Câu chuyện đằng sau hành trình yêu thương của cô em gái bị não úng thủy dặn chị trong ngày cưới khiến bao người rơi nước mắt: “Chị lấy chồng, đừng bỏ Lan nha!”
Muôn trùng yêu thương, muôn trùng day dứt, đó là những cảm xúc đối lập mà Xuân Thu đã sống trong 16 năm qua, kể từ ngày em chào đời.
“Happy birthday em gái của chị! Cảm ơn em vì đã luôn là động lực cho chị thương yêu chị, cho chị biết phấn đấu và cố gắng nhiều hơn nữa. Và em đừng buồn vì chị đi lấy chồng, vì hai chị em mình sẽ cùng nhau lớn lên em nhé. Thương em”.
Đó là vài dòng nhắn nhủ của chị gái Xuân Thu (sinh năm 1992) gửi cho cô em nhỏ của mình trong ngày sinh nhật em hôm qua, 14/1. 16 năm trước ngày cô bé chào đời là ngày định mệnh của gia đình Xuân Thu, ngày mang theo niềm hạnh phúc lớn lao của một gia đình có thêm trách nhiệm và tình thương với một đứa trẻ còn đỏ hỏn, đồng thời là ngày mang theo cả sự giày vò và nỗi tuyệt vọng mênh mông.
Đó là bởi, người em gái mà Thu nằng nặc đòi mẹ sinh cho mình có người bầu bạn bị não úng thủy – chứng bệnh cay đắng kéo bao gia đình vào cơn một cơn bão thương tâm không bao giờ dứt…
Tuổi thơ buồn của một bé gái “ngoài rìa” và ước mơ có một người em
Xuân Thu kể, cha Thu có một đời vợ trước. Sau khi dì ấy qua đời, ông bước thêm bước nữa với mẹ Thu, một giáo viên tiểu học ở Bình Dương. Tuổi thơ của Thu, đáng lẽ sẽ ấm êm bởi cô được sinh ra từ một cuộc hôn nhân tự nguyện của cha và mẹ nhưng không, ngay từ khi có mặt trên đời, Thu đã như đứng ngoài rìa cuộc sống.
Tuổi thơ của Thu trôi đi trong nỗi cô đơn, mẹ mải đi làm nên hai mẹ con không có nhiều thời gian bên nhau. Cha cô cũng đã lớn tuổi, khoảng cách thế hệ cũng xa nên hai cha con càng không thân thiết. Trong buồn bã cô đơn đó, cô chỉ thầm ao ước mình có thêm một người em để thủ thỉ, để có người bảo vệ mình, hay đơn giản chỉ để làm bạn.
Mãi đến năm 2001, bất ngờ mẹ Thu mang thai. Khi đó, cái thai này bị rất nhiều người phản đối vì ở tuổi 47, sinh con không tốt cho sức khỏe, đứa trẻ lại dễ gặp rủi ro về sức khỏe. Cha Thu năm đó cũng ngót nghét 64, khả năng lao động không còn, việc sinh thêm con là một gánh nặng.
Nhưng bất chấp mọi ngăn cản, dường như mẹ cha thấu hiểu nỗi lòng Thu, vẫn giữ lại đứa trẻ. Ngày 14/1/2002, một bé gái nhỏ xíu chỉ nặng 1,7kg, em gái Thu ra đời, được đặt tên Xuân Lan. Thu vẫn nhớ, ngày đó, em gái Xuân Lan xinh như búp bê vì nước da trắng, đôi mắt to và mũi thì cao vút. Cô hay đi khoe với bạn bè và mọi người trong xóm vì ước mơ có em của mình đã thành sự thật.
Hạnh phúc chưa lâu, nỗi buồn đã tràn tới, mịt mùng trong căn nhà nhỏ
Niềm vui của gia đình nhỏ cứ thế loang ra vào mỗi ngày mùa xuân khi ấy: tiếng cười nói của chị gái, tiếng khóc oe oe của em gái bé bỏng, cả tiếng à ơi ru em ngủ của mẹ và những câu trêu đùa bâng quơ của cha khi cố gắng nói chuyện với sinh linh bé nhỏ đến với ông vào con dốc bên kia cuộc đời.
