Xót xa nhìn cảnh mẹ già 90 tuổi chăm 3 người con điên trong căn nhà lụp xụp hai lần bị đốt cháy dở

Nhìn gia cảnh của cụ khó ai mà cầm được nước mắt, ở cái tuổi đã gần đất xa trời mà cụ vẫn phải ngày ngày chăm sóc cho ba đứa con ngây dại có lớn mà chẳng có khôn…

Chồng chết, một mình cụ bà tuổi đã gần 90 phải chăm sóc cho 3 người con dại quanh năm chẳng biết làm gì. Người thì đi tối ngày, người quanh năm suốt tháng mặc mãi một bộ quần áo, ăn cùng chó, ngủ cùng chó. Người con gái út khôn ngoan hơn một chút nhưng éo le thay cô mắc bệnh ung thư vô phương cứu chữa.

Con đường đất thoai thoải chạy theo sườn đồi dẫn chúng tôi đến nhà cụ Vũ Thị Thả (SN 1930) và ba người con dại tại địa chỉ khu 1 xã Liên Phương huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ – một hoàn cảnh bi đát có một không hai trên địa bàn. Nhắc đến cụ, ngay từ đầu xã Liên Phương, không ai là không biết đến gia cảnh đặc biệt khó khăn này.

Ông Nguyễn Văn Long, người con thứ hai của cụ Thả suốt đời chỉ biết diện một bộ quần áo.

Từ ngoài nhìn vào, cửa nhà được che bằng một tấm bạt lụp xụp. Dù trời nắng gay gắt cũng không đủ ánh sáng chiếu vào trong nhà cho sáng hơn. Trong nhà, chỉ một màu đặc quánh là thứ duy nhất người ta nhìn thấy khi bước chân vào nhà cụ.

Xung quanh căn nhà 2 gian ẩm thấp, đồ dùng bày la liệt, mùi ẩm mốc của ngôi nhà có lẽ quanh năm không bao giờ mở cửa sổ, mùi thức ăn thiu từ trong những chiếc nồi bốc lên nồng nặc phía góc bếp khiến ai vào cũng chẳng muốn dừng chân lại lâu.

Ông Luân cùng con chó ngồi cạnh xó bếp, nơi ông và con chó ôm nhau ngủ mỗi đêm.

Trong không gian tĩnh mịch ấy, tiếng cười sang sảng vô thức của người đàn ông đang ở trong nhà và tiếng sủa ầm ĩ của con chó đẻ nằm trong gầm giường nơi cụ Thả đang nằm. Đó là tiếng cười của ông Luân, người con trai thứ hai của bà.

Người ta nói, con chó ấy là người bạn thân của ông Luân. Người đàn ông điên dại này, quanh năm suốt tháng không bao giờ thay quần áo, không bao giờ tắm rửa. Chỉ cho đến khi bộ quần áo rách nát lộ rõ da thịt khắp cơ thể, khi ấy ông mới vứt bỏ. Khi ấy ông mới chuyển sang diện bộ khác và lại kéo dài hết ngày này tháng khác. Với ông, người bạn duy nhất là con chó màu trắng mà nhà ông đã nuôi nhiều năm.

Cụ Thả kể, đi ra ngoài thì thôi, về nhà là ông Luân lại quây quần bên cái ổ chó. Ông ăn cùng với nó, ngủ cũng ngủ cùng trong ổ của nó nơi góc bếp bẩn thỉu tối tăm, chứ nhất định không lên giường. Ông đi đâu là con chó không rời chân chủ nửa bước. Khi ông uống rượu say ngủ giữa đường, con chó cũng nằm ngủ bên cạnh chủ, chẳng chịu rời đi đâu.

Cụ Thả không còn nhận ra bất kỳ ai dù lạ hay quen. Tai cụ đã điếc nặng, trí nhớ đã lẫn từ mấy năm nay.

Nhìn xung quanh nhà, trên nền đất, thứ duy nhất có giá trị có lẽ là chiếc nồi cơm điện mới mua. Nghe ông Trần Văn Thọ, trưởng thôn 1 kể. Có một người đi qua, thấy hoàn cảnh thương quá nên cho tiền để mua thức ăn nhưng cô Thơm (người con gái út đã đi mua nồi cơm điện về dùng).

“Rồi không sớm thì muộn thằng hâm đầu nó cũng đập mất thôi. Người ta muốn cho nhà này cái ti vi cũng không dám vì chúng nó lên cơn điên sẽ đập hết. Với lại nhà toàn người dở, người ta cũng không dám kéo điện về cho dùng. Bởi nếu không, ó ngày chết người vì mấy người điên hay nghịch dại này”, ông Thọ nói.

Ở tuổi 87, đôi chân cụ Thả chẳng còn đứng vững, đôi tay nâng lên cũng chẳng còn giữ được thăng bằng, đôi tai cũng không thể nghe thấy người ta hỏi gì nữa. Người quen, người lạ trong làng cụ cũng chẳng nhận ra ai với ai. Trí nhớ đã lẫn từ mấy năm gần đây. Việc duy nhất cụ có thể làm là nằm xuống và ngồi dậy trên chiếc giường màn buông quanh năm.

Mỗi bữa cụ ăn được lưng bát con cơm, mấy người con dại cho cụ ăn gì thì cụ ăn nấy: “Chẳng biết là với sức khỏe này bà cụ có trụ được hết năm nay không”. Câu nói của ông Luân, người con trai dở thứ hai của cụ vừa cười nhăn nhở vừa kể với chúng tôi.

