Trời cao không phụ lòng người: Kẻ có “mệnh ăn mày” trở thành trạng nguyên

Từ xưa đến nay, thiện ác đều có báo, chỉ là đến sớm hay muộn mà thôi. Lòng dạ lương thiện nhất định có phúc báo, tâm địa gian ác sớm muộn sẽ gặp báo ứng, đạo trời xưa nay tuyệt đối công bình vậy.

Ảnh minh họa

Trước đây, tại phủ Thiệu Hưng có hai anh em sống bằng nghề kinh doanh vải vóc và lương thực, mỗi gia đình đều sinh được 1 đứa con trai. Người em trong một lần làm ăn buôn bán đã bị kẻ xấu lừa gạt, tổn thất nghiêm trọng, trong cơn phẫn uất đã thắt cổ tự tử. Em dâu cũng vì bi thương quá độ, ấm ức mà đổ bệnh, không đến một năm cũng bỏ lại đứa con mà nhắm mắt xuôi tay.

Trước hoàn cảnh đáng thương của gia đình em trai, người anh đã quyết định mang đứa cháu trai chưa đầy 6 tuổi về nhà nuôi nấng. Nhưng tiếc thay, chưa được bao lâu thì đứa bé tội nghiệp này lại rơi vào tình cảnh bi đát khác.

Bác gái vốn lòng dạ hẹp hòi, xem thường người thân bằng hữu, lại thấy chồng mình mang đứa trẻ đáng thương kia về nhà, trong lòng cảm thấy khó chịu. Mặc dù không có lý do để đuổi đi, nhưng trước mặt người khác đều nói rằng đứa trẻ này mang vận rủi, là kẻ mang “mệnh ăn mày”, còn con trai mình mới là “số trạng nguyên”, không thể để đứa con mang “số trạng nguyên” chơi cùng đứa em họ mang “mệnh ăn mày” được.

Đứa trẻ mang “mệnh ăn mày” ngày ngày phải đi cắt cỏ, đốn củi, buổi tối lại ngủ ở nhà kho, ăn chỉ toàn cháo loãng với dưa muối, trước giờ chưa từng được ăn một bữa cơm no. Những đêm dài tĩnh lặng, cậu bé chỉ biết nhìn bầu trời từ ô cửa sổ nhỏ nơi kho củi, đếm những vì sao, nghĩ tới cha mẹ thân yêu, nước mắt lại lăn dài.

Tuy vậy cậu bé lại rất hiểu chuyện, không để cho bác trai phải vì mình mà bị sỉ nhục, bởi vì ở trong nhà, bác trai là người nhát gan, sợ phiền phức lại không có quyền hành gì, còn bác gái là người trọng tiền tài nhưng hay ức hiếp kẻ yếu. Vậy nên, từ khi vào nhà bác, dù bị mắng chửi cậu bé cũng không dám cãi nửa lời, làm việc gì đều chú ý cẩn thận vì sợ liên lụy đến bác trai.

Còn nói về người anh họ, ngay từ nhỏ đã được bác gái cưng chiều hết mực, trở thành một kẻ ngang ngược kiêu ngạo không ai bì nổi, trong mắt người khác, cậu ta chính là một “tiểu ác bá”, trên miệng không ngớt những lời mỉa mai em họ của mình: “Nhóc ăn mày”, “Tránh xa tao ra”, “Đừng đem nấm mốc đến nhà của tao”…

Bác gái đối với cậu ta việc gì cũng đều thuận chiều, thậm chí phóng túng, cho ăn uống toàn những của ngon vật lạ, áo quần mặc toàn hàng tơ lụa đắt tiền. Tiếc rằng, trên đời không có gì thập toàn thập mỹ, thân thể người anh họ luôn ốm yếu bệnh tật, hen suyễn không ngừng, trong khi đứa em luôn ăn cơm rau dưa, cả ngày cắt cỏ đốn củi, lại luôn khỏe mạnh.

