Thương xót bé 2 tuổi dân tộc Tày bụng to như cái trống vì bị mắc hội chứng thận hư bẩm sinh
Em không thể lăn trở mình mà chỉ có thể ngồi hoặc nằm ngửa với từng nhịp thở nặng nề, khó nhọc. Thương con, suốt 2 nằm ròng rã đi viện người mẹ trẻ ấy cũng không biết phải làm sao…
Gặp em, người phụ nữ gầy gò và kiệt quệ đang bế đứa con nhỏ đến để cầu cứu sự giúp đỡ. Gương mặt bợt đi tỏ rõ sự mệt mỏi với hai quầng thâm nơi khóe mắt, Hường bảo nhiều đêm rồi em không ngủ được vì con đau quấy khóc. Trên tay mẹ, cậu bé Đồ Đình Phong lúc này đang thiêm thiếp ngủ nhưng thỉnh thoảng lại cựa mình, khóc ré lên bởi chiếc bụng to kềnh càng có lẽ đau tức.
“Em sinh con ra được đúng 7 ngày thì thấy con tiểu tiện khó, người phù lên nên em cho đi khám. Bác sĩ bảo con bị hội chứng thận hư bẩm sinh và nhập viện điều trị luôn từ đợt đó đến giờ là 2 năm rồi chị ạ. Vì căn bệnh nên bụng của con cứ to lên như thế khiến con khó chịu và đau lắm. Thi thoảng cháu đòi đứng lên để tập đi nhưng rồi chỉ được 1,2 bước là lại ngã chúi về phía trước vì chiếc bụng nặng quá. Lúc đó con lại khóc, nhìn buốt hết ruột gan mà em chẳng biết làm sao cả”.
Vừa dỗ dành con, Hường vừa tâm sự trong hai hàng nước mắt đang ướt ròng. Con bệnh khiến vợ chồng lao đao, người cố gắng đi phu hồ kiếm từng đồng bạc lẻ, người phải nghỉ việc hoàn toàn để chăm con trên viện nên cuộc sống hết thiếu trước, lại hụt sau. Nhưng nỗi đau đớn ấy còn lớn hơn gấp nhiều lần khi Hường nhớ về quá khứ.
“Em sinh cháu đầu vào năm 2011 là bé Đỗ Thùy Vân nhưng cháu cũng mất vì căn bệnh hội chứng thận hư chị ạ. Lúc cháu đi, cháu mới được 6 tháng tuổi thôi. Giờ sinh đến bé Phong, con lại bị bệnh như chị khiến em chẳng còn tâm trí nào cả… Sao ông trời lại nhẫn tâm với em như vậy cơ chứ?”.
Đã từng mất đi 1 đứa con, với Hường nó còn đau đớn hơn việc bản thân phải chết, giờ lại đứng trước sự sống mong manh của bé Phong, nên em hoàn toàn mất đi phương hướng. Cầm trên tay tờ giấy xác nhận bệnh tật của con, dòng chữ bác sĩ ghi “Điều trị triệu chứng, chờ ghép thận” như một thử thách, cũng như 1 ngọn núi cao vút trước mặt mà em chỉ có thể đứng ở bên dưới ngước nhìn lên chứ không thể nào vượt qua được. Vợ chồng nghèo, đến việc chạy ăn từng bữa cho hai mẹ con ở trên viện cũng đã làm khó, nói gì đến việc “ghép thận” của con.
Đang dở câu chuyện thì bé Phong thức giấc, gương mặt em ngơ ngác nhìn rồi lại dụi đầu vào ngực mẹ như tìm cho mình 1 chỗ an toàn. Chiếc bụng to phình và ở chân còn nguyên chiếc kim tiêm để giữ mối truyền, cậu bé còn nhỏ quá nên chưa hiểu gì. 2 tuổi, Phong chẳng có tuổi thơ như các bạn mà sớm phải làm quen với bệnh viện, với những mũi tiêm để điều trị căn bệnh của mình.
“Thời gian 2 năm qua gần như lúc nào mẹ con em cũng ở viện. Cũng có lần cháu được cho về nhà nhưng chỉ được 5,7 ngày là phải xuống vì về nhà là cháu không đi vệ sinh được, bụng lại càng trướng to hơn chị ạ. Con bệnh, nhiều khi em chán lắm và muốn buông xuôi tất cả nhưng mình mà làm thế là con sẽ chết luôn nên phải gắng gượng cố bám trụ từng ngày” .
Hường thật thà kể về cuộc sống bi đát của gia đình khi con bệnh. Cùng lúc nhớ lại cảnh đứa con đầu đã mất, rồi lại phải đối diện với sự sống mong manh của bé Phong khiến em như chẳng còn chút sức lực. Thêm vào nữa, cái đói, cái nghèo bủa vây khiến em chẳng thể tìm được lối ra mà hoàn toàn rơi vào con đường cụt.
Nhắc đến gia đình em Hường, bác Nguyễn Văn Hê – Trưởng thôn khu 7, xã Sơn Dương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ ái ngại cho hay: “Trong thôn, ngoài xã ai cũng thương cho gia đình các cháu bởi con cái bệnh tật, con đầu thì lại mất sớm cũng vì bệnh thận. Cháu Hường là người dân tộc Tày lấy chồng về đây nhưng con bệnh nên gần như không làm ăn được gì cả, chỉ có mình chồng cháu là đi phu hồ thôi nhưng cũng không ăn thua”.
Sự sống của Phong giờ như ngọn đèn trước gió bởi bố mẹ kiệt quệ chẳng biết khi nào sẽ “đầu hàng” số phận. 2 tuổi, em còn nhỏ quá để biết được phía trước mặt là bao chông gai, bão tố đang đứng chờ. Nhìn em, thật tình chúng tôi cũng không biết rồi đây, cậu bé sẽ tiếp tục được sống hay sẽ đi theo chị gái… Câu hỏi này như một nỗi ám ảnh khi Hường vẫn nghẹn ngào, quệt ngang dòng nước mắt với lời cầu cứu: “Xin anh chị, cứu lấy con em, cho con em được sống”.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Em Nông Thị Hường (khu 7, xã Sơn Dương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Số ĐT: 0962.800.021.Hiện Hường đang chăm bé Phong tại phòng 813, khoa Thận và lọc máu, bệnh viện Nhi TW.
Theo Dân Trí