Câu chuyện “mẹ chồng hụt” chăm sóc cho bạn gái của con trai đã mất : Sự thật khiến nhiều người rơi nước mắt

Câu chuyện cảm động được chính chủ nhân chia sẻ trên mạng xã hội. Chị  N.T H cảm thấy vừa đau lòng lại vừa biết ơn  người phụ nữ ấy. 

Đi kèm với bức ảnh người phụ nữ có tuổi đang ôm ấp, cưng nựng bé gái trước mâm cơm là những dòng tâm sự xúc động của chị N.T.H (SN 1993, Phú Thọ) về “Người mẹ chồng hụt” khiến nhiều người rơi nước mắt:

“Mẹ của người yêu cũ đang chăm con cho mình mọi người ạ! Còn chu đáo, yêu thương cháu hơn cả ông bà nội của con.

Người yêu cũ của em mất trong một vụ tai nạn, em đi lấy chồng nhưng không may mắn bị gia đình nhà chồng đối xử tệ bạc. Em mang con đi để thoát khỏi cuộc sống địa ngục. Quyết tâm một mẹ một con trụ tại Hà Nội nhưng người phụ nữ không máu mủ ấy thương mẹ con em, cương quyết mang cháu về chăm bẵm”, chị H. viết.

Câu chuyện được chia sẻ khiến ai cũng phải rơi nước mắt

Biến cố ám ảnh nhất cuộc đời

Chia sẻ với PV về câu chuyện đời mình, cô gái trẻ kể lại: “Mình từng có một mối tình rất đẹp với người yêu đã mất (anh người Bắc Giang). Mình quen anh vào năm 2012, anh đi bộ đội không may bị đứt dây chằng nên ra viện 103 mổ, khi ấy mình có làm ở đó.

Trong thời gian đầu anh nằm viện thì gia đình chưa có người lên chăm sóc, thấy thương anh nên mình cứ chăm sóc anh. Khi ấy, mình chỉ nghĩ là làm phúc thôi. Không ngờ sau đó gia đình anh biết chuyện nên quý mình, gán ghép và 2 đứa yêu nhau lúc nào không biết.

Sau khi học xong 2 năm trung cấp, mình xin vào làm ở công ty nước ngoài, thu nhập cũng ổn định. Chúng mình ít gặp nhau hơn vì tính chất công việc người ở Bắc Giang, người ở Hà Nội và trong thời gian yêu, cả hai cũng không ít lần cãi vã, trục trặc… nhưng tình cảm vẫn rất bền chặt “.

Chị H. và người yêu cũ đã có một tình yêu rất đẹp và dự định sẽ làm đám cưới vào cuối năm 2014. Thế nhưng, cuộc sống không như mong đợi, tai họa ập xuống, anh bị tai nạn giao thông đột ngột và ra đi mãi mãi, để lại vết thương lòng chưa bao giờ hết trong chị H.

“Hôm ấy, anh đi làm qua đường tàu, không để ý tàu chạy nên bị bất tỉnh, cho đi cấp cứu thì anh bị chấn thương sọ não, rách phổi… Người ta gọi cho mình bảo anh bị tai nạn, mình không tin và cũng chỉ nghĩ chắc anh lại gãy chân, đau chân như đợt trước, chăm sóc một thời gian là hồi phục thôi.

Xong mẹ anh gọi điện bảo đi về nhà đi, nó không qua khỏi đâu, về xem còn kịp nhìn mặt không thì mình mới bị sốc, nước mắt nước mũi từ Hà Nội bắt taxi về Bắc Giang. Lúc này bệnh viện đã trả về, anh cũng ngưng thở rồi”, chị H. kể lại.

Đó cũng là thời gian mà chị H. ám ảnh suốt cả cuộc đời, đêm nào cũng tìm góc nào tối để khóc, xem lại ảnh, tất cả những thứ liên quan đến người yêu quá cố và khóc, ai làm điều gì tương tự anh cũng nhớ đến và khóc.

“Mọi người khi ấy bảo mình bị thân kinh, hơi bị ảo giác, ngủ cũng gặp anh… Bạn bè thân của mình kéo mình đi chơi, đi du lịch cho khuây khỏa, bảo mình hạn chế lên nhà anh cho đỡ nhớ nhưng cứ rảnh là mình lại lên với mẹ anh, mua hoa quả thắp hương và quét dọn nhà cửa. Xong rồi lại ra những chỗ mình và anh đi chơi để ngồi nhớ lại những kỷ niệm. Đến bố mẹ đẻ mình cũng xót quá, cấm mình lên trên Bắc Giang vì sợ quyến luyến quá mà không tìm được hạnh phúc mới. Càng cấm, mình lại càng đi!”.

