Xót xa: Cụ bà 86 tuổi không nhà, không nơi nương tựa và câu chuyện nghĩa tình ở hẻm nhỏ Sài Gòn.
Trong cuộc đời này có thứ đáng sợ hơn cái chết, đó là sự cô đơn. Nơi con hẻm giữa chốn phồn hoa thị thành ấy, ai cũng thương xót cho hoàn cảnh của của cụ: không nhà, không người thân, lạc lõng giữa cuộc đời!
86 tuổi, cái tuổi thập cổ lai hy đáng lẽ phải được sum vầy, đoàn viên bên con cháu, nhưng cụ Mai lang thang tứ xứ và dừng chân nơi hẻm nhỏ. Không hẹn mà gặp, bà con lối xóm trong hẻm nhỏ ở quận 10 coi cụ như người thân, dành hết tình yêu thương chân thành, nồng ấm để quan tâm, chăm sóc cụ ngày này qua ngày khác. Và có lẽ tình nghĩa nơi con hẻm nhỏ ấy dành cho cụ Mai luôn đong đầy nên cụ cũng không muốn đi đâu cả. “Sống ở đây cũng quen rồi cháu ạ, bây giờ mà đưa đi đâu hay vào viện dưỡng lão chắc tôi không chịu được cũng phải về đây thôi”, cụ Mai nói trong nước mắt cay xè.
Cả cuộc đời cụ Mai giống như một bản nhạc buồn với nỗi bất hạnh đeo bám từ thời ấu thơ. Trước đây, bà cũng từng có mái ấm hạnh phúc riêng, cũng có chồng có con, cũng trọn vẹn thiên chức như bao người phụ nữ khác. Rồi cuộc sống lưu lạc, bà cùng con rời Huế vào Sài Gòn tìm kế sinh nhai. Rồi tai họa ập xuống, người đầu bạc phải tiễn mái đầu xanh. Con ruột qua đời, con dâu đi tìm hạnh phúc mới, cháu nội cũng quay lưng, bà lại một mình thui thủi với những tấm vé số khi về Sài Gòn làm mướn ở khắp các con hẻm. Đến năm 80 tuổi, cụ Mai không thể bước đi được nổi vì bệnh tật bủa vây. Thương tình cụ già neo đơn không nơi nương tựa, người dân trong con hẻm này mới cưu mang cụ Mai trong vài năm nay.
Mấy mươi năm gồng gánh cuộc sống giờ đây ở tuổi 86, sức khỏe bà đã kiệt. Những ngày cuối đời bà phải đối mặt với nỗi cô đơn, không chồng không con, không có ngay cả một mái nhà để che nắng mưa. Sau những ngày lang thang ngủ ở các vỉa hè, bà may mắn được bà con lối xóm quận 10 quan tâm, nuôi dưỡng. Vất vả, khó khăn là vậy, nhưng suốt bao năm qua bà con lối xóm quận 3 vẫn luôn xem việc chăm sóc những cụ già neo đơn không nơi nương tựa như bà Mai là niềm vui, hạnh phúc.
Cứ thế suốt những năm dài, họ đã cưu mang những thân phận bất hạnh, và lấy chuyện phục vụ người già đơn chiếc, lưu lạc làm hạnh phúc của mình. Bà Mai tuy mất gia đình, người thân nhưng bà đã tìm được một mái ấm khác cho cuộc đời từ tình thương nơi hẻm nhỏ. Mỗi ngày từng người dân trong hẻm lại thay nhau chăm sóc cụ, người tắm rửa thay quần áo, người nấu ăn, giặt giũ, người cho cụ ăn, uống thuốc… tất cả đều chung tay với mong muốn cụ Mai sống vui, không phải vất vả ở tuổi xế chiều. Đối với bà đây là ngôi nhà thứ hai đầy ắp yêu thương, lo lắng.
Chiếc ghế xếp kê dọc hàng hiên trong con hẻm nhỏ là chỗ bà nghỉ lưng hàng đêm. “Chỗ này là người dân trong hẻm thương tình sắp xếp cho tôi nằm đó. Lúc tôi không còn đi mưu sinh được nữa, chỉ nằm một chỗ, bà con thương tình nên muốn đưa vào trong nhà ở cho tiện chăm sóc nhưng tôi thấy phiền lòng lắm, ở ngoài đây cho thoải mái, đỡ bức bối ngột ngạt”, cụ Mai chia sẻ.
Những cụ như bà thèm lắm cái cảm giác được gặp lại người thân, những người ruột thịt máu mủ của cuộc đời mình. Nhưng có lẽ điều đó quá xa xỉ. Các cụ – những con người lạc lõng giữa thành thị, không nhà không cửa, không gia đình, đôi lúc họ tưởng chừng đã chết lặng lẽ ở một góc đường, xó chợ nào đó giữa Sài Gòn… nhưng họ may mắn vì được bà con lối xóm yêu thương bằng cả trái tim và trải qua những ngày tháng cuối đời trong vòng tay thiện lương, nhân ái, bao dung của những con người phương xa không hề quen biết.
Cuộc sống tất bật, vội vã của Sài Thành cuốn con người trong dòng chảy mưu sinh. Nhưng tình cảm ấm áp, đầy trân quý mà người dân Sài Gòn dành cho những người lang thang, cơ nhỡ như cụ Mai thắp lên ánh sáng rạng ngời của sự sẻ chia và biến những “người dưng” trở thành “người thân”. Trong khoảnh khắc cô đơn nhất của cuộc đời, cái người ta cần chỉ đơn giản là lòng tốt, là sự quan tâm dù nhỏ nhoi nhất. Điều ấy giống như những giọt nước mát ban tặng cho những ai đang mắc kẹt trong sa mạc khô cằn. Bởi thế nên, cái Thiện, sự Từ Bi dù dưới dạng nào cũng đều ẩn chứa một sức mạnh to lớn.