Xót cảnh hai con thơ mồ côi cha, đứa lớn thì bị bại não, đứa nhỏ không đi được cùng bám víu trên vai mẹ tật nguyền mưu sinh giữa Sài Gòn hoa lệ
“Biết ước gì bây giờ, mong các con có thể đi lại được, nói năng như người ta mà có được đâu”, ôm hai đứa trẻ vào lòng, người mẹ khẽ lau nước mắt rồi tiếp tục mời những người khách qua đường ủng hộ từng tờ vé số.
Xót cảnh 3 mẹ con tật nguyền bán vé số mưu sinh giữa Sài Gòn
Ba mẹ con tật nguyền bám víu lẫn nhau
Bất kể trời nắng hay mưa, đều đặn mỗi ngày từ 7h sáng đến tối mịt, hình ảnh người mẹ khoèo chân dắt theo 2 đứa trẻ tật nguyền ngồi một góc trước cổng chùa Bà Châu Đốc 2 (huyện Nhà Bè, TP.HCM) để bán từng tấm vé số đã trở nên quen thuộc với người dân sinh sống tại đây.
Người mẹ ấy là Lê Thị Bích Nguyệt (40 tuổi) cùng bé lớn Lê Ngọc Quý (12 tuổi, bị bại não bẩm sinh) và Lê Thành Đạt (10 tuổi, không đi lại được). Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo ở Khánh Hòa, chị Nguyệt may mắn có được một tổ ấm gia đình hạnh phúc khi đón đứa con trai đầu lòng với cái tên thật đẹp Lâm Ngọc Quý.
Nhưng nào ngờ, bé Quý chào đời không giống như bao đứa trẻ khác, không khóc, không cười cũng chẳng biết một lần cất tiếng gọi bố mẹ bởi chứng bại não bẩm sinh. Nuốt nước mắt vào lòng, hai vợ chồng chị Nguyệt động viên nhau để tiếp tục làm lụng, lo lắng cho bé Quý.
Hai năm sau, hi vọng lại được thắp lên cho gia đình chị khi bé Đạt cất tiếng khóc chào đời. Nhưng một lần nữa, số phận lại như đánh đố tình yêu của anh chị, một năm, hai năm trôi qua, bé Đạt vẫn không thể đi đứng, chạy nhảy như bạn bè trang lứa vì mắc chứng chậm vận động, phải cần sự trợ giúp của xe đẩy.
Chị Nguyệt nghẹn ngào nói: “Có bố mẹ nào lại không muốn con mình được sinh ra lành lặn cơ chứ, nhưng giờ nó vậy thì biết tính sao. Dù sao cũng là con mình dứt ruột đẻ ra, đâu thể nào bỏ được. Hai vợ chồng chị càng thương tụi nó nhiều hơn để bù đắp những mất mát mà tụi nó đã gánh chịu”.
Nói đến đây, chị Nguyệt bật khóc: “Nhưng mà, anh ấy nỡ lòng nào bỏ 3 mẹ con chị mà ra đi cơ chứ”.
Một tai nạn giao thông 5 năm trước đã cướp mất đi người chồng, người bố của 3 mẹ con chị Nguyệt. Khó khăn chồng chất khó khăn khi giờ đây, 2 đứa trẻ tật nguyền mồ côi cha chỉ còn biết nương nhờ tình thương của mẹ. Cố nén nỗi đau, chị Nguyệt quyết định rời quê để vào TP.HCM tìm kế sinh nhai. Kể từ đó, cuộc sống của 3 mẹ con chị Nguyệt gắn liền với những tấm vé số, rong ruổi khắp nẻo đường Sài Gòn để kiếm cơm ngày ba bữa.
Chị Nguyệt tâm sự: “Từ nhỏ cái chân chị đã bị tật, không đi vững lại phải ẵm 2 con nên có ai nhận vào làm đâu. Cũng nhờ đi bán vé số, được mọi người thương nên mua ủng hộ, ba mẹ con mới có cơm qua ngày”.
