Phật Pháp dạy: Người có duyên với Phật nên biết vận dụng lời Phật dạy vào đời sống hàng ngày ra sao để hạnh phúc?

Kinh Phật dạy: Chỉ có ta làm điều tội lỗi, chỉ có ta làm điều trong sạch. Tội lỗi hay trong sạch đều do ta quyết định. Người phật tử chân chính sẽ biết chọn cho mình một hướng đi tốt đẹp…

Chúng ta phải học theo cách Phật dạy tam huệ học là “văn, tư, tu”. “Văn” là nghe lời Phật dạy rồi sau đó mới suy nghĩ, quán chiếu, nghiệm xét để biết được sự thật-giả phân minh. Đến khi đó ta mới hành trì bằng cách buông xả các tâm niệm xấu ác và sửa đổi những hành vi sai trái, làm tổn hại người và vật.

Khi chúng ta đã biết cách phát huy tốt năng lực của bản thân, thấy được giá trị thiết thực là phải nương nhờ vào nhau mới bảo tồn mạng sống thì chúng ta cần phải có trách nhiệm yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau bằng tình người trong cuộc sống.

Ảnh internet

Tu theo đạo Phật không bắt buộc quý phật tử nghe rồi tin liền, mà khi nghe rồi chúng ta phải quán chiếu suy ngẫm. Khi thấy biết đúng lẽ thật rồi mới tin và cố gắng thực hành theo, đó là niềm tin chân chính sau khi phát sinh trí tuệ.

Đa số đàn ông nặng về nghiệp rượu chè cờ bạc, đàn điếm, còn bên nữ nặng nghiệp nói dối hay ganh ghét tật đố.

Nhiều người nữ buôn bán ngoài chợ than rằng không nói dối, khó mua bán quá. Chúng ta có tật hay nói thách quá đáng trả kiểu nào cũng dính, người Phật chân chính phải nói đúng giá, để cho khách hàng tin tưởng lần sau còn đến mua tiếp và giới thiệu nhiều người khác tới mua nữa.

Nghiệp do ta tạo

Chúng ta ban đầu nói dối lừa gạt người, vì họ không biết giá cả rõ ràng nên mua, sau này biết rồi họ không đến mua nữa, như vậy là thiệt thòi cho ta. Cho nên người khéo tu sẽ biết cách làm ăn chân chính và vẫn được lòng nhiều người nhờ vậy mua may bán đắt. Nếu chúng ta phạm giới lâu ngày sẽ trở thành thói quen xấu là nói dối vì quá tham lam, thà chấp nhận chịu lời ít một chút mà giữ mối mua bán được lâu dài.

Phật pháp rất khó nghe là vì đi ngược lại với sự ham muốn của chính mình. Mình tham lam mà Phật dạy phải bớt tham và dứt lìa tham, chẳng những ta không tham mà còn phải biết bố thí cúng dường, giúp đỡ người khác nữa.

Phật pháp rất khó nghe, đối với người chưa tín tâm Tam bảo, chưa tin sâu nhân quả. Khi chúng ta đã tin rồi thì sẽ tìm cách dứt ác làm lành, để chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc, ngay tại đây và bây giờ.

Như quí phật tử khi nghe pháp hay đọc kinh Phật thì phải suy gẫm, quán chiếu và ứng dụng tu hành, tuy bước đầu thấy dường như khó, nhưng sau này khi trí tuệ phát sinh, quý vị sẽ biết cách hoàn thiện chính mình. Phật tử tại gia trong hoàn cảnh còn nhiều ràng buộc khó khăn, không thể tu được nhiều như tăng ni, chỉ cần cố gắng mỗi ngày làm một hai điều thiện cũng tốt rồi.

Khi nghe pháp Phật dạy thân này già bệnh chết, ai cũng biết nó sẽ bại hoại vậy mà không chịu chuẩn bị hành trang cho mai sau, chúng ta chờ nó sắp hoại rồi mới than trời trách đất: Sau con khổ quá vậy! Trời Phật sao không linh hiển cứu con, cứu làm sau được dù thân thuộc như cha mẹ, vợ chồng, con cái cũng đành phải chịu thôi.

