10 triết lý sống cực kỳ có giá trị: Nếu bạn lười biếng và không đáng tin cậy, bạn có giỏi cách mấy cũng bằng thừa!
Charlie Munger từng nghỉ ngang cao đẳng, gia nhập quân ngũ và phục vụ dưới tư cách một nhà khí tượng học sau đó đến Havard học luật. Mọi chuyện có vẻ gập ghềnh với ông cho đến tuổi 31 – khi Charlie gặp Warren Buffett và vị tỉ phú người Mỹ đã hoàn toàn thuyết phục được ông tham gia vào con đường đầu tư làm ăn.
Qua những khoảng thời gian khó khăn có, vinh hoa có, thất bại có, thành công có – vào hôm nay, khi đã trở thành “cánh tay phải” vô cùng đắc lực của Warren với tổng trị giá tài sản lên đến 1,3 tỉ USD
10. Đừng bao giờ tự thương hại bản thân.
“Ghen tị, oán trách, thù hận và đặc biệt là tự thương hại đều là những suy nghĩ hỏng hóc của bộ não. Bạn sẽ không thể làm được điều gì đó lớn lao nếu cứ suốt ngày tự thương hại bản thân. Vì cơ bản, tự thương hại khá giống với hoang tưởng, và điểm chung của hai điều này là rất khó để đảo chiều suy nghĩ lại như lúc đầu.
Lần tới, hãy dùng hết khả năng của mình để đứng lên khi gặp khó khăn thay vì tự thương hại – vì lối suy nghĩ này sẽ chẳng bao giờ giúp cho tình hình sáng sủa hơn được.”
9. Học hỏi càng nhiều, cuộc sống càng thăng tiến.
“Xung quanh tôi có những người thành công trong cuộc sống mặc dù họ không thông minh nhất, thậm chí cũng không chăm chỉ nhất; nhưng, họ đều là những chiếc máy tự học không ngừng. Sau mỗi đêm ngủ dậy, họ dường như trở nên thông minh hơn một chút vì đã tiếp thu được những kiến thức đã lượm lặt được từ hôm qua và cứ thế, cứ thế, họ càng ngày càng leo lên những nấc thang cao hơn của cuộc sống.”
8. Kiến thức thực sự là biết rằng mình chưa biết gì cả.
“Khổng Tử nói rằng kiến thức thực sự của bản thân là khả năng hiểu rõ mức độ thiết hiểu biết của mình. Aristotle và Socrates cũng nói như vậy. Đây là một kĩ năng khá quan trọng bởi vì nếu nghĩ rằng mình đã biết tất cả, bạn sẽ giới hạn bản thân lại trong những suy nghĩ lạc hậu của mình và rồi đến một ngày; bạn bỗng nhận ra mình chẳng là gì so với thế giới đang phát triển quá nhanh ngoài kia.”
7. Nếu bạn lười biếng và không đáng tin cậy, bạn có giỏi cách mấy cũng bằng thừa.
“Bạn ghét nhất điều gì khi làm việc? Một con lười đúng nghĩa, không đáng tin cậy và thiếu trách nhiệm đúng không? Cho dù bạn có là một siêu sao hay chuyên gia ở một lĩnh vực nào đó, những thứ vừa nêu sẽ đẩy bạn xuống miệng núi lửa ngay lập tức nếu phạm phải.
Quy luật đào thải của cuộc sống rất khắc nghiệt, hãy nhớ đấy.”
6. Suy nghĩ đơn giản.
“Một trong những cách tốt nhất để tránh khỏi các rắc rối là suy nghĩ đơn giản. Cuộc sống có quá nhiều vấn đề xảy ra xung quanh và nếu cứ liên tục đưa ra những lập luận cầu kỳ và suy nghĩ xa xăm – bạn sẽ bị chúng nhấn chìm một cách không thương tiếc. Và cuối cùng, cuộc sống với bạn bỗng nặng nề, chậm chạp, rồi tắc nghẽn.
Hãy suy nghĩ đơn giản cho đời thanh thản.”
5. 99% mọi vấn đề đều bắt nguồn từ suy nghĩ tài chính dễ dãi.
“Điều này cũng gần giống với sự vung tay quá trán trong chuyện tiền bạc. Bạn chẳng bao giờ biết được lúc nào những tai họa hay xui xẻo trong cuộc sống sẽ ập xuống đầu mình, nên tốt nhất hãy có những khoản chi tiêu hợp lý để sẵn sàng đối phó với các tai ương.
Bạn có thể có nhiều tiền vào lúc này, và với suy nghĩ dễ dãi rằng ‘Cứ xài đi mai lại kiếm được’ – ví của bạn chẳng mấy chốc sẽ xẹp dần, xẹp dần và rồi giống như một hệ tư tưởng: các suy nghĩ tài chính dễ dãi sẽ dần ăn sâu vào trong tâm trí bạn, phá hủy tất cả những của cải bạn kiếm được.”
4. Tài sản mới là thứ cần chú ý hơn các khoản nợ.
“100% các khoản nợ vẫn ở đó dù cho bạn có quan tâm tới hay không. Vì vậy lần sau, khi đã thanh toán hết những thứ nặng nề này, hãy chú ý tới tài sản của bạn để có thể sống độc lập và thoải mái hơn.”
3. “Một giải pháp cho tất cả” là chuyện hoang đường.
“Đây có lẽ là cách sống vô trách nhiệm nhất mà tôi từng biết. Các nền văn hóa, dân cư, tình hình xã hội lẫn tính cách mọi người đều khác nhau và thay đổi liên tục. Phòng mạch nha khoa đương nhiên khác với phim trường rộng lớn. Bạn không thể chỉ sử dụng một giải pháp để áp dụng cho tất cả và nói ‘Đó luôn là cách mà tôi giải quyết vấn đề’.”
2. Mục tiêu của sự giàu có: trở nên độc lập và tự chủ
“Cũng giống như Warren, tôi muốn giàu không phải vì tôi muốn được sống trong những ngôi biệt thự khang trang hay lái những chiếc Ferrari đắt giá. Tôi muốn giàu bởi vì tôi muốn sống tự chủ và không dựa dẫm hay lệ thuộc vào bất cứ ai.”
1. Trường học không phải là điều kiện tiên quyết để làm giàu
“Cho đến ngày hôm nay, tôi chưa từng tham dự một khóa học kinh tế, chính trị, tâm lý học hay đầu tư nào cả.”
Và đó là những bài học đáng giá nhất đã được rút ra của Charlie Munger – “cánh tay phải” của siêu tỉ phú Warren Buffett với hàng loạt chiến tích đầu tư thắng lợi cực lớn. Vậy cuối cùng điều gì mới là quan trọng nhất theo bạn?