Phật dạy: Muốn cuộc đời an yên, hạnh phúc tuyệt đối không được nói 3 điều này

Con người ta chỉ mất 2 năm để biết nói, nhưng mất cả cuộc đời để học cách nói. Lắng nghe lời Phật dạy, chớ nói 3 điều sau nếu không muốn rước họa vào thân.

1. Không nói xấu sau lưng người khác

Ảnh minh họa

“Tôi nguyện không nói lỗi lầm của những người khác”, đây là một trong những lời nguyện của Bồ Tát. Ai cũng có câu chuyện của riêng mình, nếu bạn chưa thực sự hiểu thì tốt nhất chớ nên đánh giá. Cũng giống như vậy, đừng quá bận tâm khi ai đó nói xấu mình.

Nói lời vô ích thì càng nói càng lãng phí thời gian. Nói lời ác nghiệt khiến người khác tổn thương, càng nói nhiều lại càng hại mình hại người. Còn nói lời xấu xa sau lưng người khác thì càng nói, bạn càng khiến mọi người xa lánh mình.

“Nhân chi sơ, tính bản thiện”, con người ta sinh ra đã có phần thiện trong mình, nên đối đãi với người bằng tấm lòng thiện lương, mỗi lời thiện có thể “ấm 3 đông” chính là vậy.

“Học ăn học nói, học gói học mở”, mỗi người chúng ta phải biết cách để kiểm soát lời nói của mình. Khi nói chuyện với người khác, chớ nên để chủ đề cuộc nói chuyện biến thành cuộc nói xấu, đấu tố người không có mặt ở đó. Ở đời luôn có luật Nhân – Quả, đừng nói xấu hay làm chuyện hại người, chính bạn chứ không phải ai khác sẽ phải gánh nghiệp của mình. Khi ta đang nói xấu người khác chính là ta đang tạo tác nhân cho người khác nói xấu mình. Nói xấu người khác cũng chính là bỏ lỡ cơ hội để yêu thương, đừng để mình có cách nói chuyện khiến khẩu nghiệp chất chồng.

2. Không nói lời ngông cuồng

Theo lời Phật dạy, khiêm tốn mới là đỉnh cao của trí tuệ, còn tự cao tự đại chính là thất bại lớn nhất của đời người. Con người ta khi đạt được một chút thành tựu mà không biết kiểm soát bản thân thì dễ trở nên dương dương tự đắc, cho rằng mình có thể hơn tất cả mọi người.

Ảnh internet

Buông lời ngông cuồng cũng chính là ta tự mình đi lạc vào trong màn sương mù mờ ảo nhưng chẳng thể tìm thấy phương hướng cho mình. Lớp sương mù ấy là những tiếng tung hô, ca ngợi của người khác, cũng có thể chính là lời tự đắc của bản thân ta, song nó đều để lại hậu quả khôn lường.

Sống trên đời, kẻ tự mãn, tự cho mình là tài giỏi dễ gặp phải thất bại vì sự đố kị, ganh ghét của nhiều người, thành công khó lòng đạt được. Cái mà con người thể hiện trước mặt người khác chính là lời nói và hành vi của mình. Lời nói là thứ trực tiếp tác động lên đối phương, thế nên nói chuyện kị nhất là buông lời ngông cuồng. Cuồng gây chú ý, cuồng cũng gây căm ghét, hãy nhớ lời Phật dạy, nếu không tai họa sẽ có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

3. Không phàn nàn khi gặp chuyện

Ảnh internet

Cuộc sống này ngắn ngủi lắm, nếu lỡ có chuyện gì thì hãy tìm cách giải quyết, bởi chúng ta sẽ chẳng có đủ thời gian để phàn nàn. Giữa đất trời mênh mông vô tận, con người chỉ là một hạt cát nhỏ nhoi, ai sẽ lắng nghe lời phàn nàn của bạn?