Kinh Phật dạy: Chỉ có ta làm điều tội lỗi, chỉ có ta làm điều trong sạch. Tội lỗi hay trong sạch đều do ta quyết định. Người phật tử chân chính sẽ biết chọn cho mình một hướng đi tốt đẹp. Chính chúng ta tự làm khổ mình, chứ không có ai khác giáng họa cho ta.

Ảnh internet

Hãy sống trong hiện tại!

Phật nói cuộc đời là vô thường, mạng người sống trong hơi thở, thở ra mà không thở vô thì coi như thân này tan hoại. Vậy mà ít ai chịu chấp nhận mạng người trong hơi thở, cứ nghĩ rằng đời người sống cả trăm năm, thậm chí nhiều người tìm luyện trường sinh bất tử, nhưng có ai sống đời không chết đâu. Thở ra mà không thở vào là chết ngay, đó là một lẽ thật mà ít ai chịu tin. Thế nên Phật pháp khó nghe là vậy, đi ngược lại suy nghĩ và lòng ham muốn của con người.

Bây giờ chúng ta đã có duyên gặp Phật pháp rồi, phải ráng nghe những lẽ thật ấy để phá sự chấp trước thân tâm mình làm ngã, khi chúng ta thấy biết đúng như thật về thân, về mạng sống, ta sẽ giảm bớt mọi nhu cầu không cần thiết, nhờ vậy ta dễ dàng buông xả phiền não khổ đau.

Khi biết thân người khó được, Phật pháp khó nghe ta càng phải cố gắng học hỏi và tu tập, để ngày càng sống tốt hơn. Đó là chúng ta biết dùng thân này, làm lợi ích cho mình và người khác, nếu chúng ta chỉ lo ăn, ngủ, mặc, ở sao cho được đầy đủ thoải mái đến khi gần đất xa trời không biết mình đi về đâu, thật đáng tội nghiệp cho ta quá chừng?

Gặp một đứa trẻ chạy chơi vấp té, chúng ta đỡ nó lên và an ủi đôi lời, đâu có tốn đồng xu cắc bạc nào, mà còn gây được nhiều thiện cảm với đứa bé. Thấy một bà cụ già đang muốn qua đường mà không có người dìu dắt, chúng ta chỉ cần dắt tay đưa bà qua đường, việc làm này đâu có tốn tiền hao của, chỉ một chút công nhỏ thôi, ta sẽ giúp cho bà già bớt lo lắng sợ hãi bị tai nạn.

Ảnh internet

Đối với ý nghĩ của mình, chúng ta lúc nào cũng khởi lên tâm niệm trong sáng, miệng nói lời an ủi sẻ chia, khiến mọi người giảm bớt buồn phiền và sống vui vẻ hơn. Thân hành động giúp đỡ người khác mỗi khi có việc cần thiết, không hề sợ khó nhọc. Đó là chúng ta khéo dùng thân tạm bợ này để làm lợi ích cho người khác, mà ta vẫn bình yên hạnh phúc.

Bản chất của thế giới chính là sự vô thường

Tóm lại

Là người phật tử chân chính, chúng ta luôn lắng nghe lời Phật dạy rồi sau đó quán chiếu suy gẫm nghĩa lý, biết được thật giả rõ ràng nên việc tu sửa của ta cũng nhẹ nhàng, không khó khăn gì. Kế đến, chúng ta vận dụng sự hiểu biết của mình để giúp cho nhiều người khác có sự hiểu biết đúng đắn mà cùng tu tập với chúng ta.

Đó là ta biết ứng dụng lời Phật dạy vào trong đời sống hằng ngày, để mình luôn làm tròn trách nhiệm đối với gia đình, người thân và đóng góp lợi ích cho xã hội bằng trái tim yêu thương và hiểu biết, thì thế gian này sẽ là thiên đường hạnh phúc.

Theo An lành