Tại phủ Thiệu Hưng có một vị tiên sinh học vấn uyên thâm, ông vẫn thường mở lớp dạy học cho lũ trẻ trong thôn, người anh họ đương nhiên cũng tới học. Còn cậu em thì mỗi ngày phải dậy sớm cắt cỏ đốn củi, sau khi xong việc mới chạy đến lớp học nghe lỏm thầy giảng bài. Cảm động trước đức tính hiếu học ấy, lão tiên sinh đã nhiều lần tặng bút mực cho cậu bé.

Lão tiên sinh biết rõ về thân thế đáng thương của cậu bé, cũng rất cảm thông với cậu, nên đã sẵn lòng để cho cậu ngồi ở bên ngoài nghe giảng. Về sau, lão tiên sinh phát hiện đứa trẻ này thông minh hơn người, vượt xa chúng bạn cùng tuổi, hiểu chuyện lại biết chịu khổ, cuối cùng lão tiên sinh động lòng trắc ẩn, bèn đến nhà bác trai xin cho cậu bé làm con nuôi. Bác trai biết thời biết thế, liền đồng ý.

Thế là từ đó, cậu bé về sống cùng lão tiên sinh. Đến khi vị tiên sinh cáo lão trở về quê, cậu bé cũng theo ông trở về phủ Lâm An. Thoáng một cái đã hơn 10 năm trôi qua, đứa trẻ đáng thương giờ đã trở thành một thư sinh thông hiểu lễ nghĩa, trải qua 3 cuộc thì hương, huyện, phủ, cuối cùng đi tới kinh thành ứng thí và đứng đầu bảng vàng năm đó. Vậy là tâm huyết cả đời của lão tiên sinh đã không uổng phí, cuối cùng “mệnh ăn mày” đã trở thành Trạng Nguyên, trùng hợp là, nơi nhậm chức đầu tiên của Trạng Nguyên lại là phủ nha ngay tại quê nhà ở Thiệu Hưng.

Lại nói về “tiểu ác bá” mệnh trạng nguyên năm nào, bởi vì từ nhỏ đã được nuông chiều phóng túng, không chịu chuyên tâm đọc sách, sau khi lớn lên chẳng làm được đại sự gì, chỉ giỏi ăn uống, gái gú, cờ bạc… Về sau, vì nợ nần chồng chất, đã đem hết vải vóc trong nhà đi bán, cuối cùng còn đem tất cả gia sản trong nhà, ruộng vườn phòng ốc đi cầm cố sạch, còn đuổi bố mẹ đến ngôi miếu hoang sống tạm qua ngày.

Bởi vì gia sản đã bán hết, lại không có nghề nghiệp gì, anh ta đã bước vào nghiệp cướp bóc, cuối cùng bị bắt giải đến nha môn. Ngày bị đưa lên công đường, vị quan xét xử lại chính là người em họ “mệnh ăn mày” mà ngày xưa anh ta thường hay châm chọc, còn bản thân anh ta vốn cho mình là “số trạng nguyên” nay lại trở thành phạm nhân dưới công đường. “Số trạng nguyên” nay bị “mệnh ăn mày” xét xử, nhân quả báo ứng thật sự tới rất nhanh.

Khi biết vị quan xét xử trên công đường chính là người em họ năm xưa, người anh vừa xấu hổ vừa ganh tức, mâu thuẫn phức tạp trong tâm khó có thể nói ra hết được. Cũng may, người em họ không nhớ kể đến những ân oán trước đây, dùng đạo lý khuyên răn người anh sớm ngày sửa đổi, làm ăn đường đường chính chính. Sau đó, vị quan phủ lại đến miếu hoang đón bác trai, bác gái về nhà thu xếp ổn thỏa và chăm lo cho họ sống hết quãng đời còn lại.

Đây đúng thật là tâm thiện, tâm ác, một bên thì ở trên trời, một cái thì ở dưới đất. Tâm địa lương thiện, niệm đầu ngay chính ắt tự có trời giúp, đường lớn càng đi càng rộng; tâm địa xấu xa, niệm đầu gian ác ắt sẽ có báo ứng, con đường sinh mệnh càng đi càng hẹp.

Tuệ Tâm biên dịch/tinhhoa.net