Người cha tật nguyền ngày ngày bán tăm dạo kiếm tiền chữa bệnh cho con trai mắc bệnh hiểm nghèo, bụng căng phồng chực nổ tung
Hàng ngày chứng kiến con trai gồng mình gánh chịu đau đớn, cái bụng như muốn nổ tung vì căn bệnh hiểm nghèo, người cha tàn tật, bị nhiễm chất độc da cam cố gắng lê đôi chân chỉ còn da bọc xương của mình đi bán tăm, đũa dạo, hi vọng kiếm tiền chữa bệnh cho con.
Hoàn cảnh bi đát
Anh Nguyễn Bá Hùng (42 tuổi, ngụ xóm 12, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) sinh ra đã phải gánh chịu bất hạnh vì nhiễm chất độc da cam từ người mẹ. Cơ thể của anh gầy gò, chỉ còn da bọc xương, đi lại rất khó khăn, không thể làm được việc nặng.
Cũng vì nghèo khó, sớm mồ côi bố, tật nguyền nên dù đã nhiều tuổi nhưng anh vẫn không lấy được vợ. Mãi sau này, qua mai mối, người phụ nữ quá lứa lỡ thì ở làng bên, nhiều hơn anh 3 tuổi, chấp nhận cùng anh nên nghĩa vợ chồng.
Chị Nguyễn Thị Yên (45 tuổi, vợ anh Hùng) vốn không được thông minh, nhanh nhẹn, không biết chữ, không đi được xe máy, xe đạp nên suốt ngày chỉ biết quanh quẩn quanh nhà cơm nước cho chồng con.
Hoàn cảnh khó khăn, thu nhập chính trông chờ vào hai sào ruộng. Khó khăn càng chồng chất khi 4 người con trai lần lượt chào đời. Để có tiền trang trải cuộc sống, hàng ngày, anh Hùng theo hội những người tàn tật đi bán tăm, đũa kiếm thêm thu nhập. Cứ một tuần, nửa tháng mới về thăm vợ con một lần.
“Nghèo khó nên sau khi sinh hai đứa con đầu, tôi quyết định đi đặt vòng. Nhưng vòng đặt bị lệch, tôi lại mang thai. Khi phát hiện thì mới biết mang song thai đã gần 4 tháng. Vợ chồng tôi lo nhiều hơn mừng nhưng vẫn quyết định đói khổ đến mấy cũng phải cho con có cơ hội chào đời”, chị Yên tâm sự.
Cặp song sinh Nguyễn Bá Thắng và Nguyễn Bá Lợi (hiện 8 tuổi) chào đời cũng bình thường, khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Đến ngày thứ 3, thấy Thắng có biểu hiện bất thường, không “đi ngoài” nên vợ chồng anh đưa bé đi khám. Sau một thời gian theo dõi, bác sỹ kết luận Thắng bị táo bón bẩm sinh rồi giới thiệu ra bệnh viện tuyến trung ương. Vì không có tiền, vợ chồng anh Hùng đành bất lực, đưa con trở về chấp nhận số phận.
Càng lớn, cơ thể Thắng càng còi cọc, da xanh xao, cái bụng to vượt mặt. Suốt từ khi chào đời đến nay, đứa trẻ không có khả năng chủ động đại tiện. Cứ cách hai ngày, vợ chồng anh Hùng lại mua thuốc thụt hậu môn hỗ trợ đại tiện cho con. Vì bệnh tật, cái bụng to hơn người nên trông Thắng khó nhọc, ngày nào cũng ôm bụng khóc, than đau.
Sau 7 năm cố gắng dành dụm, tích góp được chút tiền, vay mượn anh em, họ hàng, vợ chồng anh Hùng đưa con vào bệnh viện tỉnh phẫu thuật, mong cái bụng con có thể nhỏ lại, chủ động đại tiện. Sau phẫu thuật, bụng có nhỏ lại một chút nhưng Thắng suốt ngày đại tiện ra quần mà không hề hay biết.