Người sống trên đời này, phàn nàn một ngày chi bằng cố gắng một ngày. Chỉ có sự cố gắng và nỗ lực của bản thân mình thì mới nhìn thấy ánh sáng của bình minh ngày mới. Nhớ lời Phật dạy, chớ nên nói những điều này, bởi suy cho cùng thì nó cũng sẽ chẳng mang lại ích lợi gì.

Chuyện rắc rối bạn đang gặp phải chẳng vì lời phàn nàn của bạn mà tiêu tan, người đã bỏ bạn đi chẳng vì lời phàn nàn của bạn mà quay lại, hà cớ gì chúng ta lại làm những chuyện tốn công vô ích như vậy. Nói nhiều lời sân hận, bạn bè bằng hữu rời xa, mà người khác tất sẽ xem thường ta. Thay vì than phiền, hãy nỗ lực phấn đấu. Hãy coi khó khăn là động lực và cố gắng vượt qua để đạt được thành công. Nhớ tu miệng trước khi tu thân để đời đời hưởng phúc.

Xem thêm:  Lời Phật dạy: Khen chớ vội mừng, bị chê cũng chớ vội buồn

Khen chê dưới cái nhìn Phật giáo mang lại cho chúng ta cách nhìn nhận vấn đề sáng suốt hơn để nhận ra rằng những lời đó hoàn toàn không thể tác động lên chính mình nếu không tiếp nhận chúng một cách bị động.

Trong cuộc sống hàng ngày người con Phật luôn tâm niệm phải tạo ra phước báo để vun trồng công đức cho bản thân và gia đình. Có rất nhiều việc tạo ra phước báo mà không cần bỏ ra của cải hay là công sức. Ai khen chê một cách thành thật, đúng đắn thì được phước vô lượng. Ngược lại nếu khen chê không thành thật, không đúng đắn thì tự mình chịu tội vô lượng.

Đứng về phương diện thế gian, một tiếng khen nhẹ nhàng đúng lúc cũng như một liều thuốc bổ giúp ta phục hồi sức khỏe nhanh chóng và làm ta cảm thấy hài lòng, mát dạ. Nhưng nếu lời khen đó không đúng sự thật chỉ là lời của kẻ nịnh bợ hay gian dối sẽ làm cho ta trở nên kiêu căng mà chuốc lấy khổ đau vì dễ dàng bị người lợi dụng làm chuyện xấu.

Khen chê dưới cái nhìn Phật giáo

Khi Đức Phật đi giáo hóa thì bị nhiều người mắng chửi, khen chê đủ điều, bị vu oan hủy nhục đủ thứ nhưng Ngài vẫn bình thản, an nhiên, tự tại trước những cơn gió độc để chứng minh với đời mình đã thoát khỏi mọi sự ràng buộc của thế gian.

Người ta chê bai, chửi mắng Phật nhưng Ngài vẫn an nhiên, bình thản không đón nhận mà còn khởi tâm từ bi thương xót vì người kia quá vô minh, mê muội.

Chính vì vậy trước khi nhập diệt Ngài đã báo cho bốn chúng trời người biết rõ thời gian thị tịch của mình hơn ba tháng. Cho nên, tùy theo sự dụng công tu hành của mọi người mà có các thứ ma khác nhau đến để nhiễu loạn quấy rối làm hại ta.

Hai loại ma danh vọng và lợi dưỡng dễ chi phối người tu hành có nghĩa là được tiếng khen và được lợi lộc. Hai ngọn gió này dần dần làm ta mờ mắt, cho đến khi ta hết thấy đường thì chúng xỏ mũi ta đi một cách nhẹ nhàng. Phật giáo dạy con người hãy từng bước vượt qua sự cám dỗ của cuộc đời, muốn vậy ta phải nhận ra tính biết sáng suốt và hằng sống được với tính biết đó.

Có như vậy thì những phiền não từ vô thủy kiếp đến nay mới có thể dần được chuyển hóa và tan hòa vào hư không.

