Xót xa cảnh người mẹ gầy gò phun lửa, nhai lưỡi lam mỗi đêm kiếm tiền nuôi 2 con ăn học
Mỗi đêm người dân trên con đường Bùi Viện nằm ở phố Tây (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) đều quen thuộc với hình ảnh người mẹ gầy gò, đen đúa mang theo hai đứa con nhỏ hành nghề phun lửa, nuốt lưỡi lam kiếm sống.
Chị là Võ Thị Sen (33 tuổi) mà dân trong nghề gọi bằng cái tên mộc mạc: Hai “xiếc lửa”. Công việc vất vả và nguy hiểm đến mức không biết bao nhiêu lần chị Sen bỏ bữa vì nuốt phải dầu khiến cổ họng ngứa rát, và vì những cú phun lửa ngược chiều gió khiến cả quả cầu lửa quật ngược trở lại người phun.
Mái tóc cháy xém, môi sưng phù cộng thêm khuôn mặt ngày ngày tiếp xúc với lửa khiến chị Sen trở nên tiều tụy. Thế nhưng, chị vẫn tiếp tục cái nghề xiếc lửa nguy hiểm này vì chị phải nuôi hai đứa con trai ăn học cùng người mẹ già. Dẫu biết mình bị bệnh hở van tim gần chục năm nay, thổi lửa sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe nhưng cứ nghĩ đến gia đình phải chăm lo, chị lại cố gắng …
Tuổi thơ vất vả
Sinh ra trong gia đình có hai chị em gái, ba mất sớm, hai chị em vào Sài Gòn bán vé số mưu sinh. Chị Sen lúc này 10 tuổi cũng được gửi vào trường tình thương để học nhưng sau một năm, chị nghỉ vì cuộc sống quá khốn khó, chị không còn tâm sức để mà học.
Vào năm 19 tuổi, Sen quen và lập gia đình với người đàn ông đánh giày, những tưởng cuộc đời sẽ mỉm cười với cô gái nghèo nhưng Sen lấy phải người chồng nghiện lô đề, cờ bạc. Có bao nhiêu tiền của trong nhà, chồng chị đều bỏ vào những canh bạc đỏ đen. Thậm chí, ngày chị chuyển dạ chỉ còn 500 ngàn trong túi, gia đình chị gái phải bán hết tivi, đầu máy có tiền cho chị vào viện.
Ngày đứa con chào đời chị hy vọng anh sẽ thay đổi, sẽ vì con mà tu chí làm ăn, nhưng rồi “ngựa quen đường cũ” anh vẫn vui quên cả đường về ngay cả khi đứa con thứ 2 ra đời. Quá vất vả vừa nuôi 2 con nhỏ phải gánh thêm ông chồng “sáng vác ô đi tối vác về” chị ngậm ngùi chia tay chồng dắt hai con nhỏ ra đi dẫu biết tương lai mịt mờ.
Nhai lưỡi lam, phun lửa – “Sợ lắm nhưng phải liều mạng”
Một mình gánh nuôi cả gia đình, chị Sen không sợ khổ mà làm những nghề cực nhọc. Trước đây, chị Sen bán kẹo cao su cho khách Tây. Càng ngày, người bán càng nhiều nên nhiều người khuyên chị tập xiếc lửa, vừa không cần vốn lại dễ kiếm tiền nên chị chuyển hẳn nghề.
Trong những ngày đầu tiên tập phun lửa miệng, chị phải chịu đựng những vết sẹo cũ, sẹo mới chi chít trên khuôn mặt vì lửa phun tát vào mặt, dầu nóng rộp cả miệng. Chị ngậm ngùi: “Sợ lắm nhưng phải liều mạng, cứ bỏng thì nghỉ vài ngày lại tập tiếp, chiều đến là ngậm dầu phun không cần thầy bè gì cả, nghĩ đến tiền ăn, tiền nhà và mấy đứa con là bất chấp hết”.
Chỉ vài hôm tập chị đã phải ra đường phố biểu diễn kiếm tiền, tuy vậy chị Sen chỉ có thể diễn ở khu phố Tây Bùi Viện và khu bờ kè vì đây là địa bàn tự do, không cần bảo kê.
Trò diễn chính của chị là phun lửa, nuốt lửa và nhai lưỡi lam. Chị có thể làm theo yêu cầu của họ miễn điều đó đem lại niềm vui cho khách và nguồn thu nhập cho mẹ con chị.
Trời không phụ lòng người
Hai đứa con của chị Sen là Minh Hoàng (10 tuổi) và Minh Thành (9 tuổi) vẫn thường theo chân mẹ trong mỗi đêm diễn thường tới 11h đêm. Có lẽ, chúng muốn bên cạnh chị Sen như một lời động viên và giúp đỡ từ tấm lòng: chúng con vẫn luôn bên mẹ, dù có khó khăn gì. Cuộc sống vất vả, đếm từng đồng tiền, miếng cơm, manh áo nhưng cả hai đều chăm chỉ học hành, và đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Niềm hạnh phúc lớn nhất của chị lúc này là chúng được đến trường học hành dù chỉ là trường tình thương.“Đời tôi đã khổ rồi, tôi không muốn các con lớn lên phải sống lang thang ngoài đường như mẹ nó”, chị chia sẻ.
Các con chị còn quá nhỏ để hiểu hết những đắng cay, tủi nhục mà chị từng trải qua. Với chị, động lực sống mỗi ngày là niềm vui của hai đứa trẻ. Thương con, nghĩ cho con, chị Sen có thể làm tất cả, bất chấp những vết sẹo ở cả trong tâm hồn và thể xác. Đi qua hết những đắng, cay, ngọt, bùi của cuộc sống, chị hiểu rằng chẳng điều gì có thể làm chị sợ, và chẳng còn điều gì khiến chị thấy có ý nghĩa hơn là đem lại cuộc sống ấm no cho hai đứa con…
Từ ngàn đời, tấm lòng của người mẹ đã bao giờ hết bao dung, hết quảng đại. Người mẹ sẵn sàng dành tất cả những yêu thương cho con cái đã trở thành quy luật. Nước mắt ngàn đời chảy xuôi, có bao giờ chảy ngược…