Người bạn duy nhất luôn đi theo ông Long đi bất kỳ đâu.

Theo ông Luân kể, anh trai của ông, ông Nguyễn Văn Long là người ở sạch nhất nhà. Quần áo của ông Long giặt và phơi trên mắc rất phẳng phiu, ông không cho ai động chạm đến: “Nhưng mà nó cũng dở lắm. Đi nhổ lạc mấy ngày trời, người ta cho 50.000 ngàn đồng lại mang đi mua rượu. Ai cho một chiếc bánh chưng, nó mang về bóc ăn một mình, không cho ai ăn cùng. Đến mẹ nó cũng không cho ăn.

Trong nồi có tí thịt cái Thơm mua về rang cho mẹ, nó cũng ăn hết rồi đổ tội con chó, con mèo ăn. Thế có dở không hở ông?! Bánh chưng ăn không hết để thiu thối nó cũng nhất định không cho ai ăn”, theo ông Trần Văn Thọ, trưởng thôn 1 thì đây là những lúc ông Luân nói khôn ngoan nhất mà ông từng được nghe.

Câu chuyện chẳng được liền mạch khi ông Luân bắt đầu thích thú chơi với con chó và không muốn nói chuyện. Hỏi tên và tuổi ông cũng không nhớ nữa.

Hết ngồi lại nằm, con cho ăn gì cụ ăn đó.

Cách đây khoảng chục năm, một lần khác lên cơn điên, ông Long lại đốt nhà. Ngôi nhà tuy không cháy hết nhưng phía trước mái hiên và nóc nhà bị thiêu rụi toàn bộ.

Cũng may  ông Long đốt ban ngày nên cả nhà sống sót chạy ra kịp thời: “Một lần nữa tôi cùng phía chính quyền lại đứng lên kêu gọi làng xóm ủng hộ. Người có công ủng hộ công, người có tiền quyên góp tiền, xây cho bà Thả thành bức tường gạch kiên cố hơn. Bên cạnh đó cũng mua tấm lợp tấm lợp pro xi măng để lợp mái cho chắc chắn”.

So với hai người anh, bà Thơm là người biết tính toán hơn trong gia đình, nhưng cũng không khôn được như người bình thường. Nếu có ai thương tình cho đồng tiền thì bà mang hết số tiền có thể mua vài ba cân thịt, vài ba cân cá ngay trong một lần đi chợ.

Trong gia đình ấy, bà là người duy nhất có thể chăm lo sức khỏe được cho người mẹ già. Vậy nhưng, gần đây, người ta phát hiện ra bà bị ung thư gan: “Cô này thần kinh cũng không bình thường, mổ u buồng trứng một lần, bệnh tật liên miên không làm gì được. Năm trước, một lần cô Thơm thấy đau nên đi khám, bác sỹ chẩn đoán cô Thơm bị u gan.

Sau đó bác sỹ bệnh viện tỉnh giới thiệu cô đi khám tại Bạch Mai để điều trị. Nhưng do hoàn cảnh khó khăn, bản thân không biết chữ, họ hàng cũng chẳng có ai nên cô Thơm đành xin ra viện. Bác sỹ cho thuốc giảm đau về uống. Bây giờ sức khỏe của cô Thơm cũng yếu lắm rồi”, ông Thọ khẳng định.

Ông Trần Văn Thọ, trưởng khu 1, xã Liên Phương huyện Hạ Hòa tỉnh Phú Thọ

Theo lời ông Thọ, trưởng khu 1 kể lại, cụ Nguyễn Văn Nhiễu (SN 1925), người gốc ở xã Liên Phương, lấy cụ bà Thả là người ở huyện Phong Châu thành phố Việt Trì. Sau khi cưới nhau ông bà sinh được 3 người con. Người con cả sinh năm 1966, tên là Nguyễn Văn Long. Người con thứ là Nguyễn Văn Luân (SN 1970) và cô con gái út là cô Nguyễn Thị Thơm (sinh năm 1974).

Ngay từ khi ra đời, cả ba người con của hai cụ đều không khôn như những người bình thường. Đó cũng là lí do họ chẳng được học hành như những người khác.

Năm 1988, khi ông Long đã 20 tuổi, ở nhà chơi, thấy lọ thuốc sâu bà Thả treo nơi góc bếp, lấy xuống và uống hết: “Nhưng may được tôi và người dân ở đây cho uống nước đường giải độc. Vậy là ông ta qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên bây giờ sức khỏe của ông Long yếu lắm”, ông Thọ chia sẻ.

Cũng theo ông Thọ, ông Long đi lang thang khắp nơi, thỉnh thoảng đến mùa bẻ ngô, nhổ lạc, người ta thuê nhổ giúp nhưng do sức khỏe yếu, ông chẳng làm được gì. Sau khi nhổ vài ngày người ta cho được 10 ngàn, 20 ngàn. Vừa lấy tiền là ông đi ngay ra quán rượu, uống cho say rồi chạy khắp làng hoặc lại nằm vạ vật đâu đó ngủ chẳng kể tối ngày.

Trước đây, ngôi nhà này đã xập xệ lắm, tưởng chừng đã đổ. Một lần lên cơn, ông Long nghịch dại lấy lửa đốt nhà cháy hết, chỉ còn vài cái cột kèo. Thấy gia cảnh khó khăn quá, thời gian đó, nhà văn hóa xã được dỡ bỏ để xây mới, đoàn thanh niên tổ chức giữ lại cái khung nhà văn hóa và mang đến dựng lại cho nhà cụ Thả cái nhà mới. Gọi là có chỗ chui ra chui vào”.