Bi kịch cuộc đời người mẹ đơn thân bị nhốt trong cũi sắt sau sinh con

“Nhìn con gái bị nhốt trong lồng sắt vợ chồng tôi không cầm được nước mắt, nhưng nếu thả con ra ngoài thì khi lên cơn điên hai vợ chồng lại không kịp trở tay”, bà Nhung gạt nước mắt.

Ép vợ phá thai bất thành, người chồng thứ 2 bỏ đi biệt tích

Chị Nguyễn Thị Thơm (SN1978, trú tại xóm 4, xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương, Nghệ An) vốn là một cô gái xinh đẹp. Năm 22 tuổi, Thơm phải lòng một chàng trai tên Dũng ở thành phố Vinh và tiến tới hôn nhân. Thời đó, ai cũng tấm tắc khen ngợi rằng Thơm lấy được người chồng giàu có ở thành phố, gia đình chồng lại có vị thế trong xã hội. Hạnh phúc hơn khi sau khi cưới nhau, hai người có một bé gái đặt tên là Nguyễn Thị V.A (SN 2001, hiện đang học lớp 10 tại một trường chuyên của huyện Thanh Chương).

Tuy nhiên, sau khi sinh con không được bao lâu, chị biết tin chồng là con nghiện ma túy nặng. Từ đó, tình cảm cảm vợ chồng cũng dần sứt mẻ, chồng bỏ bê gia đình, vợ con để chạy theo ma túy. Thơm quyết định ly hôn rồi về sống với bố mẹ đẻ.

nguoi-me-don-than
ảnh internet

Một thời gian sau, có một anh bộ đội tên L. (cùng xã) đem lòng yêu chị và sưởi ấm lại con tim của chị bằng tình yêu chân thành. Hai người quyết định tiến tới hôn nhân, thế nhưng khi anh L. đặt vấn đề thì bị gia đình phản đối quyết liệt do chị Thơm đã ‘qua một lần đò’.

Quá buồn tủi, Thơm quyết định ra Hà Nội làm việc, hai người vẫn liên lạc với nhau. Một thời gian sau, khi hay tin L. cưới vợ, chị đã rất sốc và phát bệnh rối loạn thần kinh. Gia đình đã đưa chị về quê chữa trị thuốc thang, bệnh tình cũng đã thuyên giảm nên Thơm xin một công việc gần nhà để làm.

Thời gian làm việc ở đây, Thơm được ông Nguyễn Hữu B. đến đặt vấn đề tìm hiểu. Vợ ông B. mất sớm, mong có một người bầu bạn khi tuổi già nên quyết định đi bước nữa.

“Năm 2016, ông B. đến xin gia đình tôi được đi lại tìm hiểu với con gái. Thấy hoàn cảnh cũng phù hợp với con gái mình và cả hai đều mong muốn có một chỗ dựa lúc về già nên gia đình tôi động viên con gái đi bước nữa.

Thế nhưng, khi Thơm mang thai thì sức khỏe bắt đầu yếu dần, không làm được việc gì kể cả việc nhà. Thấy vợ yếu ớt, thỉnh thoảng lại nói năng luyên thuyên nên ông B. cho rằng vợ bị thần kinh. Ông B. bắt đầu buông xuôi và thay đổi ý định”, bà Nguyễn Thị Nhung (mẹ chị Thơm) kể lại với phóng viên.

Khoảng tháng 9/2016, ông B. và hai cô con gái gọi cho bà Nhung để cùng đưa Thơm xuống Bệnh viện sản nhi Nghệ An khám sàng lọc nhưng thực chất kế hoạch phá thai đã được con gái ông B. dàn xếp từ trước.

“Thấy y tá đưa 2 viên thuốc đến và bắt Thơm uống thì tôi đã ra sức ngăn cản. Tôi tuyên bố dù có chết tôi cũng quyết giữ bằng được cái thai này vì đây là cháu ngoại, là cốt nhục của con gái tôi”, bà Nhung nhớ lại.

me-don-than
Những lúc tỉnh táo Thơm cũng biết trò chuyện với con.