Mỗi người phải biết rằng chúng ta sống một đời sống có chánh niệm, là sống có tình thương. Vì vậy khi khen, chỉ với mục đích duy nhất là nuôi dưỡng sự sống. Khi quở trách chỉ với mục đích duy nhất là xây dựng, bảo vệ, che chở, mà không làm tổn thương đến sự sống hay đến bất cứ ai.

Một hôm Đức Phật cùng các tỳ kheo đi khất thực trở về tinh xá. Có hai thầy trò ngoại đạo đi theo sau Phật. Một hôm, đức Phật đi trước và một nhóm sa môn ngoại đạo theo sau. Các vị sa môn trẻ hết lời khen ngợi đức Phật là vị tu hành chân chính, có trí tuệ và khả năng biện tài vô ngại, dám bỏ cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con ngoan, thần dân thiên hạ để đi tu và là vị thầy dẫn đường xứng đáng nhất thời đó.

Ảnh internet

Khi nghe như vậy các vị tỳ kheo cùng đi với Phật rất hân hoan, khoái chí vì thầy của mình được mọi người khen tặng nên bản thân cũng được thơm lây. Đi được một đỗi lại gặp đám đông khác nói: “Ông sa môn Cồ Đàm là kẻ phá hoại sự sống của nhiều người. Ai cũng thích tiền tài, sắc đẹp, danh vọng và ăn ngon, mặc đẹp, ngủ nhiều. Vậy mà ông ta lại khuyên không nên chạy theo và dính mắc vào chúng mà làm tổn hại thân tâm. Ông ấy đi đến đâu là người ta đổ xô theo đến đó để tu tập khiến chồng bỏ vợ, cha bỏ con để sống đời xuất gia”.

Khi nghe chỉ trích Phật vẫn an nhiên, bình tĩnh. Trong khi đó các vị tỳ kheo cảm thấy rất khó chịu, bực bội. Nhân đó Phật nói: “Người thầy chỉ trích Phật như thế không đúng và người trò tán thán Phật như thế cũng không đúng. Chỉ có bậc Thánh và đệ tử bậc Thánh mới biết khen Phật”.

Đa số người phàm khen Phật đều căn cứ trên hình tướng vì thấy Phật giữ giới, ăn ngày một bữa, mặc ba lá y, ở dưới gốc cây, sống không gia đình… Phật cho đó là hình tướng bên ngoài không quan trọng, tối quan trọng là chỗ “Phật biết tất cả mà không chấp”.

Giá trị của con người thường được chúng ta đánh giá trên hình thức, trên hành động, mà ít được nhìn thấu đáo tường tận ở nội tâm. Có nhiều người dáng vẻ bên ngoài rất nghiêm trang nhưng nội tâm lại không tốt. Ngược lại, có những người hình tướng có thể thô tháo nhưng tâm họ lại tốt hay. Cũng như có nhiều loại trái cây da bên ngoài chín đỏ mà ruột thì chưa chín, lại cũng có những loại trái cây ngoài vỏ xanh trong ruột đã chín.

Theo Phật, giá trị con người không phải ở hình thức như giữ giới, ngày ăn một bữa, mặc chỉ ba lá y… mà phần tinh thần và trí tuệ mới quan trọng.

Trí tuệ là biết tất cả mà không chấp. Ngoại đạo họ thấy tới đâu là chấp tới đó. Từ cái chấp ấy mà họ đặt ra thuyết thường thuyết đoạn rồi luận chiến nhau. Phật biết tất cả và còn biết hơn ngoại đạo đã biết, nhưng Ngài không chấp không dính mắc, đó là cái đáng khen mà người thế gian không biết để khen. Chỉ có bậc Thánh và đệ tử bậc Thánh mới biết được điều đó để khen. Khen đó là cái khen chân chính của người trí tuệ.

Ở đời người ta hay đánh lừa thiên hạ, cứ nhìn qua hình tướng hoặc nghe qua dư luận, rồi khen, rồi chê không cần biết đúng hay sai. Vì vậy mà Phật dạy: Khen chê đều chưa đến lẽ thật, đừng nghe chê vội giận, đừng nghe khen vội mừng, mà phải biết nghe và tự xét lại mình. Người thế gian thường khi bị chê liền phản ứng, tức tối bực bội, không vui… Ngược lại được khen thì vui vẻ tươi cười. Đa số chúng ta đều đang mắc kẹt chỗ này.