24 tuổi 1 con: Hạnh phúc gia đình tan vỡ

Sau 1 năm ủ rũ, mỏi mệt triền miên trong đau khổ, chị H. được bạn bè người thân giới thiệu cho người chồng hiện tại. Khi ấy, người đàn ông này rất tốt, quan tâm chị hết mực: “Ban đầu mình cũng không có hứng gì cả. Anh cũng không biết chuyện cũ của mình nên cũng tiến tới nhiệt tình. Như cảm giác mùa hè gặp cơn mưa rào, đang cô đơn, tủi lắm thì có người nhiệt tình hỏi han, động viên, đưa đi chơi rồi đưa về Thường Tín quê chồng ra mắt.

Anh cũng lớn tuổi (SN 1987) nên gia đình anh cũng giục cưới. Về kể với bố mẹ, tâm sự thì mọi người đều bảo cưới đi, ai cũng vun vén nên mình quyết định cưới để quên đi chuyện buồn”.

Chị N.T.H. (SN1993) và con gái của mình

Và rồi, chị H. “vấp” vào cuộc sống hôn nhân với những bế tắc tiếp nối:

“Sau khi dạm ngõ thì chồng bắt đầu bộc lộ là người cố chấp, hiếu thắng và có phần gia trưởng. Tính cách mình cũng mạnh mẽ nên 2 bên thường xuyên xảy ra cãi vã.

Mình đòi hủy không cưới nữa thì gia đình bạn bè khuyên bảo thôi đã dạm ngõ rồi thì cưới đi, hủy cưới người ta chê cười bố mẹ. Vì điều đó nên mình cố gắng.

Trước khi cưới, 2 gia đình cũng bày tỏ quan điểm về công việc là sau khi cưới, mình sẽ nghỉ làm về nhà làm chung với chồng (nhà chồng mình bán quần áo). Nhưng sau khi cưới, mình cảm nhận chồng mình quản lý hết tiền bạc, không cho mình giao du với bạn bè, không muốn mình về quê thăm bố mẹ, ép mình vào khuôn khổ.

Cưới được một tháng thì mình có em bé, gia đình không cho mình đi làm, bảo ở nhà dưỡng thai. Ở nhà không biết chuyện trò cùng ai, bơ vơ với 4 bức tường, mình cũng ít đi ra ngoài nên chỉ đóng cửa trong phòng ngồi. Chồng đi làm từ sáng đến tối về lại đi chơi… Mình muốn được chia sẻ mà không ai lắng nghe cả… kiểu như bị trầm cảm.

Mình ở nhà cơm nước, quét dọn như một người osin, ăn bám. Cứ một vài tháng lại muốn chồng cho đi làm để bớt nghĩ và muốn về nhà ngoại thì chồng lại không cho.

Đến ngày sinh nhật mình, bạn bè rủ đi chơi nhưng nhất quyết chồng và bố mẹ chồng không cho đi. Khi ấy, mình stress kinh khủng, có những lúc muốn trốn khỏi gia đình chồng, làm găng lên thì chồng đã đánh mình. Mình đã sốc hoàn toàn”.

Chưa hết, theo tâm sự của chị H. sinh con ra thì bố mẹ chồng cũng rất tốt chuẩn bị cơm nước đầy đủ cho con dâu nhưng mẹ chồng lại luôn nói ra nói vào chê cháu nội xấu, hay khóc, lười ăn, con dâu không có sữa cho con khiến chị thêm áp lực, mệt mỏi.

“Chồng bắt đầu bỏ bê vợ con hơn, anh nhắn tin rủ người cũ đi chơi, uống rượu tâm sự đến sáng mới chịu về trong khi mình ở nhà ôm con khóc, không một ai đỡ đần. Khi mình chia sẻ với mẹ chồng bà nói: Trai 5 thê 7 thiếp cũng được, đi ra ngoài chẳng sao miễn là sau vẫn về với vợ con là được! Mình bị tâm lý vì câu nói đó và không thể chấp nhận được!”, chị đau khổ.

Sau đó chị H. về ngoại ở cữ và không muốn quay lại nhà nội nữa: “Khi ấy mình có đăng lên facebook dòng trạng thái: Về ngoại tinh thần thoải mái, có sữa cho con. Ở trên nội thì không ai trông giúp con, không ai thấu hiểu…. Vì thế nên gia đình chồng, anh chị chồng liên tục gọi điện, nhắn tin yêu cầu phải xóa ngay, nói mình hỗn láo.

Mình ở ngoại 3 tháng, con ốm nhà nội không ai hỏi han, thăm nom cháu, mình cũng tủi thân lắm. Chồng cũng lên bất chợt rồi cũng về ngay chẳng có trách nhiệm gì cả.