Nhưng hạnh phúc bao nhiêu, cay đắng bấy nhiêu. Tới tháng thứ 6, em gái Xuân Lan có nhiều dấu hiệu bất thường khi không thể lật, không thể bò, lại có vẻ ngờ nghệch hơn bao đứa trẻ sinh cùng tháng khác. Vì vậy, bố mẹ Thu đã quyết định đưa em cô đi khám bác sĩ. Ngày Thu nép mình trong căn nhà nhìn bóng dáng bố mẹ khuất xa cùng em là ngày Thu mơ hồ thấy mái ấm của gia đình mình đổ vỡ mà không thể làm gì được. Cảm giác bất lực đó ám ảnh Thu đến tận bây giờ.
Bác sĩ chẩn đoán Xuân Lan bị căn bệnh não úng thủy, một căn bệnh khiến em dù cho có lớn lên đến cỡ nào cũng có trí óc như một đứa trẻ, cứ ngờ nghệch muôn đời vậy thôi. Căn nhà nhỏ bất giác tràn trề một nỗi u uất, sự giày vò và bất lực của mẹ và cha Thu.
Hành trình không mệt mỏi của mẹ và chị gái “bé” Xuân Lan
Không bỏ cuộc, mẹ của hai cô gái bằng mọi giá nuôi hy vọng cứu chữa được cho đứa con sinh muộn. Có thời gian, vào 3 tháng nghỉ hè, bà đã đưa hẳn Xuân Lan vào trường SOS tại Bình Dương để giúp con có thể làm vệ sinh cá nhân, hoặc ít ra là cũng hiểu người khác muốn gì bằng những bài tập ở trường. Sau đó, bà chạy đôn chạy đáo xin người quen cho con đi học một lớp mầm non ở địa phương với hy vọng, Xuân Lan có thể bắt chước các bạn bình thường và có một cuộc đời ít ngây dại hơn.
Thậm chí, mẹ chị còn năn nỉ một số giáo viên đồng nghiệp cho con mình được đi học lớp một, để được biết chữ, biết ê a đánh vần, được học những kiến thức bình thường mà mọi đứa trẻ cần phải hiểu, phải biết. Nhưng tất cả đều vô vọng. Xuân Lan đã được gắn vào một phận đời chỉ có khóc và cười.
Thu vẫn còn nhớ: “Hồi đó còn nhỏ, mình có biết gì đâu. Cũng có những khi mình mặc cảm về đứa em này lắm, giấu không cho bạn bè biết. Nhưng sau mình nghĩ lại, em gái mình vốn đã thiệt thòi rồi, bây giờ mình không chấp nhận nó nữa thì mình… ‘ác’ quá, phải không?
Nhớ có một lần, nó đi học lớp 1, đi vệ sinh ngay trong quần ở lớp. Cô giáo giận quá cho nó đứng phạt ở hành lang, không được ăn trưa. Vô tình thấy cảnh đó, lúc nó đứng ngây ngô một mình ở hành lang, nắng trưa gắt tạt vào người, mình xót xa không thể tả được”.
Suốt những tháng ngày đó, không ít lần chứng kiến em gái Xuân Lan bị bè bạn trêu chọc, hoặc những người ác ý trong xóm trêu ghẹo, Thu cũng chỉ biết mím môi nắm tay lôi em gái về, để mắt tới em gái và giải nguy cho em, chứ cũng chẳng biết làm gì khác.
Rời xa nhà để tìm sự cứu rỗi và chút bình yên cho cô em gái nhỏ
Xuân Thu bảo, dường như khi người ta đối diện với quá nhiều bi kịch và nỗi lo thì người ta sẽ có xu hướng “trút giận” lên một đối tượng khác. Mẹ của cô, sau quá nhiều áp lực, bế tắc dường như đã dồn mọi khát vọng về một cuộc sống bình yên lên Thu. Bà kỳ vọng Thu sẽ làm giáo viên và sống cạnh gia đình để chăm nom cho em gái, trong khi Thu có một ước mơ khác.
Quá ngột ngạt, không chấp nhận sống cuộc đời “yên lành” đầy sóng ngầm như mẹ, Thu quyết tâm bứt khỏi gia đình. “Lúc có giấy báo nhập học Đại học, mình đã muốn nói với mẹ ngay là mình cần phải đi nhưng chị sợ em gái ở nhà không ai lo lắng, nó ngờ nghệch như vậy, nhỡ bị bắt cóc chắc là mất luôn không tìm được đường về nhà.
