khả năng vay mượn. Mọi sinh hoạt cá nhân phụ thuộc vào đôi bàn tay người vợ.

“Để duy trì sự sống, hàng ngày chồng phải thở, ăn bằng đường dẫn vào thực quản ở cổ. Tôi phải nấu cháo loãng, nghiền nhỏ rồi bơm qua ống dẫn cho chồng. Thời gian dần đây, sức khỏe của anh có phần tiến triển, đã chủ động ăn được ít cháo, nói được đôi câu. Cứ như thế này chắc chắn một ngày nào đó chồng tôi sẽ có cơ hội đi lại được”, chị Na nhìn chồng hi vọng.

Cùng chồng bán tăm bông dạo mưu sinh

Trở về với hai bàn tay trắng cùng khoản nợ hàng trăm triệu đồng đã vay mượn trước đó để chữa trị cho chồng, chị Na phải đưa chồng con trở về quê ở Nam Định nương nhờ bố mẹ chồng vì không còn nhà để ở. Hiện cả gia đình chị đang sống trong một căn nhà được dựng tạm bằng mái tôn ngay trong đất của bố mẹ chồng.

Không ruộng vườn, không tiền bạc, để bấu víu với cuộc sống, chăm chồng nuôi con, hàng ngày, chị Na đẩy chồng trên xe lăn đi bán tăm bông dạo.

Để mưu sinh, hàng ngày anh Dũng (bên trái) cùng vợ đi bán tăm bông dạo

“Cực chẳng đã vợ chồng tôi mới phải như thế này. Giờ mọi sinh hoạt của chồng phụ thuộc vào tôi. Bỏ chồng ở nhà đi làm thì tôi không đành. Sợ chồng ở nhà một mình có mệnh hệ gì thì tôi sẽ hối hận cả đời. Ở nhà để chăm sóc chồng thì không biết lấy gì để ăn, thuốc thang cho chồng, tiền học cho con. Tôi đành đưa chồng đi bán tăm dạo qua ngày như thế này đây”, chị Na phân trần.

Bình quân mỗi ngày vợ chồng chị cũng bán được 20 gói tăm bông. Người qua đường biết hoàn cảnh, thương hại, cho thêm dăm nghìn, vài chục. Cả tiền bán tăm bông lẫn tiền bố thí trong một ngày của hai vợ chồng may mắn lắm cũng được 80 nghìn đến 100 nghìn, đủ để gia đình chi tiêu một cách tằn tiện.

Cô con gái của vợ chồng chị năm nay đã 5 tuổi, hiện đang theo học mẫu giáo ở trường làng. Hàng ngày, họ đi bán dạo, đến buổi lại quây quần bên nhau trong mâm cơm đạm bạc.

Vì không có tiền đưa chồng đi bệnh viện hay mời bác sỹ về tận nhà chăm sóc nên hàng tháng chị Na lại gửi tiền ra Hà Nội lấy thuốc điều trị ngoại trú cho chồng. Những lúc chồng khó thở, lên cơn đau, chị lại tự tiêm cho chồng. Một công việc mà chị chẳng hề được đào tạo qua trường lớp nhưng làm một cách thành thạo suốt gần một năm qua.

Chia sẻ với Emdep.vn, bà Nguyễn Thị Nam (trưởng thôn Phù Lưu) cho biết, từ khi anh Dũng gặp nạn, gánh nặng đè lên vai chị Na. Gia đình chị là một trong những hộ nghèo của xã nhiều năm nay. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào số tiền trợ cấp xã hội cho người khuyết tật mà anh Dũng nhận được hàng tháng cùng số tiền ít ỏi từ nghề bán tăm bông dạo và sự đồng cảm sẻ chia của người dân xung quanh.

Theo Emdep