Tâm thư gửi mẹ cháu bé mất tích ở Quảng Bình: “Tôi cũng từng đau xé lòng như chị …”khiến ai cũng phải rơi nước mắt
Người mẹ nào mất con mà không đau đớn đây. Tôi là người từng mất con, tôi hiểu được cảm giác của bố mẹ bé Nô lúc này. Nôi đau xen lẫn những dằn vặt và xót xa không gì sánh được!
Thương quá, đau xót quá, tội nghiệp, cay đắng và nghiệt ngã quá là những dòng cảm xúc của mọi người mà tôi đọc được khi mở Facebook đọc tin về việc thi thể bé Nô được phát hiện cách nhà 2km tại Quảng Bình.
Cách đây không lâu, tôi cũng đọc qua báo chí về câu chuyện bé Nhật Linh ở Nhật Bản bị một người đàn ông bắt cóc rồi giết. Thi thể bé được tìm thấy bên một cây cầu khiến gia đình khóc ngất.
Đau xé lòng
Tôi từng là một người mẹ mất đi đứa con mà mình dứt ruột đẻ ra. Đó là đứa con duy nhất của tôi, đứa con mà tôi mang nặng đẻ đau và đặt biết bao hi vọng… Vậy mà sau một tai nạn kinh hoàng tôi đã mất đi đứa con mà bản thân luôn yêu thương đó.
Tôi hiểu phần nào cảm giác của bố mẹ cháu Nô lúc này. Có nuôi con mới thấu hết lòng bố mẹ. Đau khổ, khóc không ra nước mắt, tan nát ruột gan. Đau vết kim đâm hay gai nhọn là cơn đau rõ ràng trên da thịt còn nỗi đau mất con là nỗi đau vô hình. Không ai thấy nhưng lại ở tận trong tim, trong lòng. Chỉ có ai trải qua mới thấu hiểu hết.
Cũng là người mẹ từng mất con, tôi muốn cảm thông với bố mẹ cháu Nô. Tôi rơi nước mắt khi chứng kiến nỗi đau quá lớn ập xuống gia đình nhỏ. Mọi người cứ tưởng tượng xem, con đang bình thường cười nói, rồi bỗng nhiên sau một biến cố ra đi mãi mãi. Đau lắm…
Ngày nhận tin con ra đi mãi mãi, tôi ngã khuỵu xuống, đất như trời đất đổ sập. Tôi từng nghe nhiều nhưng rồi đó là thời điểm mới cảm nhận được hết cảm giác ấy. Tôi không thể đứng vững vì nỗi đau quá lớn. Tôi tin là bố mẹ cháu Nô cũng đã trải qua những cung bậc ấy.
Cái cảm giác kinh khủng nhất mà người mất con trải qua chính là sự ân hận. Tôi nghĩ giá như đừng để con ra đường, tôi nghĩ giá như không có chiều định mệnh ấy, giá như tôi giám sát con cẩn thận hơn…. thì tấn bi kịch đã không xảy ra. Những người bố người mẹ mất con đều chung suy nghĩ đó, cảm thấy tội lỗi khi mình đã không bảo vệ được con giữa dòng đời nhiều bất trắc này.
Trong tâm trí chỉ muốn thời gian lùi lại để nỗi đau này không xảy ra. Để con vẫn được cười nói… tôi sợ cái cảm giác dằn vặt đó. Nó còn theo những người làm cha làm mẹ đến vài tuần, vài tháng, vài năm đôi khi là cả đời. Chỉ biết gượng cười mà sống nhưng đó như là vết hằn, thương nhớ, tiếc nuối mà bất lực.
Người mẹ làm sao vượt qua nỗi đau
Nỗi đau nào rồi cũng phải tạm nguôi ngoai để người đã khuất yên lòng. Tôi nghĩ rằng, để trải qua được không phải là ngày 1- ngày 2 mà có thể là một thời gian. Tôi từng mất con, tôi phải nén nỗi đau lại để sống qua ngày. Dù biết có lúc chỉ muốn đi theo con, rũ bỏ hết mà quên sinh. Nhưng tôi đã cố gắng lý trí để sống tiếp.
Tôi đã mất gần 1 năm để bắt đầu lấy lại cân bằng trong cuộc sống. Dù là lấy lại cân bằng nhưng căn nhà vắng tiếng cười, tiếng nói của con khiến tôi sợ về nhà. Tôi sợ cảm giác cô đơn, chồng thường đi công tác xa nhà nên căn phòng thêm lạnh lẽo. Những lúc đó, tôi lại bắt đầu sống với những hoài niệm về ngày con còn sống. Tôi nhớ con, nhớ khi cả nhà đi chơi, nhớ tiếng nói bi bô, nhớ khi dạy con học bài… Tất cả cứ đan xen giữa mơ và thực khiến tôi đau buốt tận ruột gan.
Những khi có bạn bè, hàng xóm đến chơi, tôi phần nào nguôi ngoai. Còn khi ở một mình lại dằn vặt, buồn, khóc và đau đớn. Tôi đã tự cân bằng lại bằng cách nghĩ con đang về quê cùng ông bà nội ngoại. Tôi cứ mang suy nghĩ đó dù biết đó không phải là sự thật.
Nhưng chỉ còn có cách đó mới khiến tôi tạm yên lòng dù có lúc nhớ con, nỗi đau lại trào dâng như sóng cuộn trong lòng. Nhưng rồi tôi lại tự nhủ con vẫn đang về quê với ông bà…
Tôi bắt đầu tìm lại cuộc sống cho bản thân bằng cách tham gia các lớp học yoga, lớp tĩnh tâm để cảm thấy không còn dằn vặt và đau đớn. Tôi hiểu đó là lời nói, còn hành trình để làm được và nguôi ngoai sẽ là một thời gian dài.
Bởi nỗi đau mất con là quá lớn, ai trả qua mới thấu hết như ngàn mũi dao đâm vào tim vậy…