Tại sao chúng ta học Phật, hết lòng tu hành mà hay gặp ma chướng?
Tức là oan gia trái chủ nhìn thấy anh học Phật sắp thành tựu, có mối thù chưa trả vẫn còn hận trong lòng nên vẫn cứ đến gây phiền phức cho anh.
Ngày ngày trong mỗi thời Kinh, chúng ta đều đọc bài kệ hồi hướng:
Nguyện dĩ thử công đức,
Trang nghiêm Phật Tịnh Độ,
Trên đền bốn ân trọng,
Dưới cứu khổ tam đồ.
Bốn ân trọng gồm có: Ân Phật, Ân Thầy Tổ, Ân Cha Mẹ, Ân Chúng Sanh. Báo ân Phật, ân Thầy Tổ, ân Cha Mẹ cũng đành rồi, sao lại phải báo ân Chúng Sanh? Điều này nếu như Phật không nói thì chúng ta không biết.
Con người chúng ta đây, không chỉ có 1 đời này, mà còn có đời quá khứ, quá khứ còn có đời quá khứ nữa. Từ vô thỉ kiếp đến ngày nay ở trong lục đạo sanh sanh tử tử, luân hồi không dứt, chúng ta cùng với tất cả chúng sanh đã kết bao nhiêu là oán thù. Đừng nói chi kiếp trước, chỉ nói về kiếp này, trong mấy mươi năm nay, thịt của những động vật mà hàng ngày anh ăn đó, những động vật này có cam tâm tình nguyện để bị anh ăn không?
Nếu chúng chẳng cam tâm, chẳng tình nguyện, chỉ vì chúng yếu nên bị những kẻ mạnh ăn, chúng không có khả năng chống cự nên bị anh giết, bị anh ăn. Đời sau, nếu chúng đầu thai làm người, còn anh đầu thai làm súc sanh, thì chúng sẽ giết anh, ăn thịt anh, ăn qua ăn lại chẳng dứt chẳng liễu, cho nên bên trong oan nghiệt rất sâu.
Tại sao chúng ta học Phật hết lòng tu hành mà thường thường hay gặp ma chướng, tức là oan gia trái chủ nhìn thấy anh học Phật sắp thành tựu, mối thù của chúng chưa trả, hận vẫn còn trong lòng chưa được giải trừ, chúng có cam tâm tình nguyện để anh tẩu thoát hay sao? Vẫn là cứ muốn đến gây phiền phức cho anh.
Cho nên, bậc có trí tuệ sẽ đem tất cả công đức chỗ tu được đó đều hồi hướng cho nhóm chúng sanh mà chúng ta đã lỡ ăn thịt, đã lỡ kết oán thù này, cùng tất cả chúng sanh giải oan, mở kết, đem mối oan kết này giải trừ, nguyện sau khi thành Phật sẽ trở lại mà phổ độ những oan gia này, điều này đối với mình và những oan gia này đều có lợi ích. Vậy nếu họ hiểu rõ, thì họ sẽ tha cho anh một phen để anh được thành tựu, vì nếu anh thành tựu thì đối với chúng có lợi, chúng sẽ không báo thù nữa.
Cho nên, hồi hướng công đức cho chúng sanh là vô cùng quan trọng. Niệm niệm đều nghĩ tưởng đến chúng sanh, bằng cách này thì mối oan kết mới được tiêu trừ. Đây chính là thành tựu Đại Từ Bi Tâm, Đại Từ Bi tức là vô điều kiện, đối với tất cả chúng sanh sự ái hộ, cứu bạt chẳng có điều kiện nào cả. Nếu như sự cứu độ đó mà có điều kiện thì không thể gọi là Đại Từ Bi.
Đem tự mình chỗ tu tất cả công đức đem hồi hướng tất cả cho chúng sanh. Tuy nhiên cần phải có chân tâm, phải có chân thành phát nguyện. Không phải chỉ bằng miệng đem kệ hồi hướng niệm vài lần là được đâu. Cách này vô dụng. Vì sao? Vì hữu khẩu mà vô tâm. Hồi hướng như vậy chẳng những không có công đức, mà con có tội nữa là. Tội lỗi gì vậy? Là tội vọng ngữ. Hằng ngày anh đứng trước Phật, Bồ Tát đọc kệ hồi hướng, Phật, Bồ Tát chứng minh anh đã vọng ngữ, lừa Phật, Bồ Tát, lừa tất cả chúng sanh, cũng lừa luôn chính mình, tội lỗi là từ đây mà ra.
Cho nên, nhất định phải phát chân tâm, phát chân nguyện. Chúng ta đem công đức tu tích được đó, cùng với tất cả chúng sanh phân hưởng, nguyện cho tất cả mọi người đồng sanh Cực Lạc Quốc. Đã phát chân tâm rồi, phát chân nguyện rồi, nhưng không có công đức để hồi hướng thì cũng là vô dụng. Bởi vậy, anh cần phải thật tu, thật sự dụng công niệm Phật, không thể chỉ nói nơi cửa miệng mà được. Công đức khác với phước đức, phước đức chỉ cần anh hành thiện thì liền có, nhưng còn công đức thì phải ở trong tất cả sự tu hành, công hạnh niệm Phật mới có. Do đó, nếu anh chẳng chịu tu hành, chẳng chân thật niệm Phật, đối với Phật pháp anh chỉ là đùa giỡn cho qua ngày tháng nhàm chán mà thôi, thì chẳng thể nào có được công đức.
Do đó, hãy thôi đừng đùa giỡn, giải trí với Phật pháp nữa, mà hãy thật sự tu hành, thật sự vì chính mình, vì tất cả chúng sanh mà chân thật niệm Phật, chân thật phát nguyện, chân thật hồi hướng. Có như vậy, thì trên đường Thánh đạo mới được thuận buồn xuôi gió, những mối oan kết từ tiền kiếp hoặc kiếp này mới có thể hoá giải, thiện duyên giữa mình và chúng sanh mới có thể càng kết càng sâu.
A Di Đà Phật!
_ Pháp sư Tịnh Không_