Vì sao A Di Đà Phật được gọi là “Vua” trong các vị Phật?
A Di Đà Phật đích thực là thế xuất thế gian đệ nhất đại thí chủ. Vì sao nói Ngài là đệ nhất? Đây không phải là lời chúng ta có thể nói ra được, mà đây là Thích Ca Mâu Ni Phật tán thán.
Thế Tôn ở trong bổn Kinh tán thán chính là đại biểu mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai cùng đồng tán thán.
Thế Tôn nói A Di Đà Phật là “quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”, đây là lời tán thán đến cùng cực. Chúng ta ở trong Kinh luận cũng thường hay xem thấy những câu như vầy: “Tất cả chư Phật Như Lai trí tuệ đức tướng đều là bình đẳng”. Đã là bình đẳng thì vì sao A Di Đà Phật lại đặc biệt như vậy, đạo lý này ở chỗ nào? Vì sao chỉ riêng khen ngợi A Di Đà Phật?
Trong Kinh luận, chúng ta chí ít thấy ra được có hai chỗ đặc xuất. Thứ nhất, pháp môn Di Đà này là bình đẳng phổ độ tất cả chúng sanh, đây là chư Phật Như Lai không có, tuy là trí tuệ thần thông, đạo lực mọi thứ đều bình đẳng, thế nhưng phương pháp độ chúng sanh thì không như nhau. Di Đà dùng một câu Phật hiệu “Nam Mô A Di Đà Phật” bình đẳng phổ độ pháp giới tất cả chúng sanh, trên từ Bồ Tát Đẳng Giác, dưới từ A Tỳ Địa Ngục, chỉ đơn giản như vậy, dễ dàng như vậy, thẳng tắt ổn định. Đây là rất đặc thù, thật không dễ dàng. Bình đẳng phổ độ, hiệu quả như thế nào? Khiến tất cả chúng sanh bình đẳng thành Phật, thù thắng không gì bằng.
Bình đẳng thành Phật chính là hai câu trong đoạn nhỏ sau cùng này, “xuất sanh chúng thiện căn, thành tựu Bồ Đề quả”. Đây là chỗ giống nhau của tất cả chư Phật Như Lai, cho nên chúng ta vì sao cứ tán thán Di Đà, đạo lý chính ngay chỗ này.
Ngày nay, ngay chỗ này chúng ta phải đặc biệt học tập, chúng ta cũng phải bắt chước Bổn sư A Di Đà Phật, cũng phải làm đại thí chủ. Ngài là đại thí chủ, đệ nhất trong thí chủ.
A Di Đà Phật là đại thí chủ. Đại ở chỗ nào? Đại ở chỗ là Phật có thể khiến cho thượng trung hạ căn bình đẳng chứng được Phật quả vô thượng. Vị thí chủ này chân thật là đại thí chủ, không phải thí chủ thông thường. Đây chính là siêu vượt chư Phật. Ngày nay chúng ta phải học A Di Đà Phật, phải học được giống. Phật là đại thí chủ, chúng ta là học trò của đại thí chủ thì cũng phải giống đại thí chủ. Làm thế nào mới học được giống? Dùng Kinh luận vãng sanh, pháp môn niệm Phật, bố thí cho tất cả chúng sanh, liền không hề khác với A Di Đà Phật. Đó cũng chính là đại thí chủ. Kinh luận vãng sanh chính là năm Kinh một luận của Tịnh Độ.
Ngày nay, vì sao chúng ta phát tâm chuyên học Kinh luận Tịnh Độ, chuyên tu pháp môn Tịnh Độ, chuyên hoằng pháp môn Tịnh Độ? Việc này không gì khác, cũng là muốn làm đại thí chủ mà thôi. Nếu như dùng các pháp môn khác, “Hoa Nghiêm” cũng tốt, “Pháp Hoa” cũng tốt, nếu như không hồi hướng cầu sanh Tịnh Độ, vậy thì như vừa mới nói, bạn có thể giúp đỡ chúng sanh thượng trung hạ căn, giúp họ chứng tiểu quả A La Hán, trung quả Bích Chi Phật, đại quả Bồ Tát, nhưng không thể chứng được cực quả cứu cánh viên mãn. Bạn phải hiểu được đạo lý này.
Cho nên, “Hoa Nghiêm” đến sau cùng, Bồ Tát Phổ Hiền mười đại nguyện vương quay về Cực Lạc, vậy thì mới viên mãn. Nếu như không có cái sau cùng này thì “Hoa Nghiêm” không viên mãn. Cho nên đại đức xưa nói, “Pháp Hoa” và “Hoa Nghiêm” chỉ là dẫn đạo của “Kinh Vô Lượng Thọ” mà thôi. Lời nói này nói được rất hay, chân thật là người tái sanh nói, không phải người tái sanh thì không thể nói được câu nói này.
Trích Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (Tập 179)
Lão pháp sư Tịnh Không giảng