Năm đó, những tin đồn về bắt cóc trẻ em, những vụ “lạm dụng” trẻ em được đăng đầy trên báo đài mỗi ngày nữa khiến mình băn khoăn. Nhỡ khi mình đi học, Xuân Lan có mệnh hệ gì, cha mẹ cũng lớn tuổi hết, ai sẽ lo lắng cho gia đình…”.
Nhưng cuối cùng, Thu cũng vượt qua những nỗi lo đó để rời gia đình, tạm rời xa em gái để đi học. Ngày Thu đi, cô phải bước qua vài cung đường đủ xa để không ai nghe thấy tiếng khóc, để nỗi buồn của cô, của em gái Xuân Lan, của mẹ, của cha được sự im lặng bao bọc. Bởi chỉ khi im lặng, cô mới không thấy mình bội bạc vì rời bỏ gia đình đang rất cần mình.
Sau cơn mưa trời lại sáng, cuối đường hầm là vệt nắng
Thu kể, cô lao vào học hành vào ban ngày, ban tối và những ngày nghỉ, cô đi làm thêm. Thu sống đơn giản nhất có thể, chắt chiu để dành tiền mình làm ra trang trải học phí và mua cho em gái ngây dại vài món quà khi cô về thăm nhà.
Cuối cùng, những cố gắng của Thu đã được đền đáp. Ra trường, cô có một công việc ổn định và một mức thu nhập tạm gọi là đủ sống, đủ sức phụ mẹ lo cho em. Những ngày tháng này, cô vẫn sắp xếp công việc để có thời gian về thăm em, phụ mẹ đưa em đi học, đưa em đi chơi công viên. Thu hạnh phúc nhất là khi hỏi em gái mình: “Lan thương ai nhất?”, và được em gái trả lời là: “Thương chị nhất trên đời”.
Mãi cho đến khi gặp được ông xã hiện tại, dù yêu, Thu vẫn rất đắn đo chuyện tiến tới hôn nhân. Bởi anh ấy là Việt kiều, có gia đình bố mẹ ở Mỹ. Nhiều người muốn ra nước ngoài sống, Thu thì không, bởi cô nghĩ đến việc phải theo chồng rời xa gia đình, chẳng có ai chăm lo mẹ cha già, săn sóc cho cô em gái ngây dại. Nhưng sau khi “thương lượng” với người yêu: kết hôn rồi, gia đình nhỏ sẽ sống ở Việt Nam, Thu đã can đảm đi đến hôn nhân.
“Ngày mình báo tin lấy chồng, cha mẹ ai cũng mừng, nhưng riêng em gái Xuân Lan thì khóc. Con bé cứ nghĩ chị theo chồng là sẽ bỏ em, em không được gần gũi hay ngủ với chị nữa nên buồn lắm, cứ nói: “Chị Vỹ (tên ở nhà của Thu) lấy chồng, đừng bỏ Lan nha”. Ngày đám hỏi của mình, Xuân Lan cũng mếu máo mấy lần làm mình không thể nào không rơi nước mắt”.
Hiện tại, Thu đang sống cùng chồng trong một căn hộ chung cư ở quận 7, TP.HCM. Công việc của vợ chồng cô ổn định và tương đối bận rộn, dù vậy, cô vẫn sắp xếp để thường xuyên cùng chồng về Bình Dương thăm nhà. Cũng có khi, mẹ và Xuân Lan lên Sài Gòn thăm Thu, rồi cô đưa em gái và mẹ đi đây đi đó chơi, ăn uống hoặc xem phim.
“Mình muốn sau này dành dụm đủ mua một căn nhà rộng rãi ở đây để đưa cha mẹ và Xuân Lan về Sài Gòn sống luôn. Sau đó, mình sẽ tìm trường học dành riêng cho những em bé như Xuân Lan, để em được đi học. Biết đâu, khi được học tập trong môi trường thích hợp, với những bạn bè giống mình, Xuân Lan sẽ vui vẻ hơn thì sao?
Với mình, Xuân Lan là một người em thiệt thòi, đáng thương, nhưng chính Lan đã tạo động lực cho mình vượt qua biết bao nhiêu là khó khăn mới có ngày hôm nay. Mình luôn mong muốn Lan sẽ có khoảng thời gian sau này thật tốt đẹp, không còn bị trêu ghẹo và không còn buồn bã nữa. Mình sẽ làm mọi điều tốt nhất cho em ấy” – Xuân Thu trải lòng.
(Ảnh: NVCC)
Theo Helino