Xót thương cặp vợ chồng nghèo gồng mình suốt 20 năm nuôi 2 con bại não và mẹ già bệnh tật
Đã gần 20 năm nay, vợ chồng anh chị nuốt nước mắt ngậm ngùi thương xót cho hoàn cảnh của mình, thương xót con không được giống như bao người. Nỗi đau ấy thật quá lớn!
Con cái là niềm hy vọng của cha mẹ. Từ tiếng khóc đầu đời khi con cất lên cho đến khi con bước những bước đi chập chững đầu tiên, cha mẹ luôn dõi theo con với biết bao yêu thương và kỳ vọng. Được chứng kiến con khôn lớn trưởng thành, có thể thực hiện những ước mơ, những hoài bão… dường như là mong muốn rất chính đáng của biết bao ông bố, bà mẹ.
Tuy nhiên, có những người cha người mẹ không bao giờ dám mơ đến những điều tưởng chừng như rất đỗi bình thường ấy. Niềm mong ước giản đơn của họ chỉ là họ có sức khỏe và sống lâu để có thể tự tay chăm sóc những đứa con mang trên thân căn bệnh hiểm nghèo. Câu chuyện của gia đình chị Trần Thị Xuân và anh Trần Văn Đông dưới đây khiến chúng ta không thể không thương cảm.
Đến xóm Đạc 9, Thọ Xuân, Đan Phượng (Hà Nội), trong căn nhà nhỏ mùa đông thì lạnh, mùa hè thì nóng là gia đình của vợ chồng chị Trần Thị Xuân, anh Trần Văn Đông (SN 1961), cùng người mẹ già yếu bệnh tật và 2 cô con gái bị bại não bẩm sinh.
Chị Xuân tâm sự, anh chị có 3 người con. Khi mới lấy nhau, anh chị sinh người con đầu tên là Trần Đình Hưng (1985), tuy khỏe mạnh nhưng trí tuệ kém phát triển, chậm chạp, không được minh mẫn như những người khác, làm việc gì cũng cần phải có người hướng dẫn chỉ bảo tận nơi. Sau này, được người khác giúp đỡ tìm cho một công việc làm thuê, Hưng đã có thể chăm lo cho bản thân mình.
Năm 1990, sau nhiều đắn đo cân nhắc, anh chị quyết định sinh thêm. Một bé gái trắng trẻo, hồng hào, khỏe mạnh ra đời. Anh chị đặt tên bé là Son. Những ngày đầu, vợ chồng chị rất hạnh phúc và vui mừng nhưng chờ đợi suốt một năm ròng mà cô con gái nhỏ của họ vẫn chẳng có dấu hiệu muốn lẫy, muốn bò. Đi bệnh viện kiểm tra thì được biết em bị bệnh bại não bẩm sinh.
3 năm sau, vợ chồng chị lại sinh thêm bé gái thứ hai và đặt tên là Thành. Ngày chào đời, Thành cũng khỏe mạnh bình thường, rồi em biết bò, biết đi, nhanh nhẹn ngoan ngoãn và tỏ ra thông minh, chăm học. Lúc đó, vợ chồng chị đã tin chắc rằng Thành có thể phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Sau này khi anh chị mất đi, Thành sẽ là chỗ dựa cho anh trai và chị gái.
Nhưng rồi mọi chuyện không như mong ước, sức khỏe của Thành ngày càng suy yếu, cũng lại dần có biểu hiện giống như chị gái. Năm Thành lên 3 tuổi, anh chị đưa các con đi khám tại nhiều bệnh viện, cố gắng giữ những tia hy vọng cuối cùng. Tuy nhiên, số phận lại lần nữa không mỉm cười với một người mẹ như chị, bệnh viện kết luận là cả hai em đều mắc bệnh bại não bẩm sinh.
Dù nhận được kết quả như vậy, vợ chồng chị vẫn không nguôi hy vọng, anh chị chạy chữa khắp nơi, mong con lành lặn, hết bệnh tật để được vui chơi học hành cùng bè bạn. Anh chị cũng đã đưa con ra viện Nhi Thụy Điển điều trị. Nhưng 1 tháng, 2 tháng, rồi tới 6 tháng, hai em vẫn chẳng có dấu hiệu khá hơn.
Nuốt ngược những giọt nước mắt đau thương vào lòng, tình yêu thương con trẻ chưa ngày nào vơi đi trong tim người mẹ như chị. Anh chị đưa con về nhà, coi đó như một sự an bài của định mệnh, của kiếp đời không may mắn, và chọn cách cố gắng khắc phục hoàn cảnh để chăm sóc các con.
Hàng ngày, chị lau rửa sạch sẽ những bàn tay cong queo, tật nguyền của các con cho dù chúng có gào thét rồi bất tỉnh lúc nào không biết. Khi con muốn ngồi dậy, xua muỗi hay uống một miếng nước, ăn một miếng bánh… đều phải nhờ tới chị Xuân. Chị thương con và không bao giờ phàn nàn hay quát mắng chúng.
