Chúng ta thường không quý trọng những gì hiện có, để đến lúc mất đi rồi mới nhận ra đó chính là …
Chúng ta thường không thấy quý trọng những gì hiện có mà luôn mải đi tìm những thứ ở tận nơi đâu, để đến lúc mất đi rồi mới nhận ra đó chính là những gì quý nhất của mình.
Có một ông chủ giàu có tại thị trấn nọ luôn quyết định tự thưởng cho cuộc sống của mình những gì tốt nhất bù đắp cho quãng thời gian vất vả kiếm tiền trước đó. Ông muốn gì có thể mua, thích gì có thể làm. Tuy nhiên ông vẫn không cảm thấy hạnh phúc.
Một ngày nọ ông quyết định mang theo tất cả gia sản lên đường đi tìm hạnh phúc. Ông hỏi hết người thông thái này đến triết gia nọ xem hạnh phúc ở đâu, ông có thể đánh đổi toàn bộ gia sản mang theo để có được nó.
Miệt mài ngày nọ tiếp ngày kia ông vẫn không có được câu trả lời như ý. Một buổi chiều nọ, ngang qua triền núi nọ ông thấy 1 vị thiền sư đang ngồi thiền dưới 1 gốc cây cổ thụ. Ông tiến đến cũng với 1 câu hỏi xem hạnh phúc ở đâu, ông nguyện mang hết gia tài hiện có ra đánh đổi.
Vị thiền sư vẫn làm công việc của mình, không trả lời vị phú ông giàu có. Còn ông ta, chờ mãi không nhận được câu trả lời, nhân cây to bóng mát cũng ngồi lại nghỉ ngơi trước khi tiếp tục lên đường đi tìm hạnh phúc.
Trong lúc đang ngồi mơ màng, bất ngờ vị thiền sư bật dậy, cướp hết gia tài của vị phú ông và chạy mất. Hốt hoảng, ông ta ra sức đuổi theo, la hét nhưng không thể kịp. Ông ta đau khổ than vãn.
Bỗng phía xa kia, vị thiền sư mang theo mớ của cải quay lại trả hết cho ông ta. “Ông có thấy hạnh phúc khi nhận lại số của cải này không?”
Tất nhiên, tôi rất vui mừng, rất hạnh phúc – vị phú ông trả lời trong bối rối và xúc động. Ông đã chợt nhận ra, những thứ ông có hiện tại chính là hạnh phúc mà ông mãi đi tìm. Chúng ta thường không thấy quý trọng những gì hiện có mà luôn mải đi tìm những thứ ở tận nơi đâu, để đến lúc mất đi rồi mới nhận ra đó chính là những gì quý nhất của mình.
Thêm một câu chuyện khác:
Chuyện kể rằng, một sáng nọ, một văn phòng sở phúc lợi xã hội tại Mỹ nhận được một cuộc điện thoại từ một người mẹ. Bà nói rằng đứa con trai mới 16 tuổi của bà vừa vô tình bị đứt lìa một ngón tay không thể nối lại, và nó rất đau lòng.
Bà nói thêm trong nước mắt: Nó suốt ngày trốn trong phòng, không chịu đến trường, thậm chí còn không muốn nói chuyện với bất cứ ai.
Nhân viên văn phòng nói rằng bà có thể mang cậu bé tới văn phòng bất cứ lúc nào, sẽ có người nói chuyện cùng cậu bé.
“Nhưng thằng bé cảm thấy nó không còn trọn vẹn và không muốn gặp ai hết. Nó tự nhốt mình trong phòng không chịu đi đâu” – người mẹ đau khổ.
Phòng phúc lợi xã hội trấn an bà, bảo sẽ cử người đến vào sáng hôm sau.
Người mẹ lo lắng nên từ sáng sớm đã đến cửa phòng con trai gõ cửa, bảo rằng sẽ có một cô nhân viên xã hội đến thăm. Tuy nhiên, hàng loạt tiếng đồ đạc được ném ra cửa, cậu bé hét lên: “Con không muốn ai đến hỏi han gì cả, bảo cô ấy đi đi!”
Đến giờ hẹn, nhân viên xã hội đến gõ cửa nhà bà, vừa mở cửa, bà đã rất luống cuống xen lẫn ngạc nhiên, mở lời: Xin lỗi, con tôi đang ở trên lầu, lúc nãy tôi có báo trước sự xuất hiện của cô, nhưng con tôi không chịu gặp.
“Không sao, để tôi thử xem. Bà có thể giúp tôi cầm chiếc nạng lên trước chờ tôi được không?”
Cô nhân viên là 1 người cũng bị tật, 2 bàn chân của cô phải đeo đôi giày sắt rất nặng, mỗi bước lên cầu thang là cả một cố gắng phi thường của cô khi cô phải dùng lực 2 bàn tay bám vào lan can mà đu 2 chân lên, lại thả rơi cộp xuống bậc cầu thang kế tiếp. Song vì có đôi giày sắt, nên tiếng đặt chân của cô rất nặng nề và phát ra những âm thanh rất lớn.
Cậu thiếu niên trong phòng nghe thấy những âm thanh quái lạ, nặng nề mãi không dứt. Tò mò, cậu lại mở cửa phòng ra xem. Cảnh tượng hiện ra trước mắt khiến cậu chấn động hơn – một người phụ nữ với đôi chân không thể vận động bình thường lại đi an ủi 1 người chỉ bị mất đi 1 ngón tay…
Cô nhân viên xã hội không cần nói một câu nào, cậu bé đã tự hiểu rằng chút thương tích bản thân không đáng kể gì, trong xã hội đầy người bất hạnh hơn mình vẫn cố sống vươn lên.
Người ta thường đau khổ khi mất đi thứ gì đó thuộc về họ, mà họ đã quá quen thuộc. Tuy nhiên, nếu mở lòng ra, thì sẽ nhận ra hàng ngàn hàng vạn người cũng như họ, cũng mất đi những thứ đáng quý nhất vẫn có thể sống được.
Có những người thề hẹn rằng mất đi cái này cái kia, nếu không yêu được ai đó sẽ chết đi, mà không nghĩ đến rằng, trước khi có những món đồ đó, hay trước khi biết yêu người kia thì họ sống thế nào.
Chỉ một ví dụ đơn giản, nếu như không có internet, không có điện thoại, không có cửa hàng, tạp hóa các loại bạn có sống được không? Xin đừng trả lời không, vì hãy nghĩ đến trước kia, khi chưa có những thứ đó tại sao bạn, những thế hệ trước bạn vẫn sống tốt.
Thực ra con người luôn quan tâm, hoài niệm và tiếc nuối về những thứ đã mất mà lại không biết quý trọng những gì hiện có. Tuy nhiên “tư duy của con người không phải là bất biến”, nếu chúng ta có thể thay đổi nhận thức, cách nhìn sẽ dễ dàng hòa nhập vào cuộc sống mới và chấp nhận thực tại hơn.
Theo Tinh túy