Con được 5 tháng, mình muốn dứt khoát luôn với chồng nhưng gia đình khuyên nhủ phải thương con, vì các em còn nhỏ (gia đình mình có 4 chị em) vì bố mẹ nữa nên mình cố gắng quay về Thường Tín trong sự sỉ nhục của chồng, họ hàng nhà chồng rằng đã bỏ đi rồi còn quay về, họ không tiếc lời nhiếc mắng mình.

Mình đã cố gắng níu kéo để con có bố, có ông bà nên mình bảo bố mẹ chồng là cho con xin đi làm cho con đỡ căng thẳng, chứ ở nhà con stress lắm nhưng bố mẹ chồng bảo mình tham tiền, bỏ con! Khi ấy mình nói “con với chồng không cùng quan điểm, nếu bố mẹ không ủng hộ con đi làm thì con chỉ còn cách ly hôn và ra Hà Nội đi làm.

Trước khi đi, bố chồng gọi lại nói chuyện bảo nếu mình nhất quyết đi, con có ốm đau thì đừng gọi về làm phiền ông bà. Bỏ chồng xem có lấy được người nào tử tế hơn không hay lại nghiện ngập, cờ bạc. Mẹ chồng thì bảo mình mà đi thì chồng mình lấy được ngay vợ khác. Gia đình chồng như vậy, thử hỏi mình làm sao mà có thể sống nổi.

Thế rồi, khi cuộc sống 2 mẹ con dần ổn định, ông bà lại gọi về nhưng mình không còn đủ niềm tin và ám ảnh lắm rồi nên chẳng muốn quay về nữa”.

“Niềm an ủi tinh thần duy nhất”

Trong lúc bế tắc và những mệt mỏi tiếp nối triền miên, chị H. thường xuyên tâm sự với người phụ nữ giàu tình thương là mẹ của người yêu cũ.

Người đã cưu mang chị qua những ngày sóng gió

Người phụ nữ đặc biệt – mẹ của người yêu cũ đã giúp chị H. chăm sóc con của chị khi cuộc sống gia đình hiện tại của chị đổ vỡ.
Trước đây, giữa chị H. và người phụ nữ này cũng thường xuyên liên lạc, tâm sự chuyện vui buồn với nhau: “Bác thương mình lắm, coi mình như con bác. Mỗi khi buồn khổ, mình lại chia sẻ với bác. Bác cũng động viên mình nên nghĩ lại để con đỡ khổ. Con mình sinh ra, đúng vào ngày giỗ của người yêu cũ nên mình càng tin vào định mệnh, nhân duyên đời người.

Dọn ra ngoài ở, mình thuê trọ ở Hà Đông, thời gian đầu ôm con đi, mình phải gửi con ở nhà một ông bà về hưu gần chỗ trọ. Mà cháu quấy khóc chỉ bám ông không bám bà khiến ông bà không làm được gì cả. Vì ngại ông bà nên mình nghỉ ở nhà chăm con nhưng không đi thì lấy đâu ra tiền bỉm sữa cho con.

Lúc này, mẹ của người yêu cũ bảo mình đem con về bà để bà chăm sóc mà yên tâm đi làm. Bà hiện giờ vẫn dạy mầm non nên chăm cháu tốt lắm.

Mình chỉ đơn giản nghĩ trong lúc khó khăn thế này cảm giác không thể chống đỡ nổi nên đành hạ cái tôi xuống nhờ bác chăm giúp không thì khổ con lắm”.

Chị mang con về nhà người yêu cũ 1 tuần, thấy bé ngoan, phổng phao hẳn, người mà chị quý như mẹ đẻ cứ giữ bé, bảo quen hơi bà rồi nên cứ để đấy bà chăm khiến chị vô cùng xúc động:

“Từ lúc sinh con đến giờ mình bị stress hay mất sữa nên con chủ yếu uống sữa ngoài. Trộm vía, lên bà trông cún, con thèm ti, bà cũng vạch cho cháu ti luôn. Nhiều lúc nhìn bà như thể mất mát con trai mà cho cháu bú cứ như cho con bú mà thương vô cùng”, chị H. khóc.

Theo chị H. nhiều lần chị muốn đón con về Hà Nội mà thương cả con, cả bà: “Bà bảo con ở đây quen rồi, sướng hơn ở với mẹ, có nhà, có cửa, bà nuôi lớn bà cho đi học, xong lớn thì nuôi lại bà”.

Với chị H, tình cảm của người phụ nữ đặc biệt này khiến chị vừa cảm thấy đau lòng, vừa cảm thấy biết ơn! Chị đặt câu hỏi kết thúc cuộc trò chuyện: “Không biết kiếp trước mình đã làm gì mà được may mắn như vậy!”.