Nhưng, có những lúc thấy cơ cực quá, chồng bàn với chị hay để nhà nước đón các con vào trại trẻ dành cho người khuyết tật. Anh nói rằng có những người họ đi nước ngoài về họ còn cho con vào đấy, nhà mình nghèo thế này còn cứ giữ mà nuôi rồi làm khổ nhau… Nhưng chị không đồng ý, chị nghĩ rằng cơ cực đến mấy chị cũng sẽ nuôi con, chị nói “Quả trứng vỡ còn tiếc huống hồ con đang ngoan ngoãn thế này mà đưa con đi cho để mình nhàn hạ thì chị không làm được. Còn nước còn tát, còn sống thì còn nuôi, bao giờ con nó chê mình, nó chẳng ở với mình nữa thì thôi chứ bảo để con mình cho người ta nuôi hộ thì không cam tâm”.
Chị vẫn tiếp tục công việc khó khăn ấy suốt bao năm qua. Sức khỏe chị cũng đã yếu dần. Có lần bế Son đi vệ sinh, không may trượt tay, làm con ngã đau điếng. Ôm con khóc, chị thương con vô hạn và cũng thương chính mình. “Những lúc như thế, tôi thấy xót xa, buồn tủi ghê lắm. Nhiều lúc chỉ nghĩ giá như mình không sinh các con ra, có lẽ chúng nó cũng bớt phải chịu khổ. Khi đi khám, bác sĩ còn nói do thể chất tôi yếu đuối nên khi mang thai mới khiến các con bị bệnh bẩm sinh. Câu nói ấy làm tôi ám ảnh và dằn vặt lắm”.
Nhiều người cũng khuyên chị nên gửi các con vào Trung tâm bảo trợ Xã hội nhưng chị không đồng tình. Những năm tháng nuôi con, chị hiểu rõ được bệnh tình của các con, nắm rõ từng cử động, từng thói quen, biết được lúc nào các con cần ăn, khi nào các con cần ngủ. Chị có đủ sự kiên nhẫn và tình yêu thương dành cho những đứa con bệnh tật của mình. Các con cũng đã quen với việc được chị chăm sóc. Chị không yên tâm giao con cho người khác. Cũng đã 20 năm rồi, 20 năm nuôi con không lớn, 20 năm chứng kiến con mình ngày một yếu đi, 20 năm một khoảng thời gian không hề ngắn ngủi hằn trên đôi vai và nét mặt của một người mẹ như chị những nỗi nhọc nhằn thương tủi.
Không chỉ là người mẹ có hai con bị bại não, chị Xuân còn chăm sóc thêm mẹ chồng già yếu bệnh tật. Nhìn hoàn cảnh của anh chị ai cũng không khỏi chạnh lòng. Có lẽ nỗi khổ tâm lớn nhất đối với vợ chồng chị Xuân không phải là việc phải chăm lo cho hai người con và mẹ già bệnh tật, đau ốm. Và điều khiến chị canh cánh trong lòng là không biết mai này, khi họ không may mất trước các con thì liệu hai con sẽ sống ra sao.
Hai cô con gái chị tuy tuổi đời còn trẻ nhưng lại luôn sẵn sàng cho một chuyến đi xa không hẹn ngày trở về.
“Có nhiều sáng mở mắt ra, mình thấy sợ hãi lắm, trong đầu chỉ nghĩ đến cái chết để giải thoát cho cả bản thân và bố mẹ“, Thành chia sẻ.
Thế nhưng, tình yêu thương của vợ chồng chị Xuân đã khiến chúng có thêm niềm tin vào cuộc sống. Dù tật nguyền, ít được va chạm xã hội nhưng ý kiến của Thành và Son luôn được bố mẹ lắng nghe, cân nhắc.
“Nhà nghèo, bị bệnh nhưng mình nghĩ 2 chị em vẫn còn may mắn hơn nhiều người. Những lúc buồn, bọn mình có thể sử dụng điện thoại, xem ti vi và trò chuyện với nhau, cuộc sống cứ thế trôi đi, thoắt cái, không ngờ tụi mình đã đi được chặng đường hơn 20 năm“.
Thành tâm sự, trong giấc mơ, đôi khi cô thấy mình khỏe mạnh, có thể đi học, làm việc giống như bao người bình thường.
“Nhưng khi mở mắt ra lại biết rằng đó là điều ước rất xa vời. Bây giờ cả 2 chị em mình chỉ mong bố mẹ tìm được công việc ổn định, bớt vất vả hơn thôi“…
Những đứa con chị Xuân có thể mang nhiều khiếm khuyết, nhưng trái tim chúng luôn hiểu đâu là cội nguồn của tình yêu thương chân thật, và chưa một ngày quên đi ơn dưỡng dục của hai đấng sinh thành.
Tình yêu thương chân thật chính là nguồn gốc của sự hy sinh – một trong những phẩm chất cao quý của con người. Đó là sự quên mình để lo cho thân nhân, nó giúp cho xã hội ngày càng tốt đẹp, quan hệ giữa con người với con người trở nên gắn bó, khăng khít hơn. Chị Xuân đã đánh đổi tuổi xuân và cuộc sống của mình, không cầu an nhàn thoải mái, chịu mọi vất vả cả thân lẫn tâm để lo cho những đứa con kém may mắn, giúp các con được sống những tháng ngày vui vẻ trong cuộc đời ngắn ngủi, bệnh tật. Cầu chúc cho anh chị có sức khỏe, có công việc ổn định để lo cho các con của mình, và một ngày may mắn sẽ mỉm cười với gia đình chị…
Theo Daikynguyen