Ảnh internet

Ở trong bối cảnh đó, Phật nhắc chúng ta đừng vướng bận sự khen chê, mà phải thấu đáo tâm trạng của người, thì sự khen chê mới có giá trị. Thế nên Phật nói: “Chỉ có bậc Thánh, đệ tử bậc Thánh mới biết chỗ đáng khen của Phật để khen”. Còn những hình thức về giới luật, chưa đáng để khen.

Chê chớ vội sầu khen chớ vội vui

Khen chê dưới cái nhìn Phật giáo chỉ mang ý nghĩa tương đối, vì thế, khi nghe ai đó chê bai hay chỉ trích thì ta chớ có vội buồn, vì khi buồn ta sẽ mất bình tĩnh, lúc mất bình tĩnh thì ta không biết lời chê đúng hay sai. Khen chê là chuyện thường tình của thế gian, có nhiều người khen để lấy lòng thiên hạ, có nhiều người chê vì ganh tị tật đố. Cho nên, chúng ta phải sáng suốt, bình tĩnh trước những lời khen chê đó”.

Cuộc sống của chúng ta hằng ngày lúc nào cũng phải tiếp xúc với hai sự khen-chê. Ta phải lắng nghe lời khen hay tiếng chê để biết mà sửa mình. Ai khen đúng thì ta cố gắng tiếp thu, thay đổi. Ai khen sai ta phải dè dặt, coi chừng nhưng phải bình tĩnh, khoan mừng, khoan buồn, khoan giận, khoan ghét thì chúng ta mới sáng suốt để nhận thức được tiếng khen đó nhằm vào mục đích gì.

Chê người khác đã là một việc khó nhưng có đủ bản lĩnh, tầm vóc để đón nhận lời chê còn khó hơn. Hãy bình tĩnh lắng nghe và đi vào chi tiết từng câu nói của người chê trong lúc ấy gần như tâm chúng ta bớt loạn và không thốt ra những lời vô nghĩa.

Đừng để cảm xúc đưa mình tới suy nghĩ rằng mình đang bị lấn át hay cảm giác bị ức chế mà hãy tìm trong mỗi câu chỉ trích một điều đúng mà bản thân chúng ta cần thay đổi. Cho dù thế nào đi chăng nữa thì chúng ta cũng không nên lo lắng người khác đang nghĩ gì về chúng ta. Nếu cứ chăm chăm như vậy, chúng ta sẽ bị người khác kiểm soát xúc cảm và bị phụ thuộc vào lời nói cũng như hành động của họ.

Một lời khen đúng sẽ giúp ta thăng hoa đạo đức tâm linh, một lời khen sai chỉ làm hại ta rơi vào hố sâu tội lỗi.

Khen chê dưới cái nhìn Phật giáo đều xuất phát từ tình cảm. Đối với người mà mình đã có ác cảm thì dù cho họ có làm điều gì tốt, điều phải mình vẫn làm lơ, có khi không hợp ý còn đem ra phê bình chỉ trích. Đối với người mà mình đã có cảm tình đã thương rồi, dù họ có làm điều gì sai quấy cũng không phê phán, lại còn tìm cách bênh vực.

Tình cảm nó chi phối con người rất mạnh, chúng ta khen và ủng hộ ai chẳng qua người đó làm lợi ích cho chúng ta. Ngược lại, chúng ta chê trách ai, chẳng qua người đó làm thương tổn chúng ta, đối với người đã làm thương tổn mình chút ít, làm lợi làm tốt với mọi người, chúng ta vẫn thấy họ tốt như thường, miễn có lợi cho mình là tốt. Đó là chỗ khen theo tình cảm của con người mà đa số bị kẹt, nó không có lẽ thật.

Theo Lịch ngày tốt