Mỗi ngày, ba mẹ con chị Nguyệt bán được khoảng hơn 100 tờ vé số, hôm nào đắt thì kiếm được khoảng 200.000 đồng, còn ế thì cũng kiếm được khoảng 50.000 đồng. Cứ thế 3 mẹ con đùm bọc nhau mà sống.
“Sợ nhất là những ngày hai đứa đau ốm, không đi bán vé số được là cả ngày hôm đó phải nhịn đói. Tiền trợ cấp khuyết tật của 2 đứa nó chỉ đủ để mua thuốc chữa bệnh mà thôi”, chị Nguyệt tâm sự.
Ước gì, thằng Đạt có thể đi được
Cũng vì hoàn cảnh khó khăn nên dù bé Đạt 10 tuổi vẫn chưa thể ghép vần, đọc được tên mình, cũng chẳng biết làm toán nhưng buôn bán tính tiền thì thuần phục chẳng thua kém ai.
Chị Nguyệt xúc động nói: “Thằng Đạt coi vậy chứ thông minh lắm, có tý tuổi đầu đã biết phụ mẹ bán vé số, tính tiền kiếm được mỗi ngày. Nó nói sau này sẽ học thật giỏi để lo cho mẹ và anh hai, mà từ trước giờ có biết lớp học thế nào đâu. Chị mới xin được cho nó học ở lớp tình thương gần nhà, nó thích lắm, chỉ mong nó biết đọc, biết viết là mừng rồi”.
Thích thú khi được đến trường gặp bạn bè, thầy cô, bé Đạt hào hứng khoe: “Con đã thuộc được hết bảng chữ cái rồi đó ạ, cô giáo đang dạy con đánh vần, ghép tên, con muốn viết tên mẹ đầu tiên, sau đến tên bố, tên anh hai và cả tên con nữa. Ước gì bố con sống lại thì tốt biết mấy, chú nhỉ”.
Nói đoạn, khuôn mặt của cậu bé thoáng buồn rồi hồn nhiên kể tiếp: “Con ước con đi lại được, không còn phải dùng xe đẩy nữa, con lớn con sẽ làm thật nhiều tiền để cho mẹ con, con không muốn mẹ phải khổ, anh hai không có sữa để uống nữa ạ”.
Nghe bé Đạt nói về ước mơ của mình, chị Nguyệt không giấu được xúc động, chị nghẹn ngào nói: “Coi nó còn nhỏ tuổi chứ biết chuyện lắm, chẳng bao giờ đòi hỏi mẹ mua cho cái gì cả. Ai cho đồ ăn nó đều mang về cho mẹ với anh hai. Ước gì nó đi được thì tốt biết mấy”.
Với số tiền kiếm kiếm được mỗi ngày từ việc bán vé số, chị Nguyệt vừa phải lo bỉm sữa, thuốc men, tiền nhà trọ, điện nước cũng như ăn uống cho 3 mẹ con. Dẫu thiếu trước, hụt sau nhưng chị Nguyệt không hề than trách hay buồn bã, chị tự hào nói: “Mình sống vì con, vì cái, có khổ mấy cũng chịu được. Chỉ cần nhìn thấy con mình khỏe mạnh, hiếu thảo là vui lắm rồi. Hôm trước có chị kia ngỏ ý muốn nhận nuôi Đạt nhưng nó nào chịu, nó bảo có ở với chị, ăn cơm trắng với muối nó cũng vui”.
Thấy hoàn cảnh gia đình chị Nguyệt khó khăn, lại phải nuôi thêm 2 đứa con tật nguyền, bà con quanh xóm đều hết mực thương yêu, lâu lâu người biếu chút cá, chút thịt, người cho hộp sữa để động viên 3 mẹ con chị cố gắng.
Chị Nguyễn Thị Mai (hàng xóm) chia sẻ: “Thấy ba mẹ con nó mà dứt ruột, suốt ngày chật vật với cuộc sống mưu sinh. Ở đây cũng toàn dân lao động, có giúp được nhiều cho mẹ con nó đâu. Chỉ mong có thêm được sự chung tay từ phía cộng đồng để giúp con Nguyệt có tiền chữa bệnh cho con, không còn nhịn đói vì hết gạo nữa”.
Theo Trí Thức Trẻ