“Sau phẫu thuật tình hình bệnh con tôi càng nặng hơn. Tôi lại tiếp tục đưa con đi tái khám nhưng bác sỹ cho biết con trai tôi mắc bệnh hiểm nghèo, khả năng can thiệp chỉ đến vậy. Bác sỹ khuyên tôi nên đưa con ra Hà Nội nằm điều trị, theo dõi mới hi vọng có cơ hội cứu chữa. Thế nhưng, đến bữa cơm gia đình tôi còn chạy ăn từng bữa thì lấy đâu ra tiền đưa con ra Hà Nội chữa trị…”, nhìn con trai, anh Hùng thở dài chia sẻ.
Bán tăm dạo kiếm tiền chữa bệnh cho con
Suốt gần một năm nay kể từ ngày xuất viện trở về, Thắng ngày đêm phải mặc bỉm. Bình quân một ngày Thắng phải thay bỉm 3 lần. Chỉ tính riêng tiền bỉm đã mất 600.000 đồng/tháng. Gánh bệnh tật trong người nên trông Thắng thấp bé, còi cọc hơn nhiều so với những đứa trẻ đồng lứa, chỉ nặng 17kg. Hiện Thắng cùng người em song sinh đang học lớp 3.
“Đến bữa cháu không thấy đói bụng. Nhiều lúc đi học phát hiện mình “đi” ra quần, cháu buồn lắm, không thể tập trung học được, chỉ muốn về nhà thôi. Mặc bỉm suốt ngày cháu khó chịu lắm…”, bé Thắng chia sẻ.
Dù tàn tật, sức khỏe yếu nhưng anh Hùng là trụ cột trong gia đình. Với tâm nguyện một lần được đưa con ra Hà Nội chữa trị, hàng ngày, anh Hùng vẫn cố lê đôi chân tàn tật, yếu ớt của mình khắp nơi bán tăm đũa, tiết kiệm từng nghìn bạc lẻ.
“Ngày nào bán nhiều nhất cũng được 100.000 đồng, ngày mưa gió thì chỉ đủ tiền ăn trong ngày. Không dưới hàng chục lần vào nhà dân mời mua tăm, đũa bị chó dữ đuổi, chân yếu, không thể chạy được nên tôi bị chó cắn suốt, có khi sưng phù, phải nghỉ mất mấy ngày mới có thể đi lại được. Ấy thế mà tích góp mãi tôi vẫn không dư được đồng nào. Nhìn con đau đớn từng ngày mà tôi chỉ biết bất lực”, vừa nói, anh Hùng vừa xắn ống quần lên, chỉ vào hàng chục vết sẹo lớn nhỏ do chó cắn khi đi bán tăm, đũa.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Lê Thị Phượng (trưởng xóm 12) cho biết, bà Hồ Thị Vân (70 tuổi, mẹ anh Hùng) từng nhiều năm vào sinh ra tử tại chiến trường Bình – Trị – Thiên. Sinh được 3 người con trai thì mất 1 người bị tàn tật vì nhiễm chất độc da cam từ mẹ. Anh Hùng là con trai đầu trong gia đình. Sau anh Hùng còn một em trai suốt 40 năm chỉ nằm một chỗ.
Gia đình anh Hùng là một trong những hộ gia đình nghèo triền miên của xã. Vợ khù khờ, con đông. Thu nhập chính phụ thuộc vào số tiền trợ cấp xã hội hàng tháng anh Hùng được nhận và tiền bán tăm, đũa dạo hàng ngày. Con trai của anh lại mắc bệnh hiểm nghèo nên gia đình càng thêm túng bấn.
Hoàn cảnh của anh Hùng đang cần lắm sự đồng cảm, sẻ chia của độc giả xa gần.
Mọi đóng góp hảo tâm cho gia đình anh Hùng xin vui lòng gửi về địa chỉ: Anh Nguyễn Bá Hùng, xóm 12, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.Hoặc anh Phương (em trai anh Hùng) Số tài khoản: 3604205175878, tên TK: Nguyễn Bá Phương, ngân hàng Agribank, chi nhánh huyện Quỳnh Lưu. ĐT: 0983.424.959
Theo Helino