Sau khi kế hoạch phá thai bất thành, gia đình ông B. đã chở Thơm về nhà bố mẹ đẻ để trả con gái. Ông B. trình bày lý do là đưa mẹ con Thơm sang nhà ngoại gửi một thời gian để đi chữa mắt và gia đình bà Nhung chấp thuận. Cũng từ đây, ông B. “bặt vô âm tín”.

Trở thành “người đàn bà điên” sau những cú sốc lớn

Ngày Thơm trở dạ và phải chuyển xuống Bệnh viện sản nhi tỉnh Nghệ An mổ, gia đình bà Nhung cũng đã báo cho ông B. nhưng không thấy hồi âm. Sau khi mổ sinh bé trai nặng 3,8kg được 3 ngày, Thơm bị phát bệnh nặng hơn và thỉnh thoảng lên cơn điên loạn.

Gia đình đã nhiều lần đưa chị đi bệnh viện nhưng do Thơm không tự làm được những việc chăm sóc cá nhân như đánh răng, tắm giặt, ăn uống… nên phải có người nhà ở lại để trợ giúp. Trong khi đó, bà Nhung phải ở nhà chăm sóc cháu nhỏ, còn ông Thanh (chồng bà Nhung) sức khỏe đã yếu nên không thể bám trụ ở bệnh viện cùng con gái. Sau khi được các bác sỹ thăm khám và cắt thuốc chữa bệnh tình của Thơm, ông Thanh đành chở con về nhà điều trị.

me-don-than-1
Thương con ông bà đưa con về điều trị

Thương con gái nhưng mỗi lần con lên cơn điên lại xé rách áo quần, chạy quanh xóm, la hét lung tung nên gia đình ông Thanh đành cầm lòng nhốt con vào 1 căn phòng riêng, chắn bằng song sắt và khóa lại.

Thấy gia cảnh của gia đình đáng thương nên anh em, làng xóm người cho mớ rau, ít thịt, người gửi sữa, áo quần cho cháu bé.

Bình thường lúc tỉnh táo, Thơm còn nói chuyện với con, thậm chí hát ru con ngủ và ngêu ngao “sao anh bỏ em đi, em nào có tội tình gì…” trong bài hát Tội tình. Có khi một ngày Thơm cũng tỉnh táo được vài, ba lần, mỗi lần được khoảng 1 vài tiếng nhưng có khi chỉ tỉnh được một lúc là cơn điên lại giày xéo Thơm.

me-don-than-2

Mặc dù đã hơn 60 tuổi nhưng ông Thanh, bà Nhung phải thay nhau chăm sóc đứa con gái bị tâm thần và cháu bé 1,5 tháng tuổi.

Mặc dù đã hơn 60 tuổi nhưng ông Thanh, bà Nhung phải thay nhau chăm sóc đứa con gái bị tâm thần và cháu bé 1,5 tháng tuổi.

Mỗi lúc lên cơn, Thơm lại la hét, xé rách áo quần và chạy lung tung khắp phòng. Bà Nhung phải bế cháu nhỏ tạm lánh lên nhà trên còn mình ông Thanh đối phó với con. “Hôm qua, lúc lên cơn điên nó ghì lấy đầu và lôi tóc tôi chúi xuống đất, rồi miệng la hét. May mà lúc đó ông Thanh chạy về kịp không tôi cũng không trụ nổi được với nó.

Nhìn con gái bị nhốt trong lồng sắt vợ chồng tôi không cầm được nước mắt, nhưng nếu thả con ra ngoài thì khi lên cơn điên hai vợ chồng lại không kịp trở tay. Có hôm tỉnh táo, nó hỏi tôi “con lấy chồng rồi sao lại ở đây? chồng con đâu rồi?”, bà Nhung rơi nước mắt.

Giờ đây khi ông Thanh, bà Nhung đã đến tuổi gần đất xa trời, nay mai khi khuất núi thì không biết cuộc sống của Thơm và con trai cô rồi sẽ ra sao. Một tương lai mịt mù đã được báo trước.

Ông Thanh hằng ngày vẫn giành thời gian ghi lại tất cả những tấm lòng của bà con, hàng xóm giúp đỡ mẹ con Thơm, cũng chỉ với mong muốn sau này cháu Thắng trở thành người mạnh mẽ, quên đi mặc cảm, không bị gục ngã như mẹ em.