Cổ tích giữa đời thường: Cô giáo chủ nhiệm gọi điện cầu cứu bác sĩ, xin phẫu thuật bàn tay dị tật cho học trò nghèo
Thương học trò nhà nghèo bị dị tật bàn tay phải, cô chủ nhiệm đã không ngần ngại liên hệ bác sĩ nhờ phẫu thuật và xin được tài trợ kinh phí cho em.
Trưa nay (17/11), bác sĩ Nguyễn Xuân Anh, Trưởng khoa Vi phẫu tạo hình Bệnh viện Chấn thương chỉnh chình Sài Gòn – ITO (TP.HCM) vừa kết thúc công đoạn cuối cùng của ca phẫu thuật bàn tay phải cho bé gái 11 tuổi.
Đây là trường hợp của em Trần Ngọc Yến L. (trú tại quận Tân Phú, TP.HCM). Em bị tật bẩm sinh co rút các ngón 2,3,4,5 ở cả hai bàn tay, gặp rất nhiều khó khăn trong việc cầm nắm. L. luôn sống trong mặc cảm và tự ti, theo Người Lao Động.
Bác sĩ Xuân Anh chia sẻ, đầu năm 2017 ông nhận được cuộc gọi đầy xúc động của một cô giáo. Cô là giáo viên chủ nhiệm lớp của L. Nhà em rất nghèo, ba mẹ đi làm xa nên không có tiền cho con phẫu thuật. Suốt 11 năm qua, L. rất khổ sở với bàn tay dị tật. Em làm mọi việc vô cùng khó khăn, đặc biệt là khi cầm bút viết.
Sau khi trình bày cho bác sĩ nghe về hoàn cảnh của L., cô giáo chủ động đề nghị hỗ trợ chi phí phẫu thuật cho em.
Cảm động trước tình cô trò, bác sĩ Xuân Anh bắt tay vào công cuộc phẫu thuật. Một phần kinh phí do cô giáo đứng ra vận động cũng được gửi đến, góp sức cùng bác sĩ trong những ca phẫu thuật từ thiện cho học trò nghèo như câu chuyện của L.
Tháng 5/2017, bác sĩ tiến hành phẫu thuật đợt đầu tiên để L. kịp nhập học vào tháng 8. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 1 giờ 30 phút đã mở rộng da vùng khớp bị co rút. Một tháng sau, em đã hồi phục, duỗi được các ngón tay đến 80% so với ngón bình thường.
Ca mổ lần thứ hai thực hiện vào sáng nay kéo dài 90 phút đã thành công như mong đợi. Vài tuần sau mở băng, bé L. sẽ có một bàn tay phải lành lặn, bắt đầu thực hiện những chức năng mới.
Có bàn tay lành lặn để vui chơi, học hành, L. sẽ không quên hình ảnh cô chủ nhiệm hết lòng vì học sinh và vị bác sĩ đã cho em một cuộc sống bình thường như bao người. Câu chuyện về bé L. hệt như chuyện cổ tích đời thường giữa mùa Hiến chương Nhà Giáo (20/11).